16:58 - 26/04/2016
Điện thoại di động: thương hiệu Việt teo tóp
Từng đã có vài chục thương hiệu Việt trong ngành hàng điện thoại di động (ĐTDĐ) nhưng hiện nay, chỉ còn dăm, ba cái có tên trong “bảng phong thần” của các hãng nghiên cứu thị trường.
Lần lượt rơi rụng…
Cuối tháng 9/2015, HKphone đã rời cuộc chơi một cách lặng lẽ, dù cuối năm 2014 thương hiệu này đã từng được đánh giá là một “tên tuổi” lớn trong nhóm thương hiệu Việt.
Sau lễ ra mắt đình đám với những tuyên bố “động trời” vào giữa năm 2015, có thể Bphone sẽ được BKAV khai tử trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, gần đây, đại diện BKAV còn nói cứng rằng, sẽ giới thiệu Bphone 2 trong khoảng tháng 5 hoặc 6/2016!
Bavapen là một thương hiệu Việt có tuổi đời vào hàng “già” nhất Việt Nam, nhưng đến nay đang trong thể trạng “ngáp ngáp”: bốn mẫu sản phẩm smartphone và bốn mẫu phổ thông.
Đau nhất trong nhóm thương hiệu Việt, có lẽ là Q. Ngày 10/7/2015, Q-mobile đã chính thức được rút gọn là Q.
Tại buổi lễ này, ông Nguyễn Quang Minh, giám đốc ABTel (chủ thương hiệu Q) nói rằng, từ Q-mobile còn lại là Q là “tái cấu trúc thương hiệu”.
Tầm thế giới đâu chẳng thấy, chỉ biết, Q đã chuyển sang kênh online tại địa chỉ: bestq.vn, còn muốn mua hàng trực tiếp, đến các cửa hàng nhỏ như Gia, Phương Lê… ở quận 10 (TPHCM).
Hàng của Q đã rời các kênh bán lẻ lớn như FPT Shop, Viễn Thông A, Thế Giới Di Động… từ lâu.
FPT cũng từng là một tên tuổi được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện vì thương hiệu này tích tụ những điều kiện như vốn, phần mềm và có kinh nghiệm trên thương trường nhưng hiện nay, những chiếc smartphone của FPT yếu về cấu hình, thiết kế xấu…, chủ yếu xuất hiện trên kênh bán lẻ “người nhà” là FPT Shop với mức độ ra hàng khá chậm.
Phải liệu sức mình
Tồn tại trong bảng “phong thần” của GfK Việt Nam chỉ còn hai tên tuổi là Mobiistar và Masscom.
Theo một nguồn tin riêng của Thế Giới Tiếp Thị, trong số liệu thống kê về doanh số bán ra thị trường tháng 2/2016, Mobiistar đứng hàng thứ 4 với tỷ lệ 9,4%, còn Masscom đứng vị trí thứ 5 với tỷ lệ 5.3%.
Giám đốc điều hành Mobiistar Ngô Nguyên Kha chia sẻ: “Phải hiểu khách hàng muốn gì ở mình để mà có sản phẩm tương ứng phục vụ, cũng như biết lượng sức mình ở một thị trường ngày càng khốc liệt hơn”.
Dù xác định là thương hiệu cung cấp sản phẩm bình dân cho thị trường nhưng Mobiistar cũng có những sản phẩm điểm nhấn về công nghệ, đặc biệt là mẫu sản phẩm mới nhất của thương hiệu này là Prime X Max có camera 21 megapixel kèm theo chức năng phơi sáng đến 32s, là nhà sản xuất đầu tiên tại thị trường Việt Nam sử dụng chipset Helio P10 của MediaTek…
Hiện Mobiistar là thương hiệu Việt hiếm hoi xuất hiện trong những chuỗi bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, Viễn Thông A, FPT Shop, Viettel Store, VinPro+…
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, giám đốc ngành hàng thiết bị di động của Thế Giới Di Động, đã từng tiết lộ: “Trong năm 2015, sản phẩm của Mobiistar chiếm khoảng 5 – 7% số lượng bán ra của Thế Giới Di Động”.
Trong khi đó, Masscom lại chiếm thị phần lớn tại các cửa hàng nhỏ. Ông Nguyễn Sĩ Pháp, giám đốc điều hành Masscom cho biết, trong tháng 3.2016, thương hiệu này đã bán được 215.000 sản phẩm, trong đó gồm 15.000 máy tính bảng, 50.000 chiếc smartphone, 150.000 chiếc điện thoại phổ thông.
Ông Huỳnh Phước Cường, một chuyên gia về thị trường ĐTDĐ của GfK Việt Nam, bình luận: “Một thương hiệu, kể cả thương hiệu toàn cầu, muốn tồn tại, trong dải sản phẩm phải có nhiều mẫu mã thuộc các phân khúc giá khác nhau, can thiệp sâu vào quy trình sản xuất, từ thiết kế cho đến cấu hình. Điều không thể thiếu là phải có chính sách kinh doanh hiện đại và những cam kết tử tế về hậu mãi, bảo hành…”
Năm 2016, theo GfK Việt Nam, lượng smartphone tiêu thụ tại thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục tăng 37% so với năm 2015. Nghĩa là, thị trường ĐTDĐ sẽ tăng thêm 6 triệu chiếc so với 14 triệu chiếc của năm 2015. Giá trị của ngành hàng này trong năm 2016 ước chừng 70.000 tỷ đồng.
Trọng Hiền
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này