
13:36 - 07/05/2016
Quầy gạo Cỏ May trong siêu thị Singapore và ‘cụ 109’
Trong cuộc cạnh tranh, không chỉ có cạnh tranh của doanh nghiệp mà cái chính là cạnh tranh của các chính phủ, của thể chế, của chính sách. Như thế, thử hỏi Việt Nam sẽ cạnh tranh với ai, khi những ông cụ như ‘ông cụ 109’ cứ trơ gan cùng tuế nguyệt.
Sáng nay mở email, tôi nhận được mấy bức ảnh các kệ gạo trong siêu thị, kèm mấy chữ “Như đã nói, tui gửi chị”.
Chiều cuối tuần hôm qua, anh bạn làm nghiên cứu tại một đại học Singapore đến chơi.
Tình cờ trong câu chuyện, anh khoe: “Bà xã mình gần đây mua được gạo sạch và thơm Cỏ May ở siêu thị. Lên mạng xem, thấy gạo Cỏ May là Hàng VN Chất lượng cao. Ăn thấy ngon lắm bèn giới thiệu cho các gia đình đồng nghiệp Singapore, họ cũng mua và khen. Mà sao về TP mấy hôm nay muốn mua gạo Cỏ May cho mẹ tôi mà không được? Chị làm xúc tiến bao nhiêu năm mà dở ẹt. Để tui về tìm mấy tấm ảnh gạo Cỏ May trong siêu thị Singapore gửi cho chị”.
Thế là vừa giải thích vì sao gạo Cỏ May chưa phân phối rộng rãi được ở Sài Gòn, tôi cười “giả lả”, lấy trong kho ra một túi gạo Cỏ May nhờ anh gửi tặng bác gái (gạo do doanh nhân trẻ Phạm Minh Thiện gửi BSA một ít để tặng khách).
Giờ nhìn cả mấy kệ gạo Cỏ May san sát trong ảnh, những túi gạo vuông vức, bao bì đẹp từ tỉnh Đồng Tháp “khuất nẽo” (cách mà bí thư Lê Minh Hoan thường tự trào về tỉnh ông) bay qua tận siêu thị Singapore, tôi chợt cảm động.
Cảm động hơn nếu biết về con đường chông gai mà gạo Cỏ May đến Singapore.
Từ tháng 1/2011, Nghị định 109 đã cấm DN nhỏ VN xuất khẩu gạo nếu không đủ một loạt điều kiện, trong đó có kho chuyên dụng chứa 5.000 tấn gạo, có nhà máy xay xát…
Hơn 5 năm qua, hàng trăm công ty xuất khẩu gạo phải ủy thác cho các công ty lớn hay phải đẩy gạo xuất theo tiểu ngạch qua Trung quốc và báo chí đã kêu nhiều mà “cụ 109” vẫn cứ trơ trơ.
Trong tình cảnh đó, doanh nghiệp Cỏ May xoay trở đủ kiểu đủ đường vẫn không xong, rồi mấy tháng gần đây, thử qua Singapore mở công ty Cỏ May Singapore để tự nhập hàng của mình từ Việt Nam qua phân phối tại Singapore.
Thêm bộ máy, thêm chi phí, thêm thời gian, nhiều thủ tục với đủ thứ rào cản trầy vi tróc vảy thì gạo sạch và thơm Cỏ May mới có mặt ở siêu thị Singapore đó.
Cũng những ngày cuối tháng 4/2016, qua tờ The Nation, chúng ta đọc được hàng loạt thông tin về chương trình lớn của chính phủ Thái nhằm thúc đẩy đầu tư-xuất khẩu vào 4 nước CLMV (4 nước: Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam), mà tập trung nhất là…Việt Nam.
Theo đó, các tập đoàn lớn của Thái ký thỏa thuận với Bộ Thương mại Thái Lan, cùng ngân hàng, nhiều cơ quan khác nữa cùng cam kết hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Thái đưa hàng vào Việt Nam (trong các tập đoàn ký, có tên TCC vừa mua hệ thống Metro).
Rất nhanh, hàng Thái đã nghiễm nhiên chiếm đầy các kệ của Metro.
Từ lâu rồi, ngay những thời gian mà chính trị Thái biến động liên miên thì hoạt động hỗ trợ DN Thái của chính phủ vẫn diễn ra thường xuyên, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Nhưng hai năm gần đây, chính phủ Thái càng tập trung thiết kế, thực thi nhanh nhiều chính sách hỗ trợ SME Thái, chủ yếu để tận dụng mọi thuận lợi từ việc hình thành cộng đồng kinh tế Asean.
Trong cuộc cạnh tranh, không chỉ có cạnh tranh của doanh nghiệp mà cái chính là cạnh tranh của các chính phủ, của thể chế, của chính sách.
Các bộ, ngành VN thì 10 năm qua thi nhau lập thêm hàng nghìn (6.000 hay 7.000?) giấy phép con, thêm nhiều rào cản, dây trói, buộc doanh nghiệp cống nộp trên bàn, dưới bàn, có biết, đâu chỉ có doanh nghiệp hứng chịu thua thiệt mà trong thời buổi hội nhập sâu rộng chưa từng có này, tác hại được nhân lên gấp nhiều lần và đổ tất cả xuống đầu của nền kinh tế.
Tiết lộ thêm chút, theo lời rủ rê của BSA (vì phiên chợ chưa có nhiều gạo sạch cao cấp), gạo Cỏ may đã có mặt tại phiên chợ Xanh Tử Tế mở cửa hai ngày 7 và 8/5/2016 tại BSA.
Lúc 10h, tại quầy, một bác nắm tay tôi (bác mặc cái áo dài lam, tóc bạc trắng) kể: “Tôi có ý tìm mà bữa nay mới gặp, đây là gạo của bác Bên đó cô, tôi thường nói với con, cháu tôi, tôi coi bác Bên là Bồ tát. Gạo của người tử tế mà, tôi mua một hơi 5 túi đó cô”.
Kim Hạnh
Theo BSA
Phiên chợ Xanh Tử Tế lần thứ hai diễn ra vào 2 ngày 7 – 8/5 (thứ Bảy và Chủ nhật) và bắt đầu từ 8h đến 18h tại 163 Pasteur phường 6, quận 3, TPHCM – Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA).
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này