15:11 - 20/11/2023
Doanh nghiệp tiên phong chào ‘hàng Xanh’ tại Mekong Connect 2023
Tại triển lãm “Nền kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam”, trong khuôn khổ Mekong Connect 2023, các doanh nghiệp mạnh trên thị trường như: Thiên Long, Minh Long I, Điện Quang, Duy Tân, Phú Lễ, Faslink, DannyGreen, Trung An… đã mang đến với những sản phẩm chất lượng quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn Xanh – Bền vững.
Bà Nguyễn Lưu Mai Khanh – Trưởng phòng đảm bảo chất lượng, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam cho hay: “Chúng tôi luôn cam kết đảm bảo chất lượng từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất đến lưu thông hàng hóa trên thị trường. Acecook Việt Nam đã và đang nỗ lực nghiên cứu, mang thêm những giá trị cộng thêm cho sản phẩm, sản phẩm có bổ sung tinh bột khoai tây, đậu hà lan, các loại khoáng chất. Cùng với đó, chúng tôi đang đưa vào các sản phẩm mới, như mì không chiên, sản phẩm ăn liền từ sợi gạo”.
Bà Mai Khanh cho biết thêm, vấn đề bảo vệ môi trường đang là xu hướng chung của thế giới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự thay đổi. Acecook Việt Nam hướng tới sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường để đưa vào sử dụng, như bao bì giấy, các loại dĩa sinh học… cùng với đó là các loại nhiên liệu từ năng lượng mặt trời, khí ga, để góp phần giảm thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường….
Trong khi đó, tại một khu vực triển lãm khác của doanh nghiệp Điện Quang, ông Nguyễn Hữu Long – Chuyên gia tư vấn Năng lượng tái tạo Tập đoàn Điện Quang cho hay, hiện nay Điện Quang đang tập trung cấp các sản phẩm, dịch vụ của mình liên quan đến mảng điện năng lượng tái tạo. Đó là giải pháp đầu tư, cung cấp thiết bị, giải pháp thi công, bảo hành, bảo trì chọn gói trong các hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà. Ngoài ra Điện Quang còn cung cấp các chứng chỉ xanh cho doanh nghiệp muốn chuỗi đổi xanh quy ra tín chỉ carbon để cung cấp cho khách hàng.
Trong đó, điểm nổi bật của hệ thống năng lượng mặt trời của Điện Quang là hệ thống lưu trữ. “Hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách để mua lại điện dư phát lên lưới. Do đó, giải pháp lưu trữ điện sẽ phù hợp cho doanh nghiệp và hộ gia đình, giúp sử dụng điện tiết kiệm một cách phù hợp nhất”, ông Hữu Long nói.
Chia sẻ tại sự kiện triển lãm Xanh, ông Phạm Thái Bình – Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An thông tin, thời gian qua thị trường lúa gạo có nhiều biến động. Nhiều quốc gia không có khả năng sản xuất, cung cấp gạo có nhu cầu cao. Tại Việt Nam, do những điều kiện mà chúng ta chưa tận dụng được hết về xu hướng tăng giá gạo trên thế giới. Điển hình như từ tháng 8 đến nay, giá gạo tăng trên thế giới, kéo theo đó, giá lúa cũng tăng và người nông dân được hưởng lợi.
Nhưng những doanh nghiệp xuất khẩu gạo do đã ký hợp đồng trước, dẫn đến việc phải mua giá lúa cao cho những đơn hàng có giá thấp. Do đó, cơ hội đã không đến với tất cả các bên chuỗi trong ngành hàng lúa gạo. “Chính vì thế, trong Mekong connect 2023 này, chúng ta đang bàn đến sự liên kết sản xuất và liên kết vùng, hay thậm chí là tôi thấy có cả liên kết sản xuất trong chuỗi lúa gạo giữa doanh nghiệp với người dân, nghĩa là sản xuất và thị trường. Tôi cho rằng chúng ta cần đào sâu vấn đề đó, để những tiềm năng mà chúng ta có sẽ có lợi cho người sản xuất, tiêu thụ, doanh nghiệp”, ông Bình nói.
