09:57 - 11/03/2024
Phải gỡ khó từ gốc, mới thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng
“Muốn kích cầu tiêu dùng tăng để cho vay, người dân phải có thu nhập, phải có việc làm, doanh nghiệp phải hoạt động tốt” – theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).
– Tính đến cuối tháng 2 vừa qua, tín dụng chỉ tăng khoảng 2% so với năm 2023. Trước đó, tháng 1 còn tăng trưởng âm. Đánh giá của ông về thực trạng này?
– Theo tôi, ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất, chuyện tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí bị âm trong thời điểm đầu năm mới là khá phổ biến, có tính quy luật. Bởi vào thời điểm các tháng cuối năm trước, nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và người dân tăng cao, dẫn đến tín dụng tăng mạnh. Cùng với đó, tháng đầu năm mới lại rơi vào thời điểm kỳ nghỉ tết âm lịch nên dẫn đến tháng 1 của năm sau nhu cầu tín dụng giảm vì hầu hết những người cần vay đã thực hiện giao dịch.
Đơn cử như bình quân tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm của giai đoạn 2013-2023 chỉ là 0,56%. Tuy nhiên, nếu mức tăng trưởng tín dụng âm trong 2 hay nhiều tháng liên tiếp vào đầu năm thì lại là vấn đề khác, cần xem xét cẩn trọng. Thứ hai, cần phải thấy, trong bối cảnh hiện tại, vốn ở ngân hàng không thiếu, chỉ tiêu tín dụng dồi dào, nhưng vấn đề quan trọng nhất thời điểm này là thiếu khách hàng đủ điều kiện tiêu chí vay vốn. Điều này đến từ khó khăn chung của nền kinh tế khiến khả năng hấp thụ vốn, nhất là vay tiêu dùng đang gặp khó.
– Cũng có ý kiến, dù lãi suất có giảm nhưng các ngân hàng lại “siết” tiêu chí vay nên các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng. Ý kiến của ông như thế nào?
– Tôi có thể khẳng định rằng, không có ngân hàng nào không muốn cho doanh nghiệp vay vốn, bởi bản thân chức năng hoạt động của ngân hàng là huy động vốn và cho vay. Như tôi đã nói, hiện nay các ngân hàng đang rất dồi dào vốn, tại sao vẫn không dám cho vay? Vấn đề này phải làm rõ. Về nguyên lý, không thể nói ngân hàng không muốn cho doanh nghiệp hay cá nhân vay vốn để đầu tư sản xuất, bởi đây là “miếng cơm manh áo” của ngân hàng.
Thực tế nhiều ngân hàng đang tìm mọi cách để cho vay, để có thể tăng trưởng tín dụng, để tránh bị “ế” tiền. Song, mặt khác, chính ngân hàng cũng xác định, không phải cho vay bằng mọi giá để rồi “chết”. Có nghĩa phải tìm được đúng người, đúng đối tượng, đúng khách hàng để cho vay.
Cũng không thể vội nhận xét khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp, sau đó đổ trách nhiệm cho ngành ngân hàng. Vậy là không đúng, vì nó phản quy luật kinh tế. Tại sao các đối tượng đó lại không tiếp cận được vốn? Tại sao hiện nay các doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng không vay được? Ngân hàng không dám cho vay vì doanh nghiệp đó không đủ tiêu chuẩn để vay.
Suốt mấy năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, rồi tác động từ suy thoái kinh tế thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp đã “căng” hết mình nên có thể không còn đủ sức nữa. Bây giờ, doanh nghiệp không còn tài sản để đảm bảo thế chấp và ngân hàng cũng không có cơ sở để tin tưởng rằng doanh nghiệp tiếp tục phát triển ổn định.
– Vừa qua, Thủ tướng đã ký Công điện số 18/CĐ-TTg về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, trong đó yêu cầu NHNN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Theo ông, triển vọng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới sẽ ra sao?
