15:35 - 01/03/2017
Thế khó của tôm cá
Năm 2017 mới qua được hai tháng, nhưng, hàng loạt rào cản liên tục giáng xuống đầu con cá, con tôm Việt Nam.
Trong khi con cá tra bị hàng loạt siêu thị ở châu Âu rút xuống khỏi quầy kệ thì con tôm lại bị cơ quan chống gian lận thuộc Uỷ ban châu Âu (OLAF) nghi ngờ gian lận nguồn gốc xuất xứ để trốn thuế. Sau Úc là Hàn Quốc, rồi tới Nhật cũng đang đẩy mạnh việc áp dụng hàng rào kỹ thuật ngăn cản con tôm bán vào thị trường của họ…
Chạy ăn từng bữa, tìm đâu hàng xuất lấy 10 tỉ đô
Mới đây, OLAF khẳng định họ có cơ sở nghi ngờ tôm có nguồn gốc Ấn Độ đã xuất với số lượng lớn sang Việt Nam, sau đó sơ chế rồi tiếp tục xuất khẩu sang Anh, Hà Lan, Đức, Bỉ, Đan Mạch, Ý và Pháp. Tình trạng này, đã diễn ra từ năm 2011 đến nay, và mọi chuyện sẽ không có vấn đề gì nếu như Việt Nam không được hưởng ưu đãi thuế tôm đông lạnh dạng thô khi xuất vào EU là từ 4,2 – 7%, trong khi Ấn Độ phải chịu từ 12 – 20%.
Vụ này, nôm na có thể hiểu là doanh nghiệp Việt Nam gian lận xuất xứ (C/O) tôm nhập khẩu từ Ấn Độ về, rồi chế biến xuất ngược sang EU để hưởng thuế thấp. Tuần trước, nghe đâu, bộ Nông nghiệp đã có văn bản “quán triệt” các doanh nghiệp xuất khẩu tôm dừng ngay việc làm sai trái này lại. Và cũng phanh phanh, OLAF đã tìm ra được một thủ phạm doanh nghiệp Việt Nam có sản lượng xuất khẩu tôm lớn nhất để nâng thuế suất lên tới… 40%. Theo đánh giá của giới doanh nghiệp, đây được coi là hành động trừng phạt rất nặng, mang tính răn đe cương quyết, nhằm ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm có thể xảy ra trong tương lai. Với mức thuế này, xem như, đại gia tốp đầu xuất khẩu tôm mất thị trường châu Âu.
Tại sao doanh nghiệp phải nhập khẩu tôm, câu chuyện có phải chỉ để hưởng ưu đãi thuế? Từ nhiều năm nay, sản lượng tôm nuôi của Việt Nam liên tục giảm sút do môi trường nuôi ô nhiễm ngày càng nặng. Tình hình dịch bệnh trên tôm vụ nào cũng trầm trọng, tôm giống kém chất lượng, tỷ lệ hao hụt cao, đẩy giá thành không cạnh tranh lại các nước. Theo dữ liệu thương mại mà OLAF cung cấp cho bộ Công thương Việt Nam, từ năm 2013, doanh nghiệp bắt đầu tìm đến tôm nguyên liệu của Ấn Độ. Từ chỗ sản lượng nhập ở con số 0kg, năm này doanh nghiệp mua tới 27,8 ngàn tấn với giá trị hơn 283,2 triệu euro (hàng thuộc mã số 030617) và tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2014, tỷ lệ nhập khẩu tăng tương tự vào năm 2015. Lẽ đương nhiên, số tôm này sau khi sơ chế sẽ được xuất ngược vào EU. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu tôm ở Cà Mau thừa nhận, nếu chỉ trông chờ vào nguồn tôm nuôi nội địa thì nhà máy của ông chỉ đủ sản lượng chạy được đúng một quý trong năm. Ba quý còn lại đóng cửa nhà máy, nên bắt buộc phải nhập nguyên liệu về mới có việc làm, có doanh số. Nếu không nhập của Ấn Độ thì phải nhập của Indonesia, Thái Lan…Chỗ nào có hàng, giá rẻ là phải nhập.