Còn ông Lý Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long I chia sẻ: “Chúng tôi có những nồi sứ dưỡng sinh, những ly sứ dưỡng sinh, hộp đựng thực phẩm được đầu tư nghiên cứu trong nhiều năm. Khi Covid-19 diễn ra, người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe đã đi tìm những sản phẩm giúp sức khỏe của họ tốt hơn, và sứ dưỡng sinh của Minh Long được nhiều người tìm đến”.
Ông Lý Ngọc Minh nói, “các sản phẩm sứ dưỡng sinh của Minh Long có yếu tố khác biệt là chín sâu, luộc không nước, có thể chiên, rang, nướng, dưỡng chất tăng lên gấp đôi do chính bằng hồng ngoại, do đó giúp bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường…”
Tại gian hàng của doanh nghiệp DannyGreen, bà Phạm Thị Hồng Ngọc – Phó giám đốc bán lẻ Khu vực Sài Gòn, cho biết: Các dòng sản phẩm của Danny Green đều có các chứng nhận cao nhất của quốc tế, đó là JAS (hữu cơ Nhật Bản), USDA hay chứng nhận hữu cơ từ Mỹ… Trong đó, riêng sản phẩm dưa lưới, chúng tôi có đến 10 dòng sản phẩm, với nhiều vị, và màu khác nhau, ngọt, giòn, mềm. Ngoài ra còn có bí hạt đậu….
Sau khi nhận thấy rằng, thị trường Việt Nam chúng ta đa phần xuất khẩu thô, trái tươi, nhưng còn nhiều hạn chế về đẹp, ngon, và thời gian vận chuyển phải nhanh. Do đó chúng tôi phát triển dòng sản phẩm trái cây chế biến, có sự chọn lọc.
“Chúng tôi có hơn 10 dòng sản phẩm chế biến sâu từ nông sản. Như tại Mekong Connect 2023 này chúng tôi có chuối sấy dẻo, chuối mix cùng thanh long sấy deo, nước dưa lưới nhiều vị… Tết này sẽ có thêm nhiều sản phẩm khác là đu đủ, khóm, bí hạt đậu sấy”, bà Hồng Ngọc giới thiệu.
Chia sẻ về sự gắn bó, liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất để nâng tầm đặc sản bản địa của địa phương, bà Trần Thị Thu Tâm – Giám đốc vận hành Công ty Cổ phần Rượu Phú Lễ, nói “liên kết được với các hộ nông dân dựa trên 3 yếu tố, là môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp”.
Cụ thể, bà Tâm cho biết, Phú Lễ có chính sách thu hồi, xử lý chai tái chế, đồng thời sử dụng năng lượng xanh trong việc vận hành nhiều máy móc, thiết bị trong nhà máy sản xuất. Những nghệ nhân, người dân tham gia trong chuỗi liên kết làng nghề luôn có chế độ phúc lợi tốt nhất do đó họ có sự gắn bó, đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp trong suốt hành trình 20 năm qua.
“Nghĩa là Phú Lễ đã giúp người nông dân phát triển bền vững, họ vẫn ở trong ngôi nhà mình, giữ được nghề truyền thống và có thu nhập cao hơn, ổn định hơn”, bà Tâm khẳng định.
Là một trong những tổ chức nước ngoài tham gia triển lãm Xanh, bền vững, ông Christopher Howe – Giám đốc Chương trình ĐBSCL, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) khẳng định, đơn vị của ông hoạt động ở hầu hết các tỉnh thành ở khu vực ĐBSCL với nhiều dự án liên quan đến động vật hoang dã, như bảo tồn và phục hồi môi trường tự nhiên tại các khu bảo tồn, khảo sát đa dạng sinh học.
“Tổ chức cũng hợp tác chặt chẽ với người nông dân và hợp tác xã ở các tỉnh trong việc sản xuất lương thực sạch và bền vững hơn nhắm nâng cao khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu cũng như mang lại lợi ích cho cả động vật hoang dã và con người. Ví dụ như các mô hình nông nghiệp dựa vào mùa lũ ở ĐBSCL như lúa nổi kết hợp với cá hoặc sen, tôm – lúa, và tôm – rừng ngập mặn ở khu vực ven biển như Cà Mau…”, ông Christopher Howe cho hay.
