
17:08 - 06/04/2016
Thị trường smartphone, khó có cửa cho những tên tuổi mới
“Khó có cửa cho các tên tuổi mới” là nhận định chung của giới kinh doanh smartphone.
Năm 2016, thị trường smartphone tiếp nhận những tên tuổi mới như Infinix Mobility, LeaGoo, Vivo, Pantech.
Infinix cho biết, thành lập vào năm 2009, có trụ sở tại Hong Kong, hiện Infinix đã có mặt tại hơn 60 quốc gia.
“Sản phẩm của hãng được thiết kế ở Pháp và Thượng Hải, sản xuất tại Trung Quốc”, đại diện truyền thông Infinix tại Việt Nam, nói.
LeaGoo là thành viên của nhóm Oteda (được thành lập tháng 3.2014), có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc).
Trên trang web của LeaGoo Vietnam, tên tuổi này “nổ” vang trời: “tiên phong trong đổi mới khoa học, công nghệ và kinh nghiệm chăm sóc khách hàng, định vị phân khúc trung và cao cấp”.
Trang web này còn cho biết, hàng hoá mang tên LeaGoo đã có mặt tại nhiều quốc gia “trọng điểm” như: Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Hà Lan, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Brazil, Paraguay, Argentina…
Vivo cũng là thương hiệu đến từ Trung Quốc. Vivo nói rằng: “Tại Trung Quốc, Vivo là một trong những thương hiệu lớn trong lĩnh vực sản xuất smartphone, sánh ngang với các thương hiệu khác như Xiaomi, Oppo, Lenovo, Huawei…”
LeaGoo với những thông tin “đại ngôn” nhưng hiện nay tên tuổi này chỉ đang dò đường ở tuyến cửa hàng nhỏ. Trên trang web có đăng bảy sản phẩm nhưng theo nhân viên giao hàng chi nhánh miền Nam, hiện LeaGoo chỉ còn một mẫu LeaGoo Lead 2 với giá 2,69 triệu đồng là có hàng.
“Những sản phẩm còn lại đã hết hàng, chưa nhập hàng về”, một nhân viên giao hàng khu vực miền Nam nói. “Vậy bao giờ có hàng?”, phóng viên Thế Giới Tiếp Thị hỏi.
“Làm sao tôi biết được, khi nào có sẽ đăng trên web”, nhân viên giao hàng nói.
Còn đại diện truyền thông của Infinix cho biết, thương hiệu này đang thăm dò thị trường bằng cách bán hàng trên kênh Lazada, sau đó mới tính chuyện xuất hiện tại các kênh bán lẻ truyền thống.
Vivo, ngay từ giữa năm ngoái đã có những thông tin mang tính đe doạ “ma cũ”. Nhưng đến nay, dù có những chương trình khuyến mãi mạnh, nhưng tên tuổi mới này chỉ xuất hiện tại kênh bán lẻ Viễn Thông A và chuỗi cửa hàng bán lẻ tại các tỉnh.
“Khó có cửa cho các tên tuổi mới” là nhận định chung của giới kinh doanh smartphone.
Ông Ngô Quốc Bảo, giám đốc kinh doanh của FPT Shop, nói: “Muốn có mặt tại các kênh bán lẻ, các tên tuổi mới phải đáp ứng những tiêu chí như khuyến mãi, hoa hồng và cam kết bảo hành tốt; sản phẩm phải đẹp và có mức giá hấp dẫn”.
“Từ đầu năm có nhiều tên tuổi mới tiếp xúc với FPT Shop, nhưng đến nay vẫn chưa ký kết với tên tuổi nào” – ông Bảo cho biết thêm.
Nhận xét của giới kinh doanh là có cơ sở khi nhìn bài học từ hãng Pantech (Hàn Quốc). Cách đây mấy hôm, Pantech tái xuất hiện thị trường Việt Nam thông qua đối tác mới là Viettel Distributions.
Với kênh phân phối mới là Viettel Retail, Pantech hy vọng sẽ lấy lại uy tín của một hãng sản xuất smartphone có thị phần đứng thứ ba tại Hàn Quốc.
Hơn một năm trước, Pantech (Hàn Quốc) quay trở lại thị trường Việt Nam sau gần mười năm vắng bóng theo hai hướng: xách tay, còn con đường nhập khẩu chính thức là bắt tay với nhà phân phối Smartcom (Petrosetco).
Nhưng chỉ sau một vài lô hàng của dòng Vega Iron, Pantech lại tháo chạy chỉ vì hàng ế ẩm, trong khi đó, công ty mẹ lại lâm vào cảnh nợ nần gần nửa tỷ USD!
Với sản phẩm xuất hiện lần này, liệu Pantech có chen chân vào thị trường khi sản phẩm của họ vừa xấu về mẫu mã, còn giá lại đụng với các hãng lớn nhỏ đang có mặt tại thị trường như Samsung, Oppo, LG, HTC, Mobiistar…
Họ cũng chưa có động thái nào để trấn an và tạo lập niềm tin của người tiêu dùng khi họ đột nhiên bỏ chạy khỏi thị trường hai lần, lần gần nhất là cách đây một năm!
Song Minh
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này