
12:14 - 15/12/2019
Đọc sách: Ba gã say luận đàm thế sự
Tác phẩm Ba gã say luận đàm thế sự được Nakae Chomin xuất bản năm thứ 20 thời Minh Trị (tức năm 1887).

“Ba gã say luận đàm thế sự”, Nakae Chomin. Bản dịch tiếng Việt: Võ Vương Ngọc Chân và Nguyễn Mạnh Sơn. Nhã Nam và NXB Thế Giới phát hành tháng 10/2019.
Xuyên suốt toàn bộ tác phẩm là cuộc luận đàm của ba nhân vật: vị chủ nhà Nam Hải tiên sinh, ngài Thân sĩ Tây học và vị khách Hào kiệt.
Nỗi lo của ngài Thân sĩ Tây học và vị khách Hào kiệt trước việc các quốc gia châu Âu ngày một mạnh mẽ và trong khả năng gần sẽ đem quân xâm lược đất nước nên đến gặp Nam Hải tiên sinh nghe cao kiến.
Để chống lại nguy cơ mất nước, ngài Thân sĩ Tây học cho rằng tiến lên Dân chủ là bắt buộc trong xã hội loài người. Đất nước dân chủ là đạt tới lẽ tự do, bình đẳng và tình bác ái làm nền tảng xã hội. Muốn thắng được các nước lân bang cần dựa vào hai điểm là học thuật tinh thông và kinh tế phú cường.
Vị khách Hào kiệt lại đề xuất việc tránh các cường quốc châu Âu như Nga, Anh xâm lược là: “Dù chiến tranh đáng ghét thế nào cũng là xu hướng không thể tránh được. Sự tranh giành là sự phát nộ của cá nhân. Chiến tranh là cơn thịnh nộ của quốc gia. Người không thể tranh là yếu đuối, nước không thể chiến là nhược quốc”.
Sau khi ngài Thân sĩ Tây học và vị khách Hào kiệt bày tỏ chính kiến về một quốc gia độc lập, thì đến lượt Nam Hải tiên sinh đưa ra nhận xét ý tưởng của hai vị trên như băng và lửa. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới vẫn còn sử dụng luận điểm của Nam Hải tiên sinh trong tác phẩm này để bác bỏ việc tiến lên xã hội dân chủ, họ cho rằng “Nếu tri thức chưa có sự tiến bộ nhất định, phong tục chưa đạt đến sự hoàn thiện, thì chế độ dân chủ chỉ có thể mang tới sự hỗn loạn”. Đây là lý do phổ biến mà nhiều lãnh đạo quốc gia không chịu để cho các tổ chức xã hội dân sự tham gia vào cuộc vận động người dân thay đổi mạnh mẽ cải cách “từ bên dưới”.
Nam Hải tiên sinh là hiện thân một phần tư tưởng của Nakae Chomin khi bác đề xuất của của vị khách Hào kiệt về gây chiến tranh vì “Nguồn cơn của chiến tranh gây ra biết bao tai hoạ là lòng ham chuộng công danh, thích phát dương uy võ chấn động bốn phương”, nó không giải quyết được việc quốc gia đó đã mạnh lên, trong khi nước Nhật lúc ấy chưa đủ tài khí để dương oai đi xâm lược một quốc gia khác ở châu Phi hay Trung Hoa. “Bộ não của con người là nơi lưu trữ tư tưởng quá khứ. Nếu muốn kiến lập quốc gia mới chúng ta buộc phải biến tư tưởng hiện đại thành tư tưởng của quá khứ rồi thâu nhập nó vào trong bộ não của mọi người”. Nam Hải tiên sinh kết hợp tư tưởng của hai vị khách để kết luận.
Nguyễn Minh Thanh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này