
09:57 - 28/02/2024
Sân khấu Hoàng Thái Thanh: ‘Lạc ở đáy sông’ câu chuyện đẫm tình người
Nếu muốn coi những vở diễn đậm đặc tính Nam Bộ, có lẽ khán giả không thể bỏ qua sân khấu Hoàng Thái Thanh với những nhân vật và bối cảnh của miền Đồng bằng sông Cửu Long.
Vở diễn Lạc ở đáy sông mới tái diễn trong kịch mục tháng 3 này bắt đầu bằng câu chuyện của những thân phận con người trên một chiếc thuyền nhỏ ở dòng sông Hậu, Cần Thơ.
Dòng sông đưa họ đi tới đâu, họ neo ở đó, nhưng cũng có những người không neo đậu đâu cả mà tự neo mình vào ký ức của niềm sân hận, của nỗi đau và hối tiếc khôn nguôi. Để đến một ngày, mới nhận ra đó chỉ là… mộng tưởng. Chính những gì thiết thân nhất, đáng giá nhất, yêu quý và trân trọng mình nhất, lại chỉ là một chiếc ghe cặp sát bên mình, đang cùng mình chờ bến mới.
Những nhân vật trong Lạc ở đáy sông, mỗi con người một số phận, được (hay bị) ném vào cuộc đời không thể biết trước nhưng ngay cả khi chối bỏ hiện thực để đi theo những giấc mơ mong được một tương lai tốt đẹp khác, cũng chỉ là “lỗi lầm” như cách mà chúng ta sống cùng nhau không bao giờ biết làm sao để trọn vẹn với từng phút giây, thay vào đó, hoặc kiếm tìm trong ảo vọng xa xôi, hoặc kẹt trong một cái bẫy hay trầm mình trong một vũng lầy tuyệt vọng.
Sân khấu, đúng nghĩa, là nơi mà chúng ta có thể coi lại chính mình trong những nhân vật thông qua nghệ thuật trình diễn của diễn viên. Cái cảm giác háo hức chờ sân khấu mở màn, ngồi khóc cười với họ từ đầu đến cuối, rồi sau đó, khi đèn bật sáng, các diễn viên ra chào, gương mặt còn đọng nước mắt mà môi vẫn cười. Màn nhung khép lại, ta trở ra trở vô tìm họ, để nhìn thấy họ coi có khác… ngoài đời.
Để có thể tin rằng tất cả những câu chuyện kia là ở… trên sân khấu mà thôi, chớ ngoài đời, làm gì tệ quá vậy, hay sướng quá vậy, hay đẹp quá vậy, hay xấu quá vậy… Và nghệ thuật cho ta cái cảm giác rằng cuộc sống không hẳn là như thế. Và phải chăng ta cần một kết thúc có hậu như một niềm an ủi cho chính những số phận chung quanh mình.
Nhưng sao nhân vật vẫn ám ảnh ta? Cái cô Lụa ấy có phải người “tham phú phụ bần” hay vì cô là con chim dòng dọc muốn tìm chọn một cái tổ thật ấm, thật đẹp để bay vào sẵn sàng làm tổ với con chim trống đã khéo léo giỏi giang mà xây thành? Nếu là ta thì ta sẽ làm gì với số phận ấy? Còn anh Tư Bờ hiền lành nghèo khổ kia, vì nỗi đau và hối tiếc mà sẵn sàng làm nghề vớt xác người trên sông suốt 20 năm trời cuối cùng cũng có chút niềm an ủi rằng nhờ đó mà ông có được biết bao nhiêu là tình thương của con người đặt vào ông như một bồ tát cứu độ.
Vậy nên cái kết cho một tấn bi kịch của con người chính là sự thấu hiểu, sám hối và yêu thương. Sân hận đến với chúng ta rồi ở lại với chúng ta như thế nào cũng chính là ở tình thương của chúng ta có đủ bao dung để tự biết thương chính nỗi đau của mình để buông mọi phiền trượt, tự trao cho mình cuộc sống bình an.
Và lòng bao dung ấy có thể giúp cho thế hệ con cháu cởi bỏ được oán thù, để những đứa trẻ dành cho nhau hạnh phúc thay vì đau khổ chăng? Kim Khánh (đứa con gái của Lụa với người đàn ông trăng hoa và bạo hành đã dụ dỗ mẹ cô bằng một tổ ấm kiểng) đã biết để hiểu hoàn cảnh của mẹ mình, gia đình mình mà không oán trách? Và Hào (đứa trẻ mồ côi mà Tư Bền nuôi từ lúc 5 tuổi) với mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó, lênh đênh bằng cách học thật giỏi, sống thật tốt để có thể “làm tổ ấm” khang trang đón Khánh về? Chiếc thuyền của Tư Bền liệu còn có chòng chành và đôi trẻ tưởng chừng sinh ra trong hoàn cảnh oan nghiệt có hạnh phúc?
Câu trả lời sẽ ở trong những tấm vé giúp bạn bước vào thế giới của sân khấu- cuộc đời không mấy xa cách nhau.
Vở diễn “Lạc ở đáy sông” sẽ tái diễn vào hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật cuối tuần tháng 3/2024 tại sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM). Tác giả: Hoàng Thái Thanh – Nguyễn Thoại. Đạo diễn: Ái Như. Các diễn viên: Thành Hội, NSƯT Tuyết Thu, Ái Như, Hoàng Thái Quốc, Phương Trâm, Kỳ Thảo, Nguyễn Long, Ma Ran Đô, Tấn Đạt, Hoài Thương, Khánh Duy, Hồng Duyên, Tuyết Minh, Phi Long, Tường Vi, Bá Phong
Ngân Hà (theo TGHN)
Ảnh: HTT cung cấp
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này