14:12 - 24/05/2022
‘Đọ trend, bắt nhịp’ ở Thaifex 2022
Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao với dự án “Hàng Việt Nam – Chuẩn hội nhập” có gian hàng riêng tại hội chợ chuyên ngành thực phẩm và đồ uống Thaifex Anuga Asia 2022 đang diễn ra từ 24 đến 28/5 tại Bangkok, Thái Lan.
18 doanh nghiệp mang theo các sản phẩm tốt cho sức khỏe, độc đáo và lạ đến Thaifex để chào hàng với thế giới. Các sản phẩm theo hai nhóm chủ đề: “sản phẩm mới đáp ứng thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng sau đại dịch” và “thực phẩm ngon – lành là phải tốt cho sức khỏe”. Đây là sự kiện thương mại hàng đầu ở châu Á sau hai năm các nước đóng cửa chống dịch, và cũng là lần đầu doanh nghiệp thuộc Hội tham dự hội chợ kể từ Thaifex 2019.
“Đọ trend” trên đất khách
18 công ty sẽ trưng bày sản phẩm tại gian Việt Nam với biểu tượng “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập”. Tất cả đều ngon và lành, dĩ nhiên là thân thiện môi trường và tốt cho sức khỏe.
Đồng Tháp lần này “gửi” đến bảy công ty nhỏ hay doanh nghiệp gia đình. “Nhỏ nhưng có võ”, cả bảy đều có những sản phẩm mang nét rất riêng của tỉnh, nhất là những sản phẩm từ vùng đất sen hồng. Hương Sen Đồng Tháp có sữa hạt sen và trà sen, Nam Huy có hạt sen sấy. Riêng Ecolotus có loại túi vải và túi giấy được trang trí với lá sen sấy mỏng dán hay may lại.
Tây Cát có bánh phồng cuộn các loại trái cây. 123 Farm có mứt tắc sấy dẻo đường phèn, được doanh nghiệp quảng cáo “tốt cho sức khỏe, tăng sức đề kháng”. Tràm Chim có xoài hữu cơ danh tiếng, với “các chất chống ô xy hóa, giúp cơ thể đề kháng tốt hơn”. Hương Đồng Tháp có các loại tinh dầu thiên nhiên chiết xuất từ bưởi, cam, quýt,chanh, sả…
Bến Tre có ba doanh nghiệp với “cây nhà lá vườn” khá thú vị. Vĩnh Tiến có kẹo dừa, Lương Quới có nước dừa tươi đóng hộp vị dâu hay vị chanh muối, còn có cả bơ dừa. Riêng Green Powers thì có loại bưởi da xanh nổi tiếng.
Các sản phẩm từ dừa và dừa nước cũng là nét nổi bật lần này. Sokfarm có mật hoa dừa, thì Vietnipa có mật dừa nước và đường dừa nước – các sản phẩm giúp ổn định đường huyết, thích hợp cho người ăn kiêng hay đang có bệnh tiểu đường.
Trí Việt Phát có loại sốt ớt Habenero thuộc loại cay nhất thế giới có nguồn gốc từ Mexico và sốt ớt kumquat mơ rừng. Còn với Vinamit cũng vẫn sản phẩm từ công nghệ sấy đông khô – nước cần tây sấy lạnh. Công nghệ của Vinamit giúp bảo quản dưỡng chất trong cây cần tây trồng ở Đà Lạt, nhất là các lợi khuẩn (probiotics) và các chất xơ (prebiotics) có lợi cho hệ vi sinh đường ruột. Vinamit còn có bột gừng đen lên men, một số sản phẩm đạm thực vật như mít non đóng hộp, nấm sấy…
Như vậy, điểm sơ qua thì các doanh nghiệp Việt Nam đều “bắt bài” khá tốt hai chủ đề của gian triển lãm hàng Việt. Nhưng đó cũng là xu hướng chính khi so với 14 sản phẩm của các nước đoạt giải thưởng sáng tạo của Thaifex năm nay.
