10:21 - 06/05/2024
Giảm thuế GTGT để kích cầu tiêu dùng
Nếu tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng, thu ngân sách sẽ giảm hơn 47.000 tỷ đồng nhưng bù lại sẽ giảm áp lực chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ Tài chính nhận định dù nhiều ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi tích cực; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả nhưng khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Do đó, bộ này đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN).
Tiếp tục trợ lực người dân và doanh nghiệp
Việc giảm thuế GTGT từ 10% còn 8% đang được thực hiện theo Nghị quyết 110/2023/QH15, từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/6/2024. Để bảo đảm tính liền mạch của chính sách và thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước, Bộ Tài chính nhấn mạnh cần tiếp tục giảm thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2024.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy.
Tại Tờ trình gửi Quốc hội mới đây, Chính phủ đánh giá việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực. Trong đó, việc giảm thuế GTGT đã hỗ trợ DN và người dân ổn định sản xuất – kinh doanh, nâng cao đời sống; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ cho rằng thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…
Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, áp dụng đến hết ngày 31/12/2024, là một trong những giải pháp quan trọng để trợ lực cho người dân và DN.
Trước đề xuất của Chính phủ, người dân và DN rất mong chờ chính sách này được Quốc hội xem xét và thông qua. Chị Bùi Thu Nguyệt (trú quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết từ năm 2023 đến nay, với việc giảm thuế GTGT nhiều mặt hàng từ 10% còn 8%, mỗi lần đi siêu thị, chị tiết kiệm được vài chục ngàn đồng cho mỗi hóa đơn thanh toán.
“Số tiền cho từng lần mua hàng không lớn nhưng tính trên nhiều hóa đơn thì rất đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, chi tiêu phải tính toán như hiện nay” – chị Nguyệt nhận xét.
Nhiều ý nghĩa
Trong 6 tháng đầu năm 2024, số thuế GTGT đã giảm dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu việc áp dụng chính sách giảm thuế suất thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2024 được thông qua, thu ngân sách sẽ giảm khoảng 24.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng/tháng. Ước tính cả năm 2024, việc giảm thuế GTGT sẽ làm giảm thu khoảng 47.488 tỷ đồng.
Để bảo đảm thực hiện chính sách thông suốt, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ kiến nghị đưa nội dung giảm 2% thuế suất thuế GTGT vào Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, sẽ khai mạc vào ngày 20/5.
Nhấn mạnh cần tiếp tục giảm thuế GTGT đến hết năm 2024, chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh cho rằng chính sách này sẽ tác động trực tiếp đến người dân, kích cầu tiêu dùng. Điều này có ý nghĩa lớn khi cùng với đầu tư và xuất khẩu, tiêu dùng trong nước là một trong 3 động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
Theo ông Lê Đăng Doanh, số tiền giảm thể hiện trên từng hóa đơn mua hàng sẽ kích thích người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống. Từ đó, hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN phục hồi và tăng trưởng mạnh, người dân cũng hưởng lợi khi có thêm công ăn việc làm.
“Về phía DN, việc giảm thuế sẽ giúp tiêu thụ của thị trường trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của DN cũng giảm, từ đó hạ giá thành sản xuất. Từ việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, các DN tăng tính thanh khoản trong kinh doanh, quay vòng vốn để phục vụ hoạt động của mình” – TS Lê Đăng Doanh phân tích.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 4/2024 ước đạt 522.100 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.062.300 tỷ đồng, tăng 8,5%. Chính sách giảm thuế GTGT nếu được thông qua và thực hiện đến cuối năm nay kỳ vọng sẽ kích cầu tiêu dùng hơn nữa.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, cũng ủng hộ chính sách tiếp tục giảm thuế GTGT. Ông cho rằng giảm thuế sẽ giúp giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, DN có cơ hội gia tăng sản xuất.
Theo Minh Chiến/Người Lao Động
Ngày đăng: 6/5/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này