10:02 - 04/03/2020
Giải cứu nông sản, từ góc nhìn nhân lực
Mới đây, một đoàn chuyên gia của Đại học Harvard Kennedy đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nghiên cứu tình hình biến đổi khí hậu để gợi ra các giải pháp. Tuy nghiên cứu một tình hình có tính thời sự, các chuyên gia lại rất chú ý tới nguồn nhân lực của đồng bằng.
Trang bị kiến thức canh nông cho học sinh trung học
Việc trang bị kiến thức về canh nông và các kỹ năng chuyên nghiệp được một giáo sư góp ý với chúng tôi, từ kinh nghiệm ông ghi nhận ở nước Pháp. Ông đề nghị dạy các kiến thức này trong TRƯỜNG TRUNG HỌC.
Đây là ý kiến của chuyên gia toán học Hà Dương Tường, người thường quan tâm các vấn đề chính yếu của đất nước: “Đã từ rất lâu, tuy ở xa, tôi đã nghĩ đến vấn đề này, đặc biệt ở khía cạnh giáo dục. Tôi nghĩ rằng cần mở ra một hệ thống trường trung học canh nông bao khắp các vùng miền, với những môn học chung như: chế biến nông sản (hoá – sinh học, cơ bản và áp dụng trong lĩnh vực này), kinh doanh (các khía cạnh, trong đó có tìm hiểu thị trường, đối xử với khách hàng, kế toán, các kỹ thuật đóng gói)…, và các môn tập trung vào nông sản của địa phương (tỉnh, vùng) mình – cây hay con gì, chăm sóc đất đai thế nào, mùa vụ ra sao… Học sinh ra trường có trình độ tương đương với tú tài, có thể liên thông với đại học nếu muốn. Trong tinh thần xây dựng hệ thống trường này, thì đa số sẽ ra làm việc cho ngành công nghiệp thực phẩm và ngành liên quan ở địa phương (du lịch chẳng hạn, với khả năng tham gia vào việc mở ra các sản phẩm đặc thù trong lĩnh vực ẩm thực, làm nên thương hiệu cho nông sản của vùng mình).
Đây chỉ là điều tôi nhìn thấy ở Pháp thôi, chẳng phải sáng kiến gì mới, nhưng hình như Việt Nam vẫn chưa có một chính sách, một quy hoạch “căn cơ” về hệ thống này và ngành công nghiệp lương thực – thực phẩm, nhằm tập trung chế biến nông sản, thì đến nay hình như vẫn èo uột so với tiềm năng…”
Giáo sư Trần Văn Thọ đã đồng tình với ý kiến của nhà toán học Hà Dương Tường, ông nói: “Tôi rất tán thành ý kiến anh Hà Dương Tường. Ở Nhật gọi hình thức đó là Kosen (cấp III chuyên khoa), áp dụng cho nhiều lãnh vực chuyên môn khác nữa. Bậc cao hơn là đại học đoản kỳ (hai năm), một năm học văn hoá và một năm học chuyên môn. Các hình thức giáo dục này đang rất cần cho Việt Nam hiện nay”.
Điều ông Tường nói, tình cờ trùng hợp với một mô hình mới đang được triển khai ở một tỉnh thuộc ĐBSCL hiện nay: dạy kiến thức về làm nông và về an toàn thực phẩm cho các em học sinh trung học. Mô hình mới lại được xây dựng, tiến hành bởi một nhà hoạt động cộng đồng người Nhật, chị Ino Mayu, đó là chương trình “Dạy học bằng vườn rau hữu cơ trong trường”, để xây dựng tình yêu nghề nông bằng kiểu làm nông khác của Bến Tre.
“Dự án này đã dạy ở 12 trường, cả THCS và THPT của bảy huyện: Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Ba Tri, Châu Thành, Bình Đại. Mỗi vườn rau tại trường có diện tích chừng 300m2 cho đến 1.000m2”, Mayu nói, và chị cứ nhắc đi nhắc lại, khi làm mô hình này, xin hãy chọn nhà trường nào thực lòng tình nguyện, và học sinh tự nguyện nào hãy tham gia, chứ đừng cứng nhắc kiểu phân bổ chỉ tiêu, phân công thực hiện của ngành.
