10:23 - 06/03/2024
GS Trần Văn Thọ: Năm ‘điều kiện’ để Việt Nam thành ‘trung tâm chip bán dẫn toàn cầu’
Việt Nam đang kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất và cung ứng toàn cầu ngành công nghiệp chip bán dẫn, tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, Việt Nam phải chuẩn bị ngay các tiền đề, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, theo GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Nhật Bản).
– Theo dự báo, trong 10 năm tới, Việt Nam cần khoảng 50.000 người trình độ từ đại học trở lên trong ngành công nghiệp chip bán dẫn. Liệu nguồn cung trong nước có đáp ứng được không?
– Nguồn nhân lực chất lượng cao hiện vẫn được coi là “điểm nghẽn” để Việt Nam có thể đón bắt cơ hội trong ngành công nghiệp chip bán dẫn. Mặc dù, ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, tuy nhiên số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp.
Hiện nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là khoảng 5.000 – 10.000 kỹ sư một năm, song khả năng đáp ứng hiện chưa đến 1/5. Thực tế, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một “điểm nghẽn” lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.
Vì vậy, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao thì cơ chế phải chuyển động nhanh, đồng thời rà soát xem hiện nay chúng ta đã đáp ứng được bao nhiêu, về dài hạn 5 đến 10 năm tới cần bao nhiêu?
Bên cạnh đó, cần có cơ chế bổ sung nguồn lực, ngân sách, chuyên gia, mời chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, vận động Việt kiều giỏi trong lĩnh vực này để hợp tác.
– Vậy, Việt Nam cần phải làm gì để khơi thông “điểm nghẽn” này?
– Thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp nước ngoài.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đề xuất các nhóm chính sách như hỗ trợ, khuyến khích người học, để nâng cao số lượng và chất lượng tuyển sinh đầu vào.
Chính sách hỗ trợ, đầu tư đột phá để tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu, chính sách khuyến khích, thúc đẩy hợp tác đại học – viện nghiên cứu – doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
Ngành công nghiệp chip bán dẫn là cơ hội mới với Việt Nam. Song, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không nắm vai trò kiểm soát thì tình trạng đào tạo ồ ạt, bất chấp chất lượng rất có thể sẽ xảy ra như nhiều ngành học trước đây. “Cái giá phải trả” sẽ là thất nghiệp và quan trọng hơn là các doanh nghiệp mất niềm tin vào lao động Việt Nam.
– Ông có đề xuất gì để Việt Nam có tận dụng được cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu?
– Thứ nhất, khẩn trương cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, như kỹ sư cơ khí, điện tử và công nghệ thông tin. Điều kiện cần này nếu không được cải thiện sớm thì không thể có nhiều dự án FDI chất lượng cao.
Thứ hai, cần tập trung cải thiện hạ tầng. Ở phía Bắc vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu điện. Ở phía Nam, nhất là tại TP.HCM và vùng phụ cận, các khu công nghiệp đã được lấp đầy nên giá thuê đất rất cao. Những điểm nghẽn này nếu không sớm khai thông thì sẽ cản trở dòng thác đầu tư mới.
Thứ ba, liên quan hạ tầng phần mềm – thủ tục hành chính và thời gian quyết định cấp phép, cấp visa hoặc giải quyết các vấn đề nảy sinh mà doanh nghiệp cần đến cơ quan công quyền.
Từ thập niên 2000, khi các chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng trở thành trọng tâm của công nghiệp thế giới, yếu tố quyết định cạnh tranh giữa các quốc gia là thể chế. Trong đó gồm thủ tục hành chính và sự minh bạch của các chính sách ảnh hưởng đến chi phí và thời gian vận chuyển của linh kiện và sản phẩm giữa các cứ điểm sản xuất.
Đối với năng lực cạnh tranh của một quốc gia, yếu tố thể chế này quan trọng hơn tiền lương hay giá đất. Việt Nam hiện nay còn yếu về mặt này. Theo đánh giá của doanh nghiệp Nhật Bản, thủ tục hành chính như xin visa cho nhân viên lưu trú dài hạn, xin mở rộng kinh doanh… còn nhiêu khê, luật lệ, chính sách còn chưa thật rõ ràng, minh bạch và được áp dụng tùy tiện là những vấn đề cần cải thiện.
Thứ tư, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong việc tiếp cận với nguồn vốn và đất để đầu tư. Doanh nghiệp trong nước phải lớn mạnh mới có thể tham gia liên doanh được với các dự án FDI mới, mới tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp đa quốc gia. Đây cũng là chính sách gián tiếp làm giảm hoặc không làm tăng hơn sự phụ thuộc kinh tế vào FDI.
Thứ năm, để thu hút các dự án đầu tư chiến lược sản xuất chip bán dẫn, Nhà nước cần có vai trò tích cực với các chính sách yểm trợ hiệu quả. Hiện nay, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác đang triển khai các chính sách công nghiệp rất tích cực.
Đơn cử, để “lôi kéo” Tập đoàn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), công ty sản xuất chip bán dẫn lớn và mạnh nhất thế giới, vào đầu tư ở tỉnh Kumamoto, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định hỗ trợ tài chính và chính quyền địa phương miễn tiền thuê đất đầu tư.
Theo Nguyễn Việt/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này