10:21 - 01/07/2022
Quảng cáo trên ‘ti di’ đâu thực, đâu hư
Người xem thường thấy hình ảnh mở đầu cho chương trình truyền hình một đài nọ thường xuyên xuất hiện tòa nhà cao nhất Sài Gòn. Có thể nói hình ảnh đó xuất hiện trên trang nhứt.
Ai biểu “ti di” không có trang bìa. Chẳng hiểu hữu ý hay vô tình!
Trong khi quảng cáo trên “ti di” tốn tiền nhứt, món hàng rẻ tiền nhứt xuất hiện trên “ti di“ nhiều hơn cả là mì gói. Việt Nam là “cường quốc“ mì gói mà. Miền Trung, xứ nhiều bão lụt có thể nói là “cường miền“ của mì gói. Covid-19 là “siêu cường dịch“ của mì gói. Có chiến tranh mì gói không? Có. Ban đầu có một nhãn mì quảng cáo khoe mẻ sợi mì của mình có khoai tây, nhưng chẳng khoe tỷ lệ khoai tây trong mì. Sau đó một nhãn mì xuất hiện nói rõ là trong mì của họ có 11% khoai tây, hãng quảng cáo mì có khoai tây mơ hồ kia lặn mất. Không có lợi khi công bố thành phần khoai tây thấp hơn người ta. Hoặc có khi mì chỉ toàn hương khoai tây.
Một thời, còn có chiến tranh tròng đỏ trứng trong sợi mì trên một chiến trường quy định bỏ ngõ. Trong khi đó, Mỹ qui định mì trứng phải có 5% tròng đỏ trứng so với trọng lượng sợi mì. Có hãng chọn chiến dịch “ham ăn“ của khách hàng, quảng cáo gói mì của mình nhiều hơn gói mì của nhãn khác. Cảnh người ăn mì gói trên một bàn ăn sang trọng, tôm cua đầy nhóc trong tô mì. Người ăn có vẻ hả hê trong khi ăn ngon quá ngon. Khác với cảnh đời lắm kẻ làm không ra tiền phải ăn mì gói cầm hơi “sống qua ngày chờ qua đời“!
Buồn cười nhất là bữa ăn của một gia đình bông hậu, với một ông chồng mất trí nhớ hay teo não gì đó. Lúc nào cũng hỏi đi hỏi lại một câu – kiểu muốn nhập tâm khán giả theo bài bản quảng cáo. Sao cô này vì động cơ gì mà làm vung-nồi với một ông chồng như vậy!
Sau mì gói là các loại nước tăng lực rẻ tiền với những cảnh tạo cảm giác mạnh khi uống vào nước này. Chẳng biết có phải uống nước đó dẫn đến hệ quả như vậy không, theo luật “nhơn-quả“, một trong 12 phạm trù trong triết học I. Kant.
Tỷ lệ béo phì trong trẻ em đang tăng cao. Vậy mà có hãng kem đánh răng quảng cáo xúi trẻ em tha hồ ăn kẹo vì đã có kem bảo vệ răng. Lại còn ăn kẹo ban đêm. Họ bất chấp “cái ngọt“ chết người của đường. Chính vì kỵ ngọt mà Mỹ cấm bán coca trong chai lớn gần các trường học.
Quảng cáo khủng bố cũng xuất hiện trong chai nước mắm trên “ti di“. Ăn nước mắm dễ bị bịnh tim vì mắm mặn. Muối mắm mà không đủ độ mặn chỉ có nước cho ra nước mắm thúi.Vậy mà vẫn có nhà lều làm được mắm không mặn bằng loại muối mặn nhẹ.Thiệt khó hiểu. Vả lại, một bữa ăn hai sét chén cơm, có người ăn một sét. Thịt cá chấm bao nhiêu lần nước mắm, chưa tới mươi lần, sao tổn hại được? Chưa kể càng chấm nước mắm càng lạt đi!
“Ti di“ còn là nơi “chữa“ được nhiều chứng bịnh nan y nhất. Trước tiên là bịnh khớp. Căn bịnh này làm hao tài tốn của không biết bao nhiêu người. Vậy mà “ti di“ chữa lành ngon ơ. Cũng vậy, loét bao tử, dư axít, tôi chứng kiến nhiều người phải đi trị con virus trong dạ dày rất mất công, lại dễ tái nhiễm. “Ti di“ chữa cái một. Nghẽn máu ở đâu “ti di“ cũng nhất nhất chữa khỏi. Kiểu này giống như thuốc trị bá bịnh mà! Nhưng không có quảng cáo thuốc trị bịnh nào có câu: nói thì nói vậy, trước khi dùng thuốc quý vị nên tham khảo thầy thuốc của mình.
Tú Tài (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Phía sau hào quang xuất khẩu rau quả: trứng tiếp tục dồn vào giỏ Trung Quốc
Ông Đậu Anh Tuấn: TP.HCM phải nâng cấp môi trường kinh doanh
Hai câu chuyện Hoa Sen và nụ cười của Tiến
Chặn ‘cái sảy’ để đừng ‘nảy cái ung’
Đã đến lúc trả lại giá thị trường cho vàng SJC
Tags:Quảng cáo trên ti di
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này