09:44 - 28/09/2022
‘Tẩy xanh’ là trót nhúng chàm
Các thương hiệu và doanh nghiệp đua nhau tạo ấn tượng bằng các thuật ngữ “sản phẩm sạch”, “thời trang bền vững”, “thân thiện với môi trường” hay “tiết kiệm năng lượng”. Trong thực tế, họ chẳng sạch và xanh như tự vỗ ngực.
Greenwashing, tạm dịch là “tẩy xanh”, gần đây được nhắc đến như chiến lược marketing thời thượng thu hút tệp khách hàng quan tâm đến môi trường và chất lượng cuộc sống. Kiểu tiếp thị ngụy trang này đang lan dần sang các doanh nghiệp Việt.
Từ câu chuyện “nước sạch”
Khi còn là Chủ tịch HĐQT tập đoàn AquaOne, bà Đỗ Thị Kim Liên – hay shark Liên – từng tuyên bố “chúng tôi áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất cho toàn bộ công tác kiểm soát chất lượng” nhân ngày khánh thành nhà máy Nước mặt Sông Đuống đầu tháng 9/2019. Tháng sau, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng kiểm tra và tuyên bố không ra văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu. Bởi chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyến ống…
Trả lời báo Lao Động khi đó, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, cho biết công trình chỉ được phép đi vào hoạt động nếu Cục Giám định gửi văn bản cho chủ đầu tư chấp thuận kết quả nghiệm thu. Như vậy, doanh nghiệp đã lách quy trình để đi vào hoạt động. Tuy không quảng bá mình như doanh nghiệp áp dụng các quy chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị), nhưng Sông Đuống đã không đạt những chuẩn mực cao trong kiểm soát chất lượng nước như tuyên bố của “cá mập”. Và, nhà máy của shark Liên còn dính lùm xùm chuyện bán nước giá cao hơn nhiều công ty khác. Sau vụ này, bà Liên rời Sông Đuống.
Greenwashing là một kỹ thuật tiếp thị bẩn được thiết kế để đánh vào mối quan tâm của người tiêu dùng thế hệ trẻ và thế hệ Z. Đó là hoạt động tung ra các quảng cáo, chiến dịch tiếp thị hoặc các dòng sản phẩm tuyên bố là bền vững với môi trường, trong khi thực tế các doanh nghiệp lại ít triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Nhưng bài viết này mở rộng phạm vi, thêm các tiêu chuẩn ESG.
Đến phong trào “tẩy xanh”
Các chiêu thức “tẩy xanh” gần đây trở nên phố biển hơn trong thực hành kinh doanh của doanh nghiệp Việt. Đi kèm với đó là hoạt động kinh doanh đa cấp mô hình ponzi. Các nhãn hàng vô danh thường vẽ ra câu chuyện người sáng lập, thường là phụ nữ, vượt qua vô vàn khó khăn để tạo dựng, nuôi trồng xanh sạch. Họ khoác lên mình “chiếc áo xanh và sạch”, làm mủi lòng nhiều người, phần lớn là phụ nữ, để tuyển cộng tác viên nhập hàng và phân phối để có thu nhập đáng mơ ước.
Những nhà khởi nghiệp lừng lẫy còn bán thêm nước uống dinh dưỡng, nước ion kềm hay thực phẩm chức năng được quảng bá là chế biến với quy trình công nghệ cao, bao bì tái chế tiêu chuẩn quốc tế…
Tuy nhiên, nếu có ai hỏi kỹ về quy trình cải tạo đất, nuôi trồng hay chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap đều gặp phải câu trả lời ú ớ và bị quẳng một cục lơ.
Còn ở giới khởi nghiệp lại thường nghe từ những nhà sáng lập chuỗi cà phê hay công ty cà phê hàng đầu một chuyện khá giống nhau. Kiểu như họ cũng kinh doanh cà phê, thường là cà phê không được sạch và pha trộn đủ thứ. Rồi một ngày họ thay đổi khi nghe một chuyên gia cà phê nước ngoài than phiền, “ở đất nước đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, tại sao người Việt lại chấp nhận cà phê bẩn hay cà phê rang từ bắp và đậu nành?” Và những “huyền thoại” cà phê sạch được viết ra, na ná như thế. Dùng mỹ từ, uyển ngữ để khoác lên mình chiếc áo xanh và sạch đang tràn lan trên các show truyền hình thực tế.
