12:44 - 27/10/2018
Bộ GD-ĐT: Không nhập khẩu chương trình, SGK nước ngoài vì quá đắt
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, việc sử dụng chương trình và SGK của nước ngoài liên quan đến vấn đề bản quyền.
Kinh phí để mua bản quyền đắt hơn rất nhiều so với việc huy động các chuyên gia trong nước tự xây dựng chương trình và SGK của Việt Nam.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, việc sử dụng chương trình và SGK của nước ngoài liên quan đến vấn đề bản quyền. Kinh phí để mua bản quyền đắt hơn rất nhiều so với việc huy động các chuyên gia trong nước tự xây dựng chương trình và SGK của Việt Nam. Nếu nhập thì giá thành SGK cũng vì thế mà tăng lên nhiều, đa số người dân Việt Nam không thể mua SGK của nước ngoài xuất bản.
Tại phiên thảo luận ở tổ cũng như hội trường vừa qua, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nêu câu hỏi: Tại sao Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) không nhập khẩu chương trình và sách giáo khoa (SGK) ngoại ngữ của nước ngoài thay cho việc biên soạn chương trình và SGK của Việt Nam?
Giải trình lại điều này, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, việc sử dụng chương trình và SGK của nước ngoài liên quan đến vấn đề bản quyền. Kinh phí để mua bản quyền đắt hơn rất nhiều so với việc huy động các chuyên gia trong nước tự xây dựng chương trình và SGK của Việt Nam. Nếu nhập thì giá thành SGK cũng vì thế mà tăng lên nhiều, đa số người dân Việt Nam không thể mua SGK của nước ngoài xuất bản.
Mặt khác, chương trình của nước ngoài có nhiều nội dung không phù hợp Việt Nam.
“Chương trình và SGK ngoại ngữ của Việt Nam được xây dựng theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (trên cơ sở đối chiếu với Khung tham chiếu chung châu Âu), chính vì vậy, học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông vẫn đạt được năng lực ngoại ngữ tương đương chuẩn của nước ngoài”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cam kết.
Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” được phê duyệt theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30-9-2008 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án Ngoại ngữ 2020).
Đề án có mục tiêu triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực.
Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ độc lập, tự tin; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người Việt Nam.
Đến ngày 22/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2080/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025.
Theo đó, mục tiêu của Đề án xác định đến năm 2020 hoàn thành chương trình và học liệu làm quen với ngoại ngữ cho trẻ mầm non. Đến năm 2025: phấn đấu 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 được học chương trình ngoại ngữ 10 năm; 100% các ngành đào tạo chuyên ngữ triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành đào tạo.
Theo SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này