11:08 - 18/03/2023
Sài Gòn nhớ ngược: giải trí trăm năm trước
Với người Sài Gòn – Gia Định, có thể khẳng định, trong thập niên 1920-1930, thú giải trí thịnh hành là… đi coi cải lương.
Năm 1930, ông Yên Sơn, một ký giả từ Hà Nội vào, sau một thời gian quan sát đã khẳng định như vậy trong bài “Phong tục và tiếng nói Nam kỳ khác Bắc kỳ thế nào” trên Hà thành ngọ báo (các số 1715, 1718 và 1719 năm 1933). Ông cho rằng nhờ nó mà có số khá đông trên sáu, bảy ngàn người mới có cơm ăn, áo mặc (so với dân số thời đó, đây là con số lớn).Một số người trở nên nổi danh lẫy lừng và làm giàu nhờ nó.Lúc đó có trên mười gánh, nổi danh nhất là Trần Đắt, Phước Cương, Tân Hí Ban và Tân Thinh. Các gánh không làm rạp hát riêng ở tỉnh mà lần lượt đi hát ở các hạt ở Lục tỉnh, hát ở mỗi nơi chừng năm ba bữa hoặc một tuần, tùy theo độ đông khách ở đó. Đi hát dạo xong, họ quay về Sài Gòn là nơi luôn đóng lâu hơn, doanh thu tốt. Nhờ vậy mới dám thuê nhà hát Tây, trả nặng tiền nhưng rộng rãi và trang trọng.Ông đánh giá các ông chủ gánh cải lương, người nào cũng có học và sẵn tiền.Lập gánh hát không dễ, tốn kém bạc triệu. Như gánh Huỳnh Kỳ nay đã tiêu tán, lúc mới lập muốn có kết quả ngay nên phải bỏ mấy ngàn đồng bạc Đông Dương để chuộc cô Phùng Há, lúc đó đang ở gánh Tân Hí Ban, về hát. Rồi lo tập luyện, sắm áo quần, mua thuyền lớn và tàu canot để chở đồ đạc, đào kép mỗi lần di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác bằng đường thủy. Phải mua phông sơn thủy tại Pháp, trả tiền lương cao hơn 100đ bạc Đông Dương cho các nghệ sĩ lành nghề như Năm Châu, Bảy Nhiêu, Tư Chơi, Năm Phỉ… Riêng số tiền bỏ ra sắm xe hơi, mua áo, giày dát và nạm kim cương, bộ cánh hàng ba bốn chục cho đào Phùng Há cũng đủ khiến kinh ngạc. Chi phí như vậy nên các gánh hát, dù tuồng hay cải lương không thể đi hát dạo các tỉnh nghèo mà chỉ an phận nằm yên tại chỗ. Theo ông “tuồng cổ – không phải chèo – ở Bắc diễn những tích của Tàu mà ở phương Nam cũng đang còn một, hai gánh, như gánh bầu Bôn… nhưng không sớm thì muộn rồi nghề hát bội (người Nam gọi như vậy) ở Nam cũng có ngày tiêu diệt, vì hiện nay mỗi lần có hát thì những người đi coi chỉ là mấy người già ở nhà quê – chớ tuyệt nhiên không có người nào ở thành thị, mà người ở thành thị, nếu như có, chỉ có người Bắc vào đây sống thích xem hát tuồng”.
Thú giải trí thứ hai ở Nam kỳ nói chung và Sài Gòn – Gia Định nói riêng, theo ông là thể thao. Ông nhận thấy “thanh niên Nam kỳ đã có tiếng hâm mộ thể thao nên không chủ nhật nào là không có cuộc thi đá bóng hoặc chơi quần vợt. Họ tập luyện sốt sắng hơn ngoài ta (Bắc) thì lẽ tự nhiên là họ phải có nhiều tay chiếm giải quán quân như Chim, Giao”. Tuy vậy, ông thấy phụ nữ trong Nam không tập luyện thể thao vì cũng sợ dư luận chỉ trích như ngoài Bắc. Có một người là cô giáo Út hô hào khuyến khích các bạn gái nên chơi quần vợt nhưng không có kết quả. Một phần là gia đình các cô cấm ngăn.
Nếu căn cứ vào tin tức báo chí thời đó thì lời khẳng định của ông Yên Sơn đăng trên Hà Thành Ngọ báo nói trên là chính xác. Thời đó, tin tức báo chí tràn ngập bài vở, tin tức quảng cáo về các đoàn cải lương, không chỉ trên báo ở Sài Gòn mà cả trên các báo ở Hà Nội vì người miền Bắc cũng rất thích bộ môn nghệ thuật này và các đoàn cải lương miền Nam ra đó lưu diễn cũng nhiều. Cải lương mạnh đến mức được mời sang dự đấu xảo ở Paris năm 1931 do đoàn Phước Cương cùng hai ngôi sao Năm Phỉ, Bảy Nhiêu làm đại diện.
