08:35 - 24/08/2016
Võ Văn Tiếng – chú ngựa ô can trường
“Tôi cực kỳ đơn độc, chỉ một mình âm thầm làm, không được gia đình ủng hộ, chính quyền thì ngăn cản, bạn bè cũng bảo mình điên”- Tiếng kể. Có lúc, ruộng Tiếng còn tính bị “cưỡng chế” khi mình đắp đất làm mương, nhưng thật may, có “ông chú trên tỉnh”.
Thức suốt đêm để đóng gói, khuân vác lên xe, 15 tấn gạo sạch vừa thu hoạch ở ruộng Đồng Tháp đã có mặt ở Sài Gòn đúng 4 giờ sáng, Võ Văn Tiếng đã kịp dự phiên chợ Xanh Tử tế vào sáng thứ bảy, ngày 20/8.
Dáng người cao nhòng, da đen thui, trông chắc nịch, “Út Tiếng” vẫn cười tươi rói khi nói về hạt gạo, dù mắt còn đỏ hoe vì mất ngủ nhiều đêm…
Ngựa chứng vạn lý độc hành
Út Tiếng nghỉ học sớm vì mê chơi. Đến một ngày, Tiếng chợt nhận ra nếu cứ bám nhà thì “không lớn nổi”, đời coi như mất ý nghĩa.
Tiếng bèn xin ba má đi lính, để rèn ý chí tự lập. Rời quân ngũ, Tiếng vẫn mê chơi, “vạn lý độc hành” trên các cung đường, đi bộ qua 20 tỉnh, thành của đất nước.
Chỉ với 8.000 đồng trong túi, thế mà cậu Út miền Tây nào lên Đồng Văn, sang Lũng Cú, qua Tây Bắc… rồi về đến Hà Nội mà 8.000 đồng vẫn còn nguyên.
Đơn giản, đi đến đâu Tiếng làm thuê đến đó, làm đủ nghề… để đổi lương khô đi tiếp. Cuộc hành trình đó đã khiến Tiếng ngộ ra nhiều giá trị mới.
Lần đi đó, Tiếng tìm hiểu những tập tục, phong cách sinh sống của người dân Tây Bắc, thấy họ sống hạnh phúc lắm, “không phải vì có nhiều của cải mà nhờ có sức khoẻ tốt, nguồn sản phẩm sạch”.
Người dân làm nông không dùng phân hay thuốc, trong khi ở nhà, ba má Tiếng “làm 10ha dùng hơn 22 tấn phân hoá học, lượng kinh khủng cả phân lẫn thuốc khiến đất không còn là đất nông nghiệp nữa”.
Và, năm 2015, khi 24 tuổi, Tiếng quyết “khởi nghiệp” trồng lúa sạch. Ba anh phản đối mạnh ý nghĩ cổ quái đó. Ông bảo: “Người ta làm thế nào mình phải làm hơn chứ không thua về sản lượng được”.
Tiếng “cãi”: “Con làm lúa sản lượng thấp nhưng bán giá cao hơn, vẫn kiếm được tiền như thường”, rồi hỏi ngược lại “Ba biết dùng phân, thuốc là độc hại không? Trước tiên hại mình, người tiếp cận phân, thuốc đầu tiên, sau đó hại người tiêu dùng”.
Riết rồi ba Tiếng chấp nhận cho anh thử 2 ha đất, lòng vẫn cố ý chờ coi ngày Tiếng “sạt nghiệp” cho biết đời.
Sự mong chờ đó không hẳn là vô lý, bởi Tiếng đang từ một kẻ lêu lổng bỗng dưng quay sang làm nông dân. Nhưng nông dân thì cũng phải có chút kiến thức, đằng này Tiếng hầu như chẳng có gì, cho nên thất bại là điều không thể tránh khỏi.
Thuận theo tự nhiên – thiên địch
Mùa đầu, Tiếng giảm một nửa lượng phân hoá học. Mục tiêu 1ha đạt năm tấn lúa. Kết quả chỉ được 4 tấn/ha. Lúc này, lại lời vô tiếng ra, thử thách đủ thứ. Nhưng không nản chí, Tiếng coi thất bại là bài học, là mẹ của thành công. Đã thế, ở miền Tây người ta làm một năm ba vụ, Tiếng chỉ làm hai.
Mục đích của Tiếng là để cho đất nghỉ, và trong thời gian đó lấy rơm đốt thành tro, vùi lại bón cho đất cùng với phân hữu cơ. Đó là cách Tiếng cải tạo đất thuận theo tự nhiên.