Thaifex Anuga Asia 2022 được tổ chức tại Trung tâm hội nghị triển lãm Impact Muang Thong Thani từ ngày 24 đến 28/5 với 11 khu triển lãm, 1.200 công ty tham dự, 2.000 nhà mua hàng nổi tiếng như BGF Retail, Circle K… Dự kiến sẽ có 40.000 khách doanh nghiệp tham quan hội chợ.
Thực phẩm của tương lai
Có đến 1.200 công ty đủ mọi quy mô từ các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đến cỡ vừa và cả các đại tập đoàn tham dự triển lãm Thaifex 2022. Trước khi hội chợ khai mạc, ban tổ chức vinh danh 14 công ty cho các sản phẩm thể hiện xu hướng của “thực phẩm trong tương lai” trong một clip rất ngắn dài 26 giây. Trong số này, Duy Anh Foods là công ty Việt Nam duy nhất được trao giải sáng tạo Thaifex 2022. Có đến bảy công ty Thái Lan đoạt giải và họ cũng khéo léo giấu điều này khi không công bố tên quốc gia – mà chỉ sau khi tra cứu thì Trung tâm BSA mới phát hiện. Nhưng cũng dễ hiểu bởi hội chợ đang diễn ra trên sân nhà của họ.
Thái Lan có nền nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm khá mạnh và không ngừng cải tiến. Các sản phẩm của họ lạ mà quen bởi các doanh nghiệp Việt đã sản xuất được những sản phẩm giống vậy hoặc tương tự. Rất quen là dung dịch rửa rau quả. Hoặc tương tự, chẳng hạn, ta có bánh phồng tôm thì họ có bánh phồng chay. Hoặc ta có nước giải rượu thì họ đi thêm bước xa hơn là nước gừng giải rượu – mà điều này lại là mẹo vặt “trà chanh gừng nóng” để giải rượu trong mọi gia đình Việt khi có người say.
Nhưng có lẽ các doanh nghiệp Thái lại nhanh nhạy hơn trong việc đưa côn trùng – một giải pháp mới cho nguồn đạm trong tương lai vào các sản phẩm của mình. Một công ty có bột nhộng tằm, còn công ty khác đưa protein từ dế vào bánh mì ngũ cốc. Nhưng cái họ đi xa hơn Việt Nam là loại bơ thực vật dễ hấp thu (MCT) hoặc bơ chế hạt gai dầu (industrial hemp – một loại cần sa).
Từ 1/6/2022, Thái Lan sẽ cho phép người dân trồng cần sa và cây gai dầu dành cho mục đích y tế. Thái Lan là nước đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa cần sa để nghiên cứu và sử dụng trong y tế từ năm 2018. Năm ngoái, các món ăn, đồ uống và mỹ phẩm có chiết xuất từ cây gai dầu và hợp chất CBD gây hưng phấn được cho phép bán hoặc sản xuất. Các doanh nghiệp Thái Lan được cấp phép bán các sản phẩm cần sa có chứa ít hơn 0,2% tetrahydrocannabinol (THC), chất gây hưng phấn có trong cần sa. Loại cây hoa màu mới này đem lại cho người dân và chính phủ thêm 10 tỷ baht, khoảng 289 triệu USD mỗi năm – theo ước tính của Bộ Y tế Thái Lan.
Hai sản phẩm bao bì của Hàn Quốc không có gì là quá nổi bật. Một sản phẩm được xem là độ khéo là của một công ty Đài Loan: kem chiên vị gà rán. Những viên kem như thịt gà vo tròn chiên lên, tưởng ăn gà rán nhưng mà là kem chiên.
Tài nguyên bản địa thường được nhấn mạnh. Nhưng hai doanh nghiệp đến từ Anh và Ý đã vượt mọi suy nghĩ thông thường và sáng tạo với những nguyên liệu mới nhập từ nước ngoài (giống như Trí Việt Phát chẳng hạn) để cho các sản phẩm của họ thăng hoa, đạt giá trị cao hơn. Như công ty Ms Organics của Anh có sản phẩm nước trà kombucha lên men mật ong, mà trà kombucha lên men vi sinh lại là truyền thống của người Nhật Bản và Trung Quốc. Còn hãng mỳ ống Pasta Nutara SRL của Ý sáng tạo các loại mỳ làm bằng bột từ các loại hạt có giá trị dinh dưỡng cao như hạt teff và dền hạt (amaranth) có nguồn gốc từ châu Phi và hạt diêm mạch (quinoa) từ Nam Mỹ.
