10:17 - 27/02/2024
Phát hành chứng chỉ vàng: khó khăn gì?
Phát hành chứng chỉ vàng sẽ là giải pháp tối ưu để NHNN huy động được lượng lớn vàng trong dân, nhưng khó khăn nằm ở phương thức kỹ thuật để kiểm duyệt, chứng nhận loại vàng đủ điều kiện.
Theo ước tính, hiện nay số lượng vàng mà người dân đang nắm giữ lên đến khoảng 400 tấn. Nếu 400 tấn vàng đó vẫn nằm trong “kho tàng” riêng của mỗi cá nhân, gia đình thì thực sự lãng phí, vì vàng là một tài sản quý giá có thể dùng để phát triển đất nước, sử dụng vào những mục đích ích quốc lợi dân. Vì vậy, cần phải đưa được số vàng này ra nền kinh tế.
Trước đây, quy định cho phép các ngân hàng huy động và cho vay vàng đã tạo ra tình trạng đó là nền kinh tế đối mặt với nguy cơ “vàng hóa”, có thể khiến tình hình tài chính trở nên bất ổn. Khi vàng trở thành một phần quan trọng trong các giao dịch tài chính và tiết kiệm sẽ dẫn đến giảm sự quan tâm đến tiền tệ quốc gia, ảnh hưởng tiêu cực tới việc điều hành chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô. Điều này đặt ra nhu cầu cần thiết phải có những điều chỉnh trong quản lý để đảm bảo ổn định kinh tế, hạn chế rủi ro và khuyến khích sử dụng các nguồn lực tài chính một cách hiệu quả.
Tôi đề xuất một giải pháp nhằm tối ưu hóa việc huy động và sử dụng vàng trong nền kinh tế là thông qua việc phát hành chứng chỉ vàng bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cơ chế này cho phép NHNN thu hút vàng từ người dân dựa trên cơ sở tự nguyện, sau đó phát hành chứng chỉ vàng với thời hạn linh hoạt từ 3 – 6 tháng, hoặc từ 1-5 năm (mô hình tương tự như đã được áp dụng thành công tại Ấn Độ).
Điều này không chỉ tạo cơ hội cho người gửi vàng nhận được lợi nhuận thông qua lãi suất (dù không cao như tiền gửi ngân hàng), mà còn đảm bảo khả năng quy đổi vàng thành tiền mặt tại bất kỳ thời điểm nào. Phương pháp này giúp huy động nguồn lực vàng đang nằm im trong dân vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu rủi ro vàng hóa.
Ngoài ra, chúng ta có thể tận dụng hệ thống ngân hàng thương mại để mở rộng quy mô, phạm vi phát hành chứng chỉ vàng. Nghĩa là sử dụng mạng lưới ngân hàng thương mại như một hệ thống phân phối dưới sự bảo đảm của NHNN, hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình gửi và đáo hạn vàng, giúp tối ưu hóa việc huy động.
Với phương pháp này, NHNN có thể huy động được số vàng rất lớn và cho Chính phủ, Bộ Tài chính vay. Sau đó, Bộ Tài chính có thể lấy vàng làm tài sản đảm bảo để vay tiền từ các tổ chức nước ngoài với lãi suất ưu đãi, giúp chúng ta biến vàng thành ngoại tệ phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh và nhu cầu của đất nước.
Đặc biệt, việc Chính phủ xem xét thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia cũng là bước tiến quan trọng trong việc tạo dựng thị trường vàng minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp tại Việt Nam. Sàn vàng này sẽ cung cấp một nền tảng để những thông tin liên quan đến giá cả, giao dịch mua bán được công bố rộng rãi, giúp cho các nhà đầu tư, kinh doanh vàng dễ dàng tiếp cận và tham gia thị trường.
Sự tồn tại của thị trường vàng minh bạch, được quản lý tốt sẽ khuyến khích sự tham gia của các nhà kinh doanh vàng, tạo điều kiện cho việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực vàng trong nền kinh tế. Thông qua việc cung cấp cơ sở dữ liệu chính xác, kịp thời về giá vàng cũng hỗ trợ Chính phủ, NHNN trong việc đưa ra các quyết định chính sách phù hợp, kịp thời.
Như tôi đã đề cập, khi NHNN huy động vàng và cho Bộ Tài chính vay, thì NHNN cũng có lãi để trả cho người gửi. Còn phía Bộ Tài chính dùng tài sản đảm bảo này vay vốn từ nước ngoài, phục vụ cho phát triển kinh tế, tạo ra nguồn thu thuế rất tốt. Như vậy, chúng ta sẽ không sợ những chi phí phát sinh về vấn đề lãi. Theo quan điểm của tôi, khối lượng vàng không bị luân chuyển mà vẫn nằm ở lãnh thổ Việt Nam, nhưng điều quan trọng là nằm ở khâu huy động vàng.
Trong một nền kinh tế, đặc biệt về tiền tệ, đơn vị uy tín nhất cho một quốc gia chính là ngân hàng trung ương. Do đó, nếu NHNN Việt Nam huy động vàng và phát hành chứng chỉ vàng dưới danh nghĩa của NHNN thì uy tín rất cao. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở chỗ NHNN huy động loại vàng nào, để từ đó chúng ta có quy định chặt chẽ với các tiêu chí được kiểm duyệt hoặc được chứng nhận. Tất cả các loại vàng không đúng tiêu chí sẽ không được nhận và khi NHNN trả lại vàng cho người gửi cũng phải đúng với các tiêu chuẩn vàng đã nhận.
Với phương thức đó về kỹ thuật sẽ khá phức tạp, vì phải thành lập các đơn vị kiểm tra chất lượng vàng. Nhưng tôi cho rằng, không có việc gì là không làm được, chúng ta nên tìm ra giải pháp để thực hiện được việc huy động vàng trong dân, mà hiện nay con số đã lên đến 400 tấn, thậm chí còn nhiều hơn.
———–
(*) Chuyên gia tài chính – ngân hàng.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này