09:30 - 13/05/2024
Hạ tầng giao thông ‘kìm hãm’ TP.HCM bứt tốc
Hầu hết hạ tầng giao thông của TP.HCM, đặc biệt là các cửa ngõ trong nhiều năm qua, tình trạng giao thông trở nên quá tải vào giờ cao điểm. Điều này đã cản trở phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Hầu hết cửa ngõ đều ùn ứ
Cứ như chuyện “thường ngày ở huyện”, còn những ngày lễ như 30/4 và 1/5 vừa qua thì kéo dài hơn, các cửa ngõ ra vào TP đều quá tải. Như trục đường Cộng Hòa – Trường Chinh nối cửa ngõ Tây Bắc của TP.HCM, qua Quốc lộ 22 đi Tây Ninh để đến Campuchia và mở ra các nước khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, từ nhiều năm qua con đường này trở nên nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi phải đi qua, nhất là vào giờ cao điểm. Chính vì những hạn chế về giao thông, nên nhiều dự án tại Khu đô thị Tây Bắc mặc dù được TP kêu gọi từ nhiều năm qua, nhưng không được các nhà đầu tư mặn mà, dẫn đến sự lãng phí đất đai do quy hoạch bị treo.
Chính quyền TP.HCM đã thấy được những bất cập, những năm qua đã đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông, nhưng tình trạng giao thông trên toàn tuyến vẫn chưa được cải thiện nhiều. Anh Bình (quận 12), một cư dân thường xuyên đi lại trên tuyến đường này chia sẻ, nút giao thông An Sương trước kia là “điểm đen” về kẹt xe, nhưng từ khi dự án “3 tầng” (cầu vượt, đường bộ, hầm chui) được đưa vào sử dụng tình trạng ùn ứ giảm đáng kể nhưng vẫn chưa triệt để.
Không chỉ cửa ngõ Tây Bắc bị ùn ứ vào giờ cao điểm, theo ghi nhận của ĐTTC, hầu hết các cửa ngõ còn lại như Quốc lộ 13, cửa ngõ phía Đông (đường Võ Nguyên Giáp), trục đường Nguyễn Văn Linh (phía Nam, nối với Quốc lộ 1A)… cũng đều chung tình trạng như trên. Đó là tình trạng chung của các cửa ngõ của TP.HCM hiện nay.
Tình trạng quá tải ngày càng trở nên trầm trọng, nhưng công tác đầu tư khá chậm, ảnh hưởng đến cuộc sống đi lại của người dân TP.HCM nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung rất lớn.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, đầu tư vào hạ tầng nói chung và các cửa ngõ nói riêng đã được lãnh đạo TP nhiều nhiệm kỳ qua quan tâm, nhưng vẫn chưa giải quyết căn cơ bài toán giao thông cho toàn TP.
Chính vì thế, khi chọn đầu tư các dự án, TP.HCM phải đặt các dự án trong bối cảnh giải quyết được nhiều vấn đề mà TP đặt ra, và đặc biệt là phải mang tính khả thi, nhất là về nguồn vốn. Thí dụ như tính chất và vai trò của các tuyến đường, phải giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đánh giá sơ bộ về tính khả thi về phương án tài chính của dự án, khả năng huy động vốn đầu tư từ các nhà đầu tư vào dự án, khả năng cân đối vốn ngân sách tham gia dự án… Và có lẽ tính toán mãi vẫn chưa có một giải pháp căn cơ vì cơ chế, vì vốn, vì… đủ thứ.
Vẫn tiếp tục kỳ vọng từ chính sách đặc thù
Ông Trần Quang Lâm cho biết, sở dĩ nhiều dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn trong thời gian qua chưa được đầu tư hoặc đầu tư chưa đúng mức là do thiếu hụt nguồn vốn. Mới đây, HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư 5 dự án hạ tầng giao thông có tính đột phá để khơi thông “dòng chảy”.
Một trong “bí kíp” để TP.HCM huy động nguồn lực triển khai các dự án này là vận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 của Quốc hội. Cụ thể, dự án mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh giới tỉnh Long An) dài 9,6km, tổng mức đầu tư gần 12.900 tỷ đồng (đề xuất ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ 50% và doanh nghiệp 50%); dự án mở rộng Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3) dài 9,1 km, tổng mức đầu tư khoảng 7.173 tỷ đồng (tỷ lệ vốn từ nhà đầu tư 50% tổng mức đầu tư).
Dự án mở rộng Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu) dài gần 5km, với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng (ngân sách TP.HCM thực hiện với tỷ lệ 50% vốn đầu tư, và doanh nghiệp 50%).
Dự án nâng cấp trục đường Bắc – Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành) dài 8 km, với tổng vốn hơn 4.500 tỷ đồng (doanh nghiệp tham gia 50%).
Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (đi qua quận 6, 8 và huyện Bình Chánh) dài 3,2 km, với tổng vốn hơn 6.200 tỷ đồng (ngân sách nhà nước tham gia 54% và doanh nghiệp tham gia 46%).
Theo nhiều chuyên gia, Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM triển khai dự án theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), giúp tạo thêm nguồn lực cho dự án. Bên cạnh đó, Nghị quyết 98 còn giúp TP.HCM huy động nguồn lực xã hội thuận lợi hơn.
Theo đó, về nguồn vốn, Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM được sử dụng vốn ngân sách để tham gia đầu tư các dự án liên vùng hay cho phép nâng tỷ lệ vốn ngân sách từ 50% lên 70%, điều này góp phần thu hút nhà đầu tư đối với các dự án PPP. Về giải phóng mặt bằng, Nghị quyết 98 hướng đến việc áp mức giá bồi thường các loại đất sát giá thực tế. Đây là giải pháp linh hoạt giúp người dân hài lòng hơn khi nhà nước thực hiện bồi thường trong thời gian tới.
Theo Ban Giao thông TP.HCM, trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM đến năm 2030, TP cần khoảng 980.000 tỷ đồng trong khi nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng chưa đến 50%, hơn 50% còn lại từ các nguồn lực xã hội.
Do đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở GTVT, Ban Giao thông TP khẩn trương nghiên cứu, tham mưu danh mục các công trình giao thông ưu tiên đầu tư để tập trung hoàn thành trong vòng 3-5 năm tới, trên cơ sở vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Theo Trà Giang/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 13/5/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này