Kinh nghiệm của Mayu
Các trường tham gia tình nguyện (dự án đề nghị sở Giáo dục và đào tạo của tỉnh không chỉ định trường nào, vì không tự nguyện thì không bền vững). Sau khi trường phổ biến thông tin thì để các em tình nguyện tham gia (cũng đề nghị các thầy cô không chỉ định các em tham gia, vì khi các em tự chọn thì mới tham gia vui vẻ). Sau khi chốt danh sách các em, chia nhóm và giao cho các nhóm quản lý các liếp rau, lại tiếp tục đề nghị trường không hướng dẫn từ A đến Z cho các em. Các em trong nhóm sẽ tự thảo luận với nhau, giúp nhau chăm sóc rau, quản lý các liếp được giao.
Dự án bắt đầu tập huấn cho các nhóm về Nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Khoá học chung cho 12 trường có 17 lớp, nội dung gồm: khái niệm về NNHC, đất khoẻ, hệ sinh thái là gì; các kỹ thuật như: cách ủ phân, làm thuốc thảo mộc, làm dung dịch dinh dưỡng; kỹ thuật trồng rau các loại, v.v. Cứ học lý thuyết xong là thực hành luôn, trực tiếp quan sát vườn rau để kiểm tra tình hình thay đổi hệ sinh thái của vườn rau, tình hình sâu bệnh, tình hình phát triển rau từ khi ủ phân, làm đất đến khi thu hoạch.
Thời gian tập huấn này kéo dài từ 4 – 5 tháng. Khoá đào tạo này y hệt như khoá đào tạo dành cho nông dân (học xong, là các thầy cô và học sinh nắm rõ về NNHC và hệ sinh thái). Trong quá trình chăm sóc rau, các em tự chọn đề tài nghiên cứu nhỏ riêng.
Tổ chức “Seed to table” của Mayu hỗ trợ chi phí xét nghiệm mẫu đất và nước, kinh phí mua vật tư như lưới, cuốc xẻng, hạt giống rau và hoa, phân bò, bộ kít kiểm tra nitrat…
Sau khi thu hoạch rau, các trường sẽ bán rau. Thu nhập từ đó dùng cho duy trì hoạt động (như mua phân bò và hạt giống, sửa chữa dụng cụ, v.v.). Các trường có thể chủ động bổ sung kinh phí hoặc phụ huynh đóng góp để mua tủ lạnh, dụng cụ thêm, v.v. để phát triển hoạt động này. Các em bán rau tại trường với giá từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, mà không đủ rau để bán vì “khách hàng” rõ cách trồng, mua rất đông.
Mayu nói lúc đầu một số cha mẹ học sinh không đồng tình, vì họ nghĩ làm nông nghiệp cực quá (làm nhà nông cực rồi, không muốn cho con theo nghề). Nhưng sau khi các em học về NNHC tại trường về kể cho cha mẹ, họ bắt đầu quan tâm đến NNHC, rồi một số phụ huynh áp dụng kỹ thuật ủ phân, thử trồng theo phương pháp này.
Một số học sinh bắt đầu say mê NNHC và cho biết sẽ chọn khoa nông nghiệp của các trường đại học như: ĐH Cần Thơ, Nông lâm TP.HCM, v.v. Các thầy cô cũng vậy. Từ phân vân, rồi bắt đầu chăm sóc rau, các thầy cô cũng “mê” luôn. Cứ rảnh là thầy cô ra vườn rau.
Làm rau kiểu NNHC, các em học sinh chủ động hơn, trách nhiệm hơn, tự tin và chú tâm sắp xếp công việc và hợp tác với nhau tốt hơn.
Việc đào tạo lớp nông dân trẻ mới sẽ không mang lại lợi ích trước mắt, mà phải kiên trì rất lâu dài. Chỉ sau một năm học, chính các em muốn chọn ngành nông nghiệp ở bậc đại học và cha mẹ các em, ngày ngày đến trường xới đất, hái rau cùng con mình, cũng đồng cảm tình yêu đất, ngành nông nghiệp của con và quê mình. Dạy học, cấp bằng thì không khó, nhưng cấy trồng một tình yêu sâu rễ, bền gốc rất tự nhiên, thật không dễ…
Kim Hạnh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này