13:58 - 29/03/2017
Ngành tôm lạc quan giữa tứ bề thọ nạn
Ngày 23/3, tại Sóc Trăng, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất ngành tôm năm 2017. Các địa phương cho biết diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang cũng đã lên tới 19.600 ha.
Dù thiệt hại thế nào, người nuôi vẫn sẽ mua tôm giống thả tiếp.
“Thuyền ai nấy lo”
Diện tích thả nuôi tôm trong vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): 536.400ha, vẫn tăng 52.300ha so với cùng kỳ (trong đó tôm sú trên 521.000ha, còn lại tôm thẻ chân trắng trên 14.900ha). Đứng ở đầu chuỗi, người kinh doanh tôm giống đã bán ra 24,2 tỉ con giống.
Trung tâm Khí tượng thuỷ văn trung ương cho biết, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô 2017 ở Nam bộ vẫn tiếp tục xảy ra, có thể hạn hán bắt đầu muộn vào khoảng tháng 7, sẽ ảnh hưởng đến việc thả – nuôi tôm. Nhưng không gì bằng giá tôm trên thị trường, hiện nay giá rất tốt trong suy tính của người nuôi.
Kế hoạch nuôi thả được xây dựng theo “đỉnh lạc quan” và cả nước sẽ nuôi 700.000ha; sản lượng 660.000 – 680.000 tấn. Giới kinh doanh con giống tính nhu cầu tôm giống 130 tỉ con. ĐBSCL chiếm hơn 80% diện tích nuôi tôm cả nước và người nuôi cứ nuôi, người mua bán cứ mua bán.
Định hướng lớn
600.000ha nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến sẽ áp dụng giải pháp khoa học công nghệ và chế phẩm sinh học, nuôi tôm sinh thái để nâng năng suất tôm quảng canh từ 300 – 350kg/ha, hiện nay tăng lên 500 – 650kg/ha. Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám nói dự thảo kế hoạch hành động quốc gia về phát triển ngành tôm Việt Nam, đã gửi đến các ban ngành, địa phương và bộ sẽ trình Chính phủ trước ngày 30.3. Ông nhấn mạnh: bộ NN-PTNT chủ trương tăng sản lượng không tăng diện tích, nâng cao giá trị tôm Việt Nam bằng cách phát triển mạnh tôm sú tạo vị thế tôm Việt Nam, từ lợi thế chế biến sản phẩm giá trị gia tăng của ngành xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nước.
Nhiều ý kiến cho rằng kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam tới năm 2025, cần bổ sung các giải pháp:
– Đưa con tôm vào danh mục sản phẩm nông nghiệp được ưu đãi.
– Nên khuyến khích hình thành hệ thống cơ sở chế biến đồng bộ song song lộ trình tăng sản lượng tôm nuôi, áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư (thuế, lãi suất vay…) để giải quyết tình trạng ứ đọng khi thu hoạch.
– Giải pháp đồng bộ giảm giá thành tôm nuôi, vì giá tôm Việt Nam cao hơn khu vực từ 1 – 2 USD/kg. Muốn giảm giá thành thì: (1) Giảm chi phí đầu vào các vật tư cơ bản như giá tôm giống, giá thức ăn… (2) Tăng năng suất nuôi. Cứ để giá thành cao nhưng cuối cùng phải giảm giá bán cân bằng giá khu vực, sẽ ảnh hưởng tới người nuôi.
Từ đề xuất chính sách tới hành động, từ chuyển động riêng lẻ tới hành động chung nhịp nhàng mất bao lâu, lại là câu chuyện khó biết trước.
Tứ bề thọ nạn
Thị trường tôm của Việt Nam, được tiếng là bán tới 90 nước, nhưng tập trung chủ yếu vào năm thị trường lớn (chiếm 84% tổng doanh số tiêu thụ): Hoa Kỳ, EU, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nói theo một doanh nhân có uy tín thì kinh nghiệm trong ngành tôm Việt Nam là: thị trường tứ bề thọ nạn. Nghĩa là các nước sử dụng hàng rào bảo hộ trong nước, còn mình thì sản xuất nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát triệt để nên cái rối nhất là khi họ phát hiện tôm không sạch, dù tỷ lệ rất thấp.
Con tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ gặp cản ngại lớn là thuế chống bán phá giá, thời điểm này là 4,78%. EU kiểm soát sau thông quan chặt chẽ hơn. Tại Nhật, tôm Việt Nam phải kiểm tra 100% lô hàng với các chỉ tiêu gắt gao về kháng sinh, hoá chất, vi sinh…
Trung Quốc mua hàng theo hai dạng: 1/ Tôm tươi; 2/ Mua tôm bơm tạp chất (không chính thức). Dạng thứ hai tiềm ẩn rủi ro khi Trung Quốc giở quẻ tung các video bơm chích tạp chất từ Việt Nam mà họ đã ngầm thoả thuận, thậm chí khích lệ, lên mạng bêu xấu thì tôm Việt Nam “bít cửa”.
Hàn Quốc, từ đầu tháng 4/2017, sẽ kiểm tra năm bệnh tôm ở 10% lô tôm tươi nhập khẩu từ Việt Nam. Úc chỉ chiếm 3% doanh số tiêu thụ tôm Việt Nam, nhưng họ đang ngưng nhập tôm tươi trong sáu tháng để kiểm tra bệnh đốm trắng.
“Chiếc bánh” thị trường tôm chín năm tới, nếu tăng cũng sẽ không quá 7%, liệu các nước sẽ để yên cho Việt Nam muốn lấy bao nhiêu thì lấy?
Đức Toàn
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này