Ngoài hai thứ giải trí phổ biến trong dân chúng nói trên, giới nhà giàu có sở thích đi dạo phố phường. Giới có tiền, khi xe ô tô chưa ra đời thích đi xe song mã, có xà ích chiều chiều đánh xe đi dạo chơi khắp phố phường như các danh kỹ hồi đầu thế kỷ như Ba Trà, Tư Nhị, Sáu Hương. Người xà ích, một loại tài xế, mặc đồng phục bằng nỉ xám viền đỏ, đội mũ kê-pi mang găng tay trắng như các nhà quý tộc bên Pháp (theo Hồ Trường An – Màn nhung đã khép). Sau khi xe hơi bắt đầu được bán ra, thú dạo chơi càng được đẩy mạnh. Xe hơi đưa họ đi đến cái quán dưới chân Cột cờ Thủ Ngữ uống rượu, ngắm trăng Lăng Tô (thuộc quận 4 hiện nay), ăn tối ở cao lâu Chợ Lớn, ngắm suối Xuân Trường (một địa danh ở thôn Xuân Trường, gần đình Xuân Hiệp. Hiện nay đã bị lấp), đi hồ bơi Thủ Đức. Nhà thơ Tản Đà thời đó khi vào Nam làm báo đã viết mấy câu thơ về suối này: “Thủ Đức- Xuân Trường khách vắng đông/ Ngồi nhớ người xa thêm nhớ cảnh/ Xa xôi ai có nhớ nhau cùng…”. Xe hơi dần trở thành phổ biến trong giới nhà giàu Sài Gòn, nhà nào “chồng có xe hơi thì vợ biết cầm tay lái” (theo Yên Sơn).
Ngoài ra, giới nhà giàu Việt có giao hảo với quan chức người Pháp thời thuộc địa do nhu cầu giao tiếp và háo hức nếm trải văn minh phương Tây cũng tham gia các buổi tiệc có khiêu vũ. Muốn thể hiện sự sành điệu, họ phải đi học khiêu vũ.Nắm bắt nhu cầu đó, các lớp khiêu vũ được mở ra. Trong báo Sài Gòn, tháng 10 năm 1932 có quảng cáo Jazz Attractions là trường dạy nhảy đầm, mở ngay tại Nhà hàng Majestic, mở sáng đêm (chỉ trừ đêm thứ hai). Tiền vô cửa là 1 đồng, Chúa Nhựt từ 18 đến 20 giờ có khiêu vũ vào coi không mất tiền. Chi phí học khiêu vũ 10 bài 20 đồng.
Còn có những gì để cuộc sống vui vẻ hơn thời đó? Một quảng cáo trên báo trả lời ngay: “… là cái vui thú trong gia đình. Trong các sự giải trí giúp vui trong gia đình thì không có vật gì bằng: máy hát Pathe và dĩa hát Pathe. Nghe nhạc hay thì có thể đổi tính tình con người, và nhạc cũng giống như một thứ tiếng nói riêng mà tinh thần, trí não chưa tỏ ra đặng”. Lúc đó, nhà có máy hát dĩa, đang là mốt. Cho đến cuối thập niên 1920, máy dĩa đã không còn nghe “giọng thì rè rè, tiếng thì khan khan nghẹt nghẹt, khi nào cũng giống giọng ông già khò khè trong ống” nữa mà đã tinh xảo lắm rồi với dĩa chạy bằng kim sắc, âm thanh êm ái, rõ ràng. Còn có mốt đi chụp hình tráng men ở tiệm Khánh Ký với đủ màu xanh, đỏ, vàng, đen và nâu, rất bền không phai, v.v.
Cho dù đang chế độ thuộc địa, người dân nghèo khá đông và sống đời khổ cực kiếm miếng ăn, tầng lớp ăn trên ngồi trốc như giới chủ đất, mở tiệm cầm đồ, buôn bán có tiền mặc sức hưởng thụ. Họ sung sướng với các chuẩn mực sống kiểu như “… Nằm giường Lèo, tay đeo hột xoàn/ Mang đôi giày Ăn-phôn (en France)/ Xách cây dù Mạc-xây (Marseille)/ Cái răng của cậu bịt vàng/ Bóp phơi toàn bạc giấy xăn (cent: 100)”. Người ta chúc nhau: “Chúc cho chú năm tới bịt một lượt năm, bảy cái răng vàng!” như một kiểu chơi vừa khoe của, vừa thể hiện mình biết sống biết xài.
Phạm Công Luận (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này