Mùa thứ hai, Tiếng không dùng phân hoá học hẳn luôn, thuận theo tự nhiên. Thế mà năng suất tăng. Lúc này, nhờ khôi phục lại dưỡng chất cho đất, năng suất cao hơn. Mùa thứ ba cũng thế, nhưng nay là vụ thứ bốn hơi thấp hơn dự tính “sợ thiếu gạo cho người ta”.
Riêng thuốc trừ sâu thì ngay từ đầu Tiếng nhất quyết không xài. Thoạt tiên, có vẻ như Tiếng đang đùa cợt vì lẽ lấy gì chống sâu bệnh. Hơn nữa, khi những thửa ruộng xung quanh dùng thuốc trừ sâu, rất có thể sâu bệnh của cả vùng sẽ tập trung ngay tại ruộng của Tiếng? Vậy anh chàng “gàn” này đối phó với vấn nạn này như thế nào?
Thật may, tự nhiên có cách giải quyết hài hoà của nó. Thay cho những hoá chất thuốc trừ sâu, những loài “thiên địch” trong tự nhiên đã giúp Tiếng. Dĩ nhiên, làm được thế, Tiếng phải cất công tìm hiểu.
Vào các buổi tối, Tiếng đi thăm đồng để xem mấy loài thiên địch “sinh trưởng thế nào, con nào có thể trị con nào theo phương pháp của tự nhiên, chứ không hại nó”.
Tiếng phát hiện ra lúc trời gần sáng, những con rầy nâu bay đi, để lại trứng trên thân lúa. Chính những ấu trùng đó sẽ sinh ra rầy nâu con. Thiên địch của rầy chính là cá. Hễ rầy bay xuống uống nước là cá chờ sẵn, ăn hết.
Thế là, Tiếng canh thời tiết, chờ khi rầy nâu đẻ là bơm nước vào cho ngập trứng. Khi đó, trứng rầy bị ung, úng không nở được. Cứ khoảng 1.000m2 Tiếng thả khoảng 500 con cá lòng tong, vừa diệt rầy, vừa có cá.
Vụ đầu, do không biết, Tiếng nuôi cá mè trắng. Loài này đúng là nhanh lớn, bán được giá cao, nhưng khổ nỗi mè trắng ăn luôn cả cây lúa. Dù thiệt hại không nhiều nhưng Tiếng cũng kịp nhận ra “phải nuôi cá rô đồng, cá sặt rằn, cá điêu hồng”. Bài học rút ra: bất cứ làm gì cũng phải thử nghiệm nhỏ, sau đó nhân rộng quy mô lớn để tránh rủi ro.
Sâu đục thân là loài đáng sợ nhất của nhà nông và cách phổ biến nhất là phun thuốc diệt. Riêng Tiếng thì tìm cách phòng ngừa. Khi sâu đến, Tiếng bơm nước vào. Nước cao, Tiếng kết hợp luôn nuôi vịt. Nghe thì dễ, nhưng phải canh thời điểm.
“Rầy lửa, tức con bù lệch, từ 8 – 15 ngày sẽ bay đến lúa của mình. Nó tí xíu bằng đầu kim, năm con mới ăn được một lá lúa. Khi cây lúa lên đến lá thứ sáu rồi thì không bị dịch hại nữa, sẽ tự hết. Cây lúa còn nhỏ chứa nhiều dinh dưỡng, đến ngày 15 sẽ mạnh hơn, tự đề kháng lại con rầy lửa đó mà không cần phun thuốc gì hết”.
Để tự nhiên nên cả cánh đồng 10ha của Tiếng khi mới sạ lúa được mười ngày thì rầy lửa bu đến, ruộng vàng rực, tưởng như đã đến mùa lúa chín. Chòm xóm lo ngại, rầu giùm cho Tiếng, khuyên phải xịt thuốc thôi. Tiếng nhất quyết không vì “con rầy lửa ăn tí thôi rồi no, nếu ham ăn quá sẽ bể bụng mà chết”.
Hàng xóm lắc đầu, gọi Út Tiếng là “Tiếng liều”. Quả nhiên, cây lúa khi qua 20 ngày tuổi tự dưng xanh tốt trở lại. Ai nấy ngạc nhiên. Từ đó, nhiều người hoài nghi lại tỏ ra thân thiện, lân la đến giao lưu, tìm hiểu.
Tiếng chia sẻ hết, không giấu nghề. Anh kể, thời xưa, môi trường sinh thái cân bằng, cá, chim, cò… còn rất nhiều, nhưng sau này bị tận diệt hết. Giờ anh “muốn dùng mô hình cây và con để cân bằng với nhau, bón phân ngược lại cho đất, tạo nên hệ tuần hoàn sinh thái tự nhiên”.