Trong đó, chia sẻ bên lề sự kiện Mekong Connect, ông Lê Trí Thông – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho rằng: “Đổi mới sáng tạo bao trùm hơn về công nghệ, đổi mới sáng tạo ở PNJ, nó bao trùm cả lên văn hóa tổ chức, tạo ra những không gian cho những con người có khả năng mang được những ý tưởng sáng tạo từ thực tế. Chúng tôi tạo ra không gian tranh luận, cạnh tranh một cách công bằng cho tất cả các ý tưởng khác nhau. Qúa trình này có sự chọn lọc, để tìm ra những ý tưởng tốt nhất để triển khai. Do đó đổi mới sáng tạo nó là con người, vắn hóa, cơ chế, chính sách và cách tư duy của doanh nghiệp trong cách tiếp cận vấn đề, mở rộng hợp tác giữa các bên…”.
Xanh – Bền vững
Nói về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, một trong những chủ đề chính của Mekong Connect 2023, ông Lê Anh – Giám đốc phát triển bền vững Duy Tân Recycling khẳng định: “Chuyển đổi xanh đã là DNA của công ty, qua các việc hàng ngày đi thu gom chai nhựa sau khi sử dụng, và sau quá trình tái chế sẽ cho ra những hạt nhựa. Và chúng ta gọi là quá trình tái sinh, vì những hạt nhựa này chúng tôi thổi ra những cái chai đựng nước uống. Như thế nó sẽ khép kín vòng tuần hoàn. Vòng này có thể lên đến hơn 50 lần, góp phần vào việc sử dụng nhựa sẽ được nhiều lần, giảm nhựa nguyên sinh đưa vào thị trường”.
Bàn về kinh tế tuần hoàn – định hướng mới cho doanh nghiệp phát triển bền vững, ở góc độ người làm kinh tế, bà Trần Hoàng Phú Xuân – CEO Công ty Cổ phần Kết nối thời trang Faslink cho hay, nhiều tập đoàn, công ty lớn là khách hàng của Faslink đã yêu cầu doanh nghiệp chứng minh tính bền vững trong sản xuất sản phẩm đồng phục, chẳng như hãng bia Heineken.
“Thời trang là ngành gây ô nhiễm thứ hai trên thế giới, với thuốc nhuộm là nguyên nhân thứ hai gây ô nhiễm nguồn nước. Thời trang là nguồn gây ô nhiễm không khí (thải CO2) lớn, chiếm 10% lượng phát thải, bằng với lượng phát thải của hai ngành là tàu biển và hàng không. Chủ nghĩa tiêu dùng theo ý thức, theo khảo sát của McKinsey, 2/3 người tiêu dùng quan tâm đến nguồn gốc và quá trình sản xuất.
Thời trang định nghĩa là “cân bằng 3P”: Production (sản xuất), Profit (lợi nhuận), People (con người).
Theo bà Xuân, có những phương pháp để làm về thời trang xanh, bền vững, R&D về nghiên cứu và phát triển các chất liệu, sản phẩm mới; và From lab to market là đưa các kết quả trong phòng thí nghiệm ra thị trường.
Nói về phát triển bền vững, bà Trần Phương Nga – CEO Thiên Long cho hay, Thiên Long có phương châm “Viết nên hạnh phúc” tức là phát triển bền vững với sản phẩm phục vụ cho tinh thần hiếu học của người Việt, thân thiện môi trường. Vì thế Thiên Long cố gằng trở thành nhà sản xuất có trách nhiệm, vận hành doanh nghiệp có trách nhiệm: Một cây bút chỉ vài ngàn đồng, nhưng Thiên Long vẫn nỗ lực giảm giá từng đồng, như giảm bớt nhựa, giảm bớt nguyên vật liệu khác, giảm gánh nặng về giá cho người tiêu dùng. 15 năm trước, Thiên Long đã làm bảng đen tái chế, gần đây đã sử dụng nhựa tái chế của Duy Tân làm vỏ bút, vỏ trấu làm một số vật dụng… Chương trình Vì mái trường xanh thu mua bút cũ, Thiên Long góp thêm tiền để làm quỹ học bổng.
Mekong Connect 2023 có chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững”, với sự chủ trì của UBDN TP.HCM, Bộ Nông nghiệp, Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ, và sự tham gia của 13 tỉnh thành ĐBSCL. Mekong Connect 2023 được phối hợp điều phối và thực hiện bởi: Sở Công Thương TP.HCM , Hội HVNCLC, VCCI Cần Thơ.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này