09:57 - 17/05/2024
Doanh nghiệp Việt thâu tóm đối tác ngoại
Vừa báo tin vui đã nhận đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2024, bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây (BIFOCO), cho biết công ty đã mua lại nhà máy của 1 doanh nghiệp (DN) Đài Loan (Trung Quốc) tại TP.HCM để bổ sung sản lượng.
Ngoài ra, BIFOCO đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy mới ở Đồng Nai để tăng gấp 5 lần sản lượng sản xuất so với hiện tại, đáp ứng các đơn hàng.
Tăng cường năng lực sản xuất
Theo bà Giàu, thị trường xuất khẩu chiếm đến khoảng 70% sản lượng của BIFOCO. “Năm nay, chúng tôi dự kiến xuất khẩu khoảng 1.000 container sản phẩm sang các thị trường châu Á, châu Âu, Mỹ… tương đương 50 triệu USD. Từ con số tăng trưởng xuất khẩu này, doanh thu của công ty có thể tăng khoảng 300%-400% so với năm ngoái” – bà Giàu nói.
Theo bà Giàu, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn đang khó khăn, ngành sản xuất lương thực – thực phẩm ít chịu tác động so với các ngành khác. Đơn hàng dồi dào trong thời điểm này là cơ hội lớn nên DN mạnh dạn đầu tư phát triển. Mua nhà máy có sẵn, trang thiết bị còn tốt của DN khác để có thể vận hành sản xuất liền là lựa chọn tối ưu.
Cũng nhằm mục đích mở rộng phân khúc sản phẩm, mới đây, Công ty CP Dệt may Thành Công đã thông báo với các cổ đông về việc chi ra hàng trăm tỉ đồng để mua lại nhà máy dệt nhuộm SY Vina (Đồng Nai). Lãnh đạo DN này cho biết công ty đang cần giấy phép nhuộm và việc mua lại SY Vina sẽ giúp công ty đẩy nhanh tiến độ mở rộng phân khúc sản phẩm sang mặt hàng vải dệt thoi nhằm phát triển thêm đơn hàng sản phẩm may giá trị cao. Dự kiến, sản phẩm từ nhà máy SY Vina sẽ được xuất thẳng sang thị trường Mỹ.
Một trường hợp khác, Công ty CP Xây dựng Coteccons đã mua lại 100% vốn góp của 2 công ty có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH Sinh Nam Metal Việt Nam, Công ty TNHH Cơ và Điện UG Việt Nam (UG M&E).
Trong lĩnh vực bán lẻ, năm 2021, Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương đã mua lại đại siêu thị Emart. Đến nay, tập đoàn thành viên của Thaco là Thiso đang vận hành rất thành công, mở thêm 2 đại siêu thị Emart tại TP.HCM. Hay Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) thâu tóm chuỗi 18 siêu thị của Auchan (Pháp) cũng là những minh chứng cho thấy sự lớn mạnh của các DN Việt.
Không còn là chuyện hiếm
Trước khi làn sóng DN nội thâu tóm DN ngoại ngay tại Việt Nam xuất hiện, nhiều “đại gia” trong nước như FPT, Masan, Vinamilk, REE, Nutifood… đã thực hiện một loạt thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) thành công bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhằm mở rộng “tệp” khách hàng và cơ hội kinh doanh, lợi thế cạnh tranh. Điển hình như từ năm 2016, Vinamilk đã hoàn tất mua toàn bộ cổ phần Công ty Driftwood (Mỹ), mở ra cánh cửa xuất khẩu sữa thành phẩm vào Mỹ nhiều hơn.
Năm 2020, Tập đoàn Masan sau khi mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck (Đức) đã trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao trên thế giới, chuyên cung cấp nguyên liệu nguồn cho các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, ô tô, năng lượng, hàng không…
Gần đây, Tập đoàn FPT liên tục mua lại các công ty công nghệ ở nước ngoài. Như năm 2023, FPT mua 80% cổ phần của công ty tư vấn công nghệ của Pháp AOSIS, biến AOSIS thành cánh tay nối dài giúp FPT tăng cường năng lực cung cấp giải pháp và đồng hành trong hành trình chuyển đổi số cho các khách hàng tại châu Âu và trên toàn cầu. Trước khi nắm quyền kiểm soát tại AOSIS, FPT cũng đã trở thành nhà đầu tư lớn của Landing AI – công ty phần mềm thị giác máy tính và AI của Mỹ (tháng 10-2023) và mua Cardinal Peak, công ty dịch vụ kỹ thuật công nghệ tại thị trường Bắc Mỹ (tháng 12-2023).
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài đã tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Hai tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 17 dự án mới. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 39,4%); hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm 21,5%); xây dựng (chiếm 20%). Các nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Mỹ chiếm 26,6% tổng vốn đầu tư; New Zealand chiếm 23,5%; Đức chiếm 21,5%; tiếp đến là Lào, Trung Quốc…
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Công Thương), cho hay đầu tư làm ăn ở nước ngoài, bao gồm M&A các DN ngoại, giúp DN Việt nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, khai thác tài sản chiến lược, tăng hội nhập sâu rộng. Ngoài ra, thông qua các hoạt động này, DN tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quản lý, công nghệ tiên tiến của nước ngoài… để đi nhanh, đi xa hơn.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, nói việc DN Việt mua DN nước ngoài là xu hướng đáng khích lệ. DN Việt Nam có đến 97% là DN nhỏ và vừa và siêu nhỏ, chỉ 3% là DN lớn. Các DN tùy theo tầm cỡ và điều kiện tài chính mà lựa chọn mua DN phù hợp chiến lược phát triển của mình. “Cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, việc có nhiều DN Việt mạnh sẽ tạo lợi thế cạnh tranh và tiếp sức cho sản phẩm Việt, DN Việt lẫn kinh tế Việt” – ông Hiến nói thêm.
Theo Thanh Nhân/Người Lao Động
Ngày đăng: 17/5/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này