12:23 - 26/06/2021
Trái cây bị ‘stress’
Nhìn những điểm bán trái cây ở miền tây, dồi dào chưa từng thấy. Nhưng nếu vào từng khu vườn sẽ thấy ít nhất hai tình huống: Những khu vườn lớn phải dùng thuốc để chống sâu bệnh, những khu vườn nhỏ không dùng thuốc – tỷ lệ hao hụt sẽ rất cao.
Anh Nguyễn Bỉnh Khiêm, chủ cửa hàng đặc sản ĐBSCL tại Cần Thơ cho biết: “ Tôi bao sáu vườn sầu riêng thì hai vườn bị bệnh ‘cháy múi’, tỷ lệ thu hồi thấp nên không có lãi. Có vườn mua mão 40 triệu nhưng thu hồi chỉ được 5 triệu đồng do khui ra thì múi bên trong bị ‘cháy’ hết”.
Hôm mùng 5 tháng 5, giá bán lẻ các loại trái cây tại chợ cao hơn những ngày thường: sầu riêng 6 Ri (bao đổi trả) 80.000 – 90.000 đồng/kg, măng cụt 80.000 đồng/kg, chôm chôm Thái 35.000 đồng/kg, bưởi da xanh 55.000 đồng/kg, quýt đường 55.000 đồng/kg, cam xoàn 40.000 đồng/kg… Trong khi giá mua tại vườn thấp hơn 30 – 50%. Riêng một số loại trái cây giá thấp, ít người mua như mít Thái 3.000 đồng/kg, dâu xanh 5.000 đồng/kg, ổi 4.000 đồng/kg, xoài Đài Loan 4.000 đồng/kg…
Ông Võ Trung Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, tác giả bưởi hồ lô Trung Thành, cho rằng trái cây bị sâu bệnh nhiều là do thời tiết có lúc nắng gắt, cây mất nước, không hấp thu đủ dinh dưỡng và thiếu nước… bị stress – rối loạn quá trình sinh lý, sinh dưỡng trong cây. Hiện tượng này thấy rõ trên cây có múi. Trong khi đó, xoài keo từ Campuchia về, rất nhiều trái vàng tươi nhưng trong ruột có dấu hiệu bị nhũn. Nhiều cơ sở chế biến xoài bị rối loạn sinh dưỡng như vậy nói “tỷ lệ hao hụt 40 – 50%”.
Ông Thành cũng bị stress khi sử dụng phân bón sinh học, bao trái để giảm tình trạng sâu đục trái và nám trái nhưng thương lái không mua, cũng không nói lý do. Ông Thành tự tìm đến các sạp, các cửa hàng trái cây để bỏ mối, giá 40.000 đồng/kg mãng cầu (na) Hoàng hậu, nhưng vẫn thấp hơn 30% so với năm ngoái.
Ngọc Bích (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này