15:27 - 12/04/2022
Sao Michelin, bánh mì ‘ô môi’ và di sản văn hóa của Sài Gòn
Từ giữa tháng 12 năm ngoái đến nay, cả Sài Gòn chộn rộn và tò mò khi nghe tin thương hiệu bánh mì Huỳnh Hoa nổi tiếng tách đôi. Kẻ đồn “quá uổng” bởi Huỳnh Hoa sắp nhận 1 sao Michelin cho món ăn đường phố.
Cùng thời điểm, ở các thành phố khác trong khu vực như Bangkok hay Seoul, người dân địa phương lại chú tâm đến những biểu tượng sống về ẩm thực hay di sản văn hóa của thành phố hay quốc gia họ đang sống.
Giới trẻ Việt yêu “dì Bảy Jay Fai”
Jay Fai sinh ra trong một gia đình nghèo sống trong khu ổ chuột ở Bangkok với người cha nghiện thuốc phiện nặng. Bà tự đi kiếm tiền với nghề may, không phụ mẹ đứng bán hàng ngoài đường. Một ngày nọ đám cháy xảy ra, cả gia đình mất tất cả, Jay Fai buộc phải phụ giúp mẹ nấu ăn sau khi nhận thấy mẹ làm việc quá chậm, khách bỏ đi hết. Bước ngoặt đó đã đẩy Jay Fai vào nghề bếp hàng chục năm ròng và không hề nghĩ rằng mình sẽ có ngày nổi tiếng.
Bà trông có vẻ hơi lập dị với chiếc kính trượt tuyết lúc nào cũng gắn chặt vào mặt cùng cái nốt ruồi đặc trưng. Bà làm gần như tất cả công việc từ chủ đến nhân viên. Một đêm cuối tháng 12/2017, người ta mời bà đi dự tiệc. Món quà ngạc nhiên cuối năm được công bố – nhà hàng Raan Jay Fai giành được một sao Michelin. Năm đó, tổng cộng 17 nhà hàng ở Thái Lan giành được sao Michelin. Jay Fai là quán ăn đường phố duy nhất giành được một ngôi sao.
Được ví như Oscar của điện ảnh hay Grammy của âm nhạc, sao Michelin là một “giải thưởng” quan trọng trong làng ẩm thực thế giới. Sở hữu ngôi sao sáu cánh Michelin đồng nghĩa là sự đổi đời của người đứng bếp lẫn chủ nhà hàng.
Jay Fai hoàn toàn có thể mở chuỗi, xây nhà hàng to lớn và hiện đại hơn. Nhưng bà vẫn quyết định trở về căn bếp nhỏ đỏ lửa và chiếc kính bơi quen thuộc. Với sự hỗ trợ của sáu phụ bếp, ngày ngày bà tự tay nấu ăn cho khách bình dân, từ mọi nơi trên thế giới.
Cũng không thể nào lý giải tại sao giới trẻ Việt lại yêu mến bà trong 5 năm qua và gọi bằng “dì Bảy Jay Fai”. Có lẽ ở bà là hình ảnh của bà nội hay bà ngoại – thậm chí là bà cố – của nhiều bạn trẻ. Thái Lan vừa mở cửa đón du khách quốc tế hồi tháng 2, nhiều bạn trẻ sẵn sàng bay sang Bangkok để thưởng thức các món của “dì Bảy Jay Fai”. Vẫn là món trứng thịt cua nổi tiếng!
Chuyện tình “ô môi” hấp dẫn hơn?
Chuyện tình ô môi – giữa bà Huynh và bà Hoa – cũng thuộc loại tam sao thất bổn.Người nói hai bà gặp nhau đâu 1989, kẻ kể năm 2003. Lúc khó, cùng nhau xây dựng cơ ngơi từ xe bánh mì ở Ngã Sáu Phù Đổng. Có người thứ ba chen vào, như nhát dao cắt đôi ổ bánh mì Huỳnh Hoa nổi tiếng đầy ắp nhân…
Sài Gòn có đầy những tiệm bánh mì nổi danh, những xe bánh mì đứng khuất trong hẻm nhỏ hay chường mặt ở đường lớn. Nhưng chuyện một món ăn nào đó, một quán nào đó khắc ghi trong ký ức mọi ngư ời, buộc thực khách phải quay lại thì hương vị món ăn và sợi dây nối kết hiện lên rất rõ.
“Thứ nhất, thương hiệu gầy dựng trong lòng thực khách càng lâu, càng uy tín thì càng ngon.Thứ hai, tình cảm và văn hóa của người làm ra ổ bánh mì gửi đến thực khách.Nếu không có hai yếu tố trên thì không thể nào làm ổ bánh mì ngon đến độ mà thực khách phải xếp hàng, đợi nhiều giờ để mua”, đầu bếp nổi tiếng Võ Quốc đúc kết.