Tiếng không đặt cược hết về lúa, mà kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi. Anh trồng nhiều loại rau trái khác nhau, tất cả đều không dùng thuốc, không phân hoá học.
“Nếu chỉ làm lúa, có dịch bệnh sẽ dễ mất trắng nên cần kết hợp nuôi cá, vịt, trồng hoa màu. Cho dù giá lúa bấp bênh thì mình sẽ có nhiều nguồn thu khác từ cá, vịt, hoa màu…”, Tiếng giải thích.
Thần tài gõ cửa
“Đây là hình ảnh Võ Văn Tiếng ở Hồng Ngự, chàng thanh niên khởi nghiệp bằng cách trồng lúa không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Từ 2 ha, nhờ Thiện Cỏ May giúp đỡ, mùa rồi Tiếng thuê đất mở rộng được 10 ha. Gặp Tiếng đưa lúa xuống xay xát và đóng bao bì ở nhà máy Cỏ May. Hiện gạo Tâm Việt của Tiếng không đủ tiêu thụ. Mua trả tiền trước giá 28.000 đồng/kg. Mua bình thường giá 32.000 đồng/kg.
Gạo Nàng hoa 9 với thương hiệu “Tâm Việt” – “Cái tâm của người Việt” và “Gạo ngon từ đất – Gạo chất từ tâm”. Chúng ta cần mua trước ủng hộ cho chàng trai này có tiền thuê đất mở rộng diện tích nhé. Ủng hộ khởi nghiệp là mình cũng đang khởi nghiệp rồi đó”.
Đấy là lời rao trong một email mà ông bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan gửi đến nhiều người.
Tiếng chẳng có họ hàng thân tích gì với ông “Sáu” cả, nhưng sự thành công hôm nay có dấu ấn rất rõ của người mà Tiếng gọi thân mật là “Ông chú trên tỉnh”.
Tiếng kể, những ngày đầu “mần guộng”, gặp bao gian khó. “Tôi cực kỳ đơn độc, chỉ một mình âm thầm làm, không được gia đình ủng hộ, chính quyền thì ngăn cản, bạn bè cũng bảo mình điên. Tiếng kể, có lúc, ruộng Tiếng còn tính bị “cưỡng chế” khi mình đắp đất làm mương. Nhưng thật may, “Ông chú trên tỉnh” biết chuyện, can thiệp, cho làm “nên mình mới không bị”.
Những bao gạo mới nhất còn thơm mùi ruộng của Tiếng được đóng gói rất bắt mắt, hút chân không để giữ được hương thơm và để được lâu. Quý nhân thứ hai là người mà ông Lê Minh Hoan nhắc tên trong “lời rao”: “Thiện Cỏ May”, chính là Phạm Minh Thiện, tổng giám đốc công ty Cỏ May ở Sa Đéc, giúp Tiếng “vô điều kiện”. “Cứ làm, được bao nhiêu, anh bao đầu ra”.
Không có tiền thuê đất, Thiện cho mượn, không có vốn sản xuất, Thiện hỗ trợ. Thấy Tiếng loay hoay chuyện bảo quản, đóng gói bao bì, Thiện đưa về nhà máy hiện đại của mình đóng gói định hình, theo tiêu chuẩn HACCP, lại còn hút chân không. Tiếng bảo ông Sáu và anh Thiện là “hai ông thần tài” đứng sau lưng mình.
Từ 2 ha vụ đầu, nay là 10 ha, sắp tới, Tiếng cho biết sẽ “mướn thêm 10ha nữa” vì “mỗi năm chỉ làm hai vụ, cần lượng đất để xoay vòng…” Từ chuyện những ngày đầu mày mò tìm thị trường, khó bán, tồn đọng nhiều, nay thì “chỉ đủ cung cấp cho bạn bè” mà thôi. Tiếng giờ đã trở nên nổi tiếng. Nhưng “bỏ qua những lời chua chát ban đầu, và bây giờ lại lo lắng với những lời ca tụng xung quanh”.
Rong ruổi đường thiên lý, rồi trở về với ruộng, chàng hai lúa nay đã… “Thế bao giờ Tiếng lấy vợ?” “Tôi nông dân lắm, tối ngày trên đồng ruộng có ai thèm thương. Ngựa ô can trường là tên bên hướng đạo sinh đặt cho mình. Tôi vẫn tiếp tục can trường với nông nghiệp sạch và luôn phải cố gắng cho xứng với tên gọi đó”.
Kim Yến
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này