– Đây là mong muốn của chính ngân hàng và doanh nghiệp. Làm sao phải tháo gỡ được “gốc” của những khó khăn, vướng mắc trong cho vay vốn tín dụng. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ phục hồi, nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ tăng cao, từ đó kích thích tăng trưởng tín dụng. Ở đây có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Yếu tố khách quan, kinh tế thế giới phục hồi và tốc độ phục hồi ra sao sẽ không phụ thuộc vào chúng ta.
Thêm vào đó là diễn biến địa chính trị thế giới vẫn phức tạp. Đơn cử như khu vực Trung Đông, Biển Đỏ vẫn căng thẳng, xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn mà chưa có tín hiệu tích cực… Những điều đó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế trong nước khi nhu cầu tiêu dùng của các thị trường thế giới giảm và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước.
Yếu tố chủ quan, vấn đề nội tại của nền kinh tế. Việt Nam có độ mở kinh tế rất lớn, xuất khẩu có vai trò rất quan trọng, nhưng do thị trường bên ngoài biến động nên xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua đã giảm sút mạnh. Điều này tác động đến cầu tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp. Vì vậy, để thúc đẩy cầu tiêu dùng hiển nhiên không chỉ mình ngân hàng làm được, mà đòi hỏi tất cả các bộ ngành chung tay, mới có thể xem xét, tháo gỡ.
– Ông đánh giá thế nào về quan điểm có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và từ đó kích thích nền kinh tế tăng trưởng?
– Hiện nay lãi suất cho vay đã xuống rất thấp. Đối với những doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh hiệu quả, có ngân hàng còn cho vay với mức lãi suất chỉ 3%-4%/năm. Thậm chí, có lãnh đạo ngân hàng còn nói với tôi, hiện còn phải “mời” doanh nghiệp vay với lãi suất cho vay cực kỳ ưu đãi, chỉ có 3%/năm, vậy mà doanh nghiệp không vay. Bởi, doanh nghiệp đó không có nhu cầu vay vốn, họ cũng không có nhu cầu mở rộng đầu tư sản xuất. Còn những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, không đủ tiêu chuẩn, dù lãi suất cho vay cao đến 10%-15%/năm, ngân hàng cũng không dám cho vay.
Thêm vào đó, cũng cần xem lại đề nghị giảm lãi suất cho vay của doanh nghiệp đã vay từ trước thời điểm giảm lãi suất. Tức lãi suất của khoản vay cũ cao, bây giờ doanh nghiệp muốn đề xuất ngân hàng giảm xuống, cũng phải xem xét, có lộ trình, có quy trình đầy đủ. Bởi đây là hợp đồng dân sự đã thỏa thuận rõ ràng giữa hai bên.
Nếu khi doanh nghiệp đề xuất giảm lãi suất, ngân hàng đáp ứng, đến khi cơ quan thanh tra vào cuộc, kết luận ngân hàng tự ý điều chỉnh lãi suất, gây thất thoát vốn, tài sản, khi đó ai sẽ chịu trách nhiệm? Vì thế, ngân hàng không dám tự quyết. Tóm lại, về dư địa giảm lãi suất cho vay, theo tôi hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động đầu vào là thấp, nên đương nhiên lãi suất cho vay đầu ra cũng sẽ thấp, nhưng vấn đề là ngân hàng muốn cho vay cũng không được. Cái khó của bài toán này không nằm ở vấn đề lãi suất.
Muốn kích cầu tiêu dùng tăng để cho vay, người dân phải có thu nhập, phải có việc làm, doanh nghiệp phải hoạt động tốt. Tôi kỳ vọng thời gian tới kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có bước phục hồi. Bởi, vừa qua, các quốc gia, vùng lãnh thổ có các dự án FDI vào Việt Nam khá nhiều. Đây có thể là yếu tố giúp nền kinh tế khởi sắc trong những tháng tới, tạo điều kiện để các doanh nghiệp và cá nhân có thể tiếp cận vốn tín dụng nhằm đầu tư vào sản xuất – kinh doanh.
Theo Lưu Thủy/SGGP
Ngày đăng: 11/3/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này