Có thể bàn tay đạo diễn phía sau vụ Huỳnh Hoa đã quá nóng lòng tạo dựng tên tuổi theo kiểu khơi gợi sự tò mò hay hiếu kỳ của đám đông. Chuyện 1 sao Michelin giữa tháng 12 rồi bị “chìm nghỉm”. Bánh mì rồi cuộc tình Huynh – Hoa cũng phai dần…
Gương mặt và tâm hồn của thành phố
Cùng thời điểm với vụ ồn ào “bánh mì ô môi”, tháng 12 rồi, cụ bà Kim Eun-sook – chủ một nhà hàng bán cháo đậu đỏ ở Seoul – được chính quyền thủ đô Hàn Quốc chọn làm gương mặt đại diện cho thành phố. Nhà hàng chỉ bán món ăn truyền thống cháo đậu đỏ trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Và trong suốt 46 năm tự mình nấu nướng và điều hành, bà cụ Kim đã quyên tặng 1,2 tỷ won, tức hơn 1 triệu đô la cho các tổ chức từ thiện từ việc bán cháo đậu đỏ và những tách trà thảo dược sanghwatang.
Cùng với bà Kim, còn có bốn nhân vật khác nữa được chính quyền Seoul chọn làm gương mặt đại diện cho thành phố sau vòng bầu chọn công khai 20 người được đề cử.“Nhưng hình ảnh người bà, người mẹ cần mẫn làm việc, bao dung và thầm lặng đóng góp suốt nửa thế kỷ của bà Kim được mọi người nhắc nhiều nhất. Đó chính là bộ mặt và tâm hồn của Seoul”, Korea Times viết nhân ngày bà cụ 82 tuổi được yết tên và hình ảnh trong bảo tàng danh dự “Gương mặt Seoul”.
Cuối năm 2020, hawker food – món ăn đường phố Singapore – cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Từ thời điểm này, Thái Lan đã và đang ráo riết trình hồ sơ để UNESCO công nhận món súp chua cay tom yum. Campuchia cũng làm tương tự với hủ tiếu Nam Vang. “Nhằm cạnh tranh với món phở của Việt Nam hay món súp chua cay tom yum của Thái Lan”, tờ trình của Bộ Du lịch Campuchia viết.Mà họ cũng biết thừa là Việt Nam cũng chưa chuẩn bị hồ sơ cho phở để trình UNESCO.
Với sao Michelin, có lẽ Huỳnh Hoa gần như đã chạm được (bởi nó rất gần dù rằng chưa có tin cụ thể từ Michelin) nhưng Huỳnh Hoa cũng chỉ là một đại diện cho sự phong phú ẩm thực của thành phố với gần 10 triệu dân, là một phần trong đoạn lịch sử hơn 300 năm.
Bề dày thời gian, thói quen ăn bánh mì Như Lan của gia đình nhiều thế hệ ở Sài Gòn, cái không khí của khu chợ cũ Tôn Thất Đạm – nơi mua sắm của các gia đình trung lưu từ trước 1975 đến tận năm 2000 – tạo nên tên tuổi Như Lan.
Phải chăng cả hai tiệm Huỳnh Hoa hay Như Lan đều đang thiếu một cái gì đó. Như cái hồn và cốt cách là biểu tượng cho Sài Gòn – TP.HCM như kiểu của bà Kim và bà Jay Fai.“Bà Jay Fai là tượng trưng cho tầng lớp thấp trong xã hội lao động ở Thái Lan, biết vươn lên và làm chủ đời mình.Quán của bà nổi tiếng với người trong và ngoài nước bởi nhiều người yêu mến”, Jack Ronnachat, người dẫn chương trình nổi tiếng của kênh News 1 nhận xét.
“Ngày của Phở 12/12” đã hình thành mấy năm nay ở xứ mình, từ năm 2017. Món phở ăn liền cũng ra đời, thành suất ăn trên máy bay và tại phòng chờ hạng sang ở sân bay.
Bánh mì cũng đã xuất hiện ở những vị trí đó, và rồi cũng sẽ có ngày riêng cho mình. Và khi bánh mì trở thành gương mặt hay tâm hồn của riêng Sài Gòn hay TP.HCM, hay phở của Việt Nam, chặng đường tiếp theo là việc đệ đơn xin UNESCO công nhận phở hay bánh mì là di sản văn hóa phi vật thể.
Lúc đó, chỉ là những nỗ lực về hồ sơ giấy tờ của các hiệp hội ẩm thực, ngành du lịch và ngành văn hóa của Việt Nam.
Năm 2015, nhà hàng đầu tiên tại TP.HCM được trao tặng 3 sao. Sau đó, Michelin đã trao 2 sao cho một hàng khác tại TP.HCM và 3 sao cho một nhà hàng ở Đà Nẵng. Cả ba đều do đầu bếp người Pháp quản lý và làm chủ. Nhà hàng phong cách Pháp, từ trang trí nội thất và món ăn đến giá cả thuộc loại sang và siêu sang.
Hồ Nguyên Thảo (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này