Teff, amaranth hay quinoa được xem là “siêu thực phẩm” bởi không có gluten và giàu dinh dưỡng, thích hợp cho người ăn kiêng hay dị ứng tinh bột vốn đang phổ biến. Các loại hạt “là lạ” này đang bán chạy trên các trang thương mại điện tử tại Việt Nam nhưng giá rất đắt. Chẳng hạn, quinoa có giá 120.000 đồng cho bịch 400gr, tức 300.000 đồng/ký – gấp 10 lần một ký gạo ngon của Việt Nam.
Đường dài cho doanh nghiệp Việt
Sông Hương Foods và Quảng Thanh Food lần này đem những sản phẩm độc đáo của doanh nghiệp giới thiệu tại hội chợ.Cà pháo Sông Hương hay rau má Quảng Thanh đều là những “siêu thực phẩm” mà ít ai để ý.
Cà pháo – tiếng Anh là white garden egg – loại quả tròn tròn trắng trắng khá thông dụng và phổ biến với thị trường 650 triệu dân ở Đông Nam Á và hơn 1,2 tỷ người ở châu Phi – theo trang World Crops. Lạ một cái là không một doanh nghiệp Đông Nam Á nào tham gia thị trường xuất khẩu lớn đến vậy. Các công ty của Nigeria và Ghana hầu như độc quyền thị trường này. Sản phẩm chính của họ là “cà pháo ngâm nước muối đóng lon” xuất sang Anh – nơi có đông người gốc Phi sinh sống. Hai nước này quảng cáo cà pháo “siêu thực phẩm”, có khả năng chữa ung thư.
Cà pháo còn được canh tác ở New Jersey và Massachusetts, Mỹ. Giá bán sỉ tại các trang trại tại Mỹ là 2 USD/pound, tức hơn 100.000 đồng/ký. Giá bán lẻ thì gấp đôi.
Đáp ứng nhu cầu trong nước thì Sông Hương cũng bận rộn rồi. Nhưng nếu có một thị trường khổng lồ ngoài kia thì tại sao lại giới hạn mình nhỉ? Một nhà máy 60 tỷ đồng của Sông Hương đang xây dựng thì chắc chắn không đủ khi càng có nhiều người trong hai thị trường khổng lồ ăn cà pháo.
Các doanh nghiệp thực phẩm và mỹ phẩm nước ngoài đang tập trung khai thác dược tính của rau quả và sản phẩm thiên nhiên.Chẳng hạn như một hãng mỹ phẩm Hàn Quốc nhập rau má nguyên liệu từ Madagascar ở châu Phi, chiết xuất các tinh chất của rau má để dùng làm nước tẩy trang và trị mụn. Loại 55ml được bán với giá 282.000 đồng/lọ, loại 100ml giá 366.000 đồng/lọ trên trang thương mại điện tử Hasaki tại Việt Nam. Hoặc hãng dược Blackmore tinh chế thành thực phẩm chức năng dạng viên. Giá 1 lọ 18 viên bán hơn 500.000 đồng…
“Đài Loan đã cắp sách theo học ngành nông nghiệp Nhật Bản, rồi Thái Lan cũng tay xách nách mang chạy qua hòn đảo để tích góp kinh nghiệm của hai đàn anh. Việt Nam mình đi sau, nhún nhường, thôi thì học cả Thái Lan, Đài Loan và Nhật Bản”, CEO Nguyễn Lâm Viên của Vinamit từng trao đổi vậy.
Đầu tư cho sự học, cho công nghệ, cho nghiên cứu và sáng tạo (R&D) trên từng sản phẩm là con đường học hỏi đó.
Hồ Nguyên Thảo* (theo TGHN)
————-
(*) Ban nghiên cứu thị trường BSA
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này