Chỉ là than để nấu nướng, đốt lò. Mô tả thêm các tính năng mới như lọc không khí, khử mùi hôi và khử trùng, thế là các bạn trẻ khởi nghiệp không dùng từ “than” mà thay bằng “sản phẩm nhiệt công nghệ cao”. Một chuyên gia marketing cũng đặt câu hỏi: “Chắc họ nghĩ gọi sản phẩm là than thì nghe không hay, không gần gũi. Việc gì phải tốn nhiều công sức và tiền bạc để giải thích cho khách hàng biết rằng sản phẩm được áp dụng công nghệ cao của Nhật Bản?” Vụ lùm xùm rau sạch “dỏm” trên sàn Tiki Ngon, hệ thống siêu thị WinMart và chuỗi Bách Hóa Xanh… trong tuần rồi là điển hình mới nhất cho chuyện “tẩy xanh”, đội lốt hàng sạch ở Việt Nam.
Một khi tay trót nhúng chàm
Cho đến nay, các phương thức để đánh giá tiêu chuẩn xanh, bền vững vẫn còn bị bỏ ngỏ tại Việt Nam, khiến các doanh nghiệp có ý đồ tha hồ tung hỏa mù.
Thế nhưng, trên thế giới, một số quy chuẩn bắt buộc để doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với môi trường và xã hội, giúp người tiêu dùng có thêm những kỹ năng mới để lựa chọn nhãn hàng và sản phẩm thực xanh chứ không chỉ có hư danh.
Theo hãng kiểm toán PwC, các yếu tố đánh giá một doanh nghiệp ESG bao gồm ba yếu tố. Trong đó, doanh nghiệp phải bảo đảm giảm phát thải carbon, quản lý nước và chất thải, nguồn cung nguyên liệu thô, và tác động từ biến đổi khí hậu an toàn cho môi trường. Yếu tố xã hội trong ESG là phải đa dạng, công bằng và hòa nhập, quản lý lao động, an ninh và bảo mật dữ liệu, quan hệ cộng đồng đều phải minh bạch. Công ty cũng phải đạt mức quản trị, đạo đức kinh doanh và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mức độ cao.
Các quy chuẩn ESG ngày càng trở nên quan trọng trong các quyết định kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Các hãng xe công nghệ Grab, Gojek, Home Credit Vietnam hay chuỗi nhà hàng Pizza 4P’s đã công bố các báo cáo phát triển bền vững. Trong đó, các mục tiêu kinh doanh công bằng, trách nhiệm xã hội và giảm lượng khí thải được nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, theo quy định mới, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn sẽ phải công bố các mục tiêu và lịch trình giảm khí thải trong báo cáo tài chính cuối năm. Và đó chỉ là bước sơ khởi cho việc áp dụng các quy chuẩn ESG tại Việt Nam.
Quay lại chuyện rau sạch “dỏm”. Tác động ngay tức thì đã thấy. Cả Tiki và Masan cùng các chuỗi khác đều lên tiếng rút hết hàng của các nhà cung cấp Trình Nhi, Hugofarm… ngay sau khi Tuổi Trẻ đăng những bài phóng sự đầu tiên. Tỉnh Lâm Đồng lập đoàn kiểm tra đột xuất văn phòng Công ty Nông sản Trình Nhi tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng. Khoan nói trách nhiệm của Tiki Ngon, Masan hoặc Bách Hóa Xanh trong vụ này, nhưng những tác động lâu dài sẽ dần lộ diện. Bởi Tiki chuẩn bị lên sàn (IPO) dự kiến vào cuối năm nay hay đầu năm tới, Masan đang nỗ lực mở rộng hệ sinh thái chuỗi WinLife, và Bách Hóa Xanh lên kế hoạch bán bớt cổ phần.
Tiêu chuẩn ESG chưa được đánh giá đầy đủ sẽ làm chậm quá trình gọi vốn của doanh nghiệp, vì ngay cả nhà đầu tư hướng tới tiêu chuẩn ESG sẽ mơ hồ về con đường phát triển của doanh nghiệp, khó ra quyết định xuống tiền. Trong khi đó, startup sẽ gặp khó khăn khi chứng minh những cải tiến để cho ra sản phẩm xanh. Quan trọng hơn niềm tin của người tiêu dùng và giữa các doanh nghiệp vốn đã lung lay thì nay xấu hơn.
Những trường hợp đánh lận con đen như vậy sẽ là đối thủ cạnh tranh nguy hiểm với các doanh nghiệp ngay thẳng. Bởi đơn giản, những ai mặc chiếc áo đạo đức quá khổ thì chẳng cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm, vung tiền quảng cáo, và chăm chăm vào doanh số và lợi nhuận.
Tuy vậy, cây kim trong bọc có ngày cũng lòi ra. Nhuộm mình để xanh hơn, sạch hơn thì vết chàm vẫn còn đó…
Huyền My – Song Hảo (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này