Như vậy, con tôm nuôi đã ngày một khó, diện tích nuôi thì giảm liên tục nhưng doanh nghiệp còn phải cạnh tranh thu mua từ ao tôm với thương nhân Trung Quốc. Ngành tôm Việt Nam, nếu chỉ nhìn vào con số màu hồng 3,13 tỉ USD xuất khẩu trong năm ngoái mà không nhìn thẳng đến các vấn đề yếu kém nội tại sẽ rất nguy hiểm, rất khó để chúng ta làm các chính sách, chiến lược phát triển bài bản. Đầu năm nay, Chính phủ từng yêu cầu Việt Nam phải hướng đến trở thành thủ phủ tôm, phải mang về 10 tỉ đôla trong nay mai. Tuy nhiên, với thực tế đang phải “chạy ăn từng bữa”, tranh giành mua từng ký tôm nguyên liệu trong nước không đủ, còn phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài thì hơn ai hết, chính các doanh nghiệp họ đang hiểu nội lực của ngành ở đâu. 10 tỉ đôla, sự thực chỉ là con số để nói khi mà khâu hậu cần cho con tôm của chúng ta chẳng có gì. Con giống lệ thuộc nước ngoài. Thức ăn do nước ngoài nắm giữ. Thuốc thú y cũng nhập khẩu hết. Việt Nam chỉ có mỗi ao hầm, và môi trường nuôi thì đang… quá tệ.
Số phận cá tra
Đầu tuần trước gặp Bình, một Việt kiều Mỹ kinh doanh cá tra ở Texas, về Việt Nam gặp một số doanh nghiệp để mua cá tra. Bình có hơn mười năm nhập cá tra philê động lạnh từ Việt Nam cung cấp cho hệ thống siêu thị, khách hàng trên khắp nước Mỹ. Nhận xét về chất lượng cá tra, Bình khẳng định nếu các doanh nghiệp mà biết quý trọng đến hình ảnh loài cá này thì hôm nay bảo đảm người tiêu dùng ở Mỹ rất có thiện chí với loài này. Tuy nhiên, trong nhiều năm liền gần đây, cũng chỉ vì cạnh tranh giành khách hàng mà doanh nghiệp Việt tự hạ chuẩn chất lượng, hạ giá bán khiến con cá tra không còn được người dùng quan tâm nhiều như trước. Theo Bình, hiện tại thị trường cá tra tại Mỹ chỉ còn phục vụ cho người gốc Á, nhất là Trung Quốc hoặc gốc Phi, Mỹ Latinh chứ còn cư dân Mỹ trắng hoặc châu Âu thì họ ít khi sử dụng.
“Nếu không tin, bạn cứ vào siêu thị bất kỳ nào ở Mỹ, mua một miếng cá tra cho vào lò quay. Quay chín, lấy muỗng gạt nhẹ một cái là miếng thịt cá bở tơi, nhão nhoét chứ không cứng, săn chắc như trước đây!”, Bình nói.
Hạ chất lượng đồng nghĩa với việc hạ giá bán cũng có thể mang đến lợi nhuận cho doanh nghiệp nhưng cái mất lớn nhất là thương hiệu, uy tín, hình ảnh mới đáng quý. Giá bán thấp còn tạo ra môi trường cạnh tranh bất hợp lý với các loài thuỷ sản nội địa ở các quốc gia nhập cá tra Việt Nam. Điều này, sẽ dẫn đến gây ân oán sâu đậm với người nuôi trồng các nước và dễ bị kiện chống phá giá, dễ bị truyền thông bôi bẩn.
Giá cá tra xuất khẩu trung bình sang thị trường EU đã liên tục giảm mạnh trong những năm gần đây. Đến năm 2016, chỉ còn dao động ở mức 2,1 EUR/kg, thấp hơn so với mức 2,3 EUR/kg năm 2015… khiến cho ngành nuôi trồng thuỷ sản EU gặp rất nhiều khó khăn nên buộc phải tìm cách phá. Nên nhớ, các hầm nuôi cá tra ở Việt Nam vẫn đang được hội đồng Quản lý nuôi trồng thuỷ sản châu Âu (ASC) cấp chứng chỉ đạt chuẩn nuôi quốc tế. Liên minh Nuôi trồng thuỷ sản toàn cầu (GAA) cũng đã công nhận khá nhiều diện tích nuôi cá tra của Việt Nam đạt tiêu chuẩn.
Diện tích cá tra hiện có khoảng 5.000ha, hầu hết đều được nuôi theo chuỗi giá trị liên kết và đạt chứng nhận của các tổ chức quốc tế như GlobalGAP, ASC, BAP… Tuy nhiên, đôi khi những tiêu chuẩn quốc tế này chưa chắc đã ngăn hay bảo vệ được hình ảnh cá tra trước sức mạnh của truyền thông và internet, một khi hai công cụ này trở thành trợ thủ cho các nhóm lợi ích nào đó. Từng có thời gian gần 20 năm tham gia xuất khẩu, xem chừng, các doanh nghiệp cá tra vẫn chưa thể học hỏi được kinh nghiệm làm thế nào để sống sót trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Có lẽ, việc hiểu biết về luật pháp của địa phương, am hiểu văn hoá của nơi và chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực, đồng thời phải giữ văn hoá gốc của mình là trách nhiệm và đạo đức… là bài học chưa bao giờ thừa.
bài, ảnh Bảo Ngọc
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này