
12:09 - 07/04/2019
Đâu là nơi nương tựa khi trẻ hụt hẫng?
Bạo lực học đường là nguyên nhân khiến trẻ có thể tìm đến những băng nhóm và dễ dàng trở thành thành viên của các nhóm này.
Trong một khảo sát của Michael Chettleburgh 2008 có chủ đề “Top 5 lý do để trẻ vị thành niên tham gia các băng đảng” do cô Nguyễn Thuý Uyên Phương đưa lên facebook, gồm: 1- Cảm giác được thuộc về một cộng đồng nào đó; 2- Để tìm kiếm sự bảo vệ, an toàn khỏi bạo lực; 3- Vì nghèo đói, tìm cách để kiếm tiền; 4- Thiếu sự tham gia của trường học; 5- Thiếu sự giám sát của cha mẹ.
Gần đây nhất, vụ việc em học sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị bạn cùng lớp hành hung dã man, đã gây xôn xao dư luận. Nhìn lại câu chuyện, ta càng giật mình khi thấy chính nhà trường là nơi xảy ra vụ việc, lại chối bỏ trách nhiệm và thậm chí “đổ thừa” vì em yếu đuối nhút nhát nên mới để bạn hiếp đáp như vậy. Ngoài ra, ứng xử với vụ việc trên một cách chậm chạp của các cơ quan công quyền, đã khiến dư luận càng bất bình hơn.
Bên cạnh đó, sự việc có một nhóm “giang hồ” đến tận làng của em nữ sinh bị hiếp đáp tặng quà, tiền và an ủi em gái, họ còn đến “hỏi thăm” gia đình của các học sinh đã bạo hành em nữ sinh kia. Nhìn những gương mặt trẻ tuổi đi theo một “đàn anh” xăm trổ khắp người, nét mặt tươi vui, hào hứng khiến cho các phụ huynh, một lần nữa lại… thở dài. Chuyện gì đang xảy ra với con em họ?
Trở lại với bảng khảo sát của Michael Chettleburgh. Bảng cho thấy, khi gia đình và trường học không đóng vai trò thiết yếu trong giáo dục nhân văn, thì trẻ đang trưởng thành sẽ chọn cho chúng một “điểm tựa” khác để được thể hiện mình. Việc hưởng ứng đi đến gia nhập các nhóm băng đảng là điều chúng mong muốn, để không bị cô đơn và dễ dàng bị hiếp đáp. Ngoài ra, đối với trẻ thuộc gia đình khó khăn, lại càng là cơ hội để các băng đảng săn đón, mời chào gia nhập cho đông thành viên, hoạt động trở nên lớn mạnh.
Trong một cuộc thảo luận trên mạng xã hội về vấn đề bạo lực xảy ra trong trường học, thầy Nguyễn Quốc Vương đã đưa ra ý kiến thực tiễn của mình về tình trạng tương tự: “Những năm 1980, trường học Nhật Bản chìm trong bạo lực. Học sinh lập băng nhóm đánh nhau, vây đánh cả giáo viên tại trường. Một số yếu tố gắn bó với tình trạng đó là: xã hội giàu có về vật chất nhưng méo mó về tinh thần; văn hoá tiêu dùng soán ngôi vị bá chủ; trường học bị cuốn vào thi cử, thành tích; hành chính giáo dục quan liêu, tập trung; quan hệ giữa nhà trường, phụ huynh, địa phương trục trặc; thanh niên thất vọng với thế giới của người lớn; gia đình truyền thống chuyển thành gia đình hạt nhân, số trẻ em trong mỗi gia đình giảm.
Ai đọc các tác phẩm văn chương viết về thanh niên thời kỳ này sẽ đều thấy những sự thật trên.Ở đó thanh niên lấy hút, nhậu, sex, bạo lực làm niềm vui để sống. Mặc cảm bị bỏ rơi, bị gạt bên lề, bị chìm trong xã hội vô cảm, đã dễ chuyển hoá thành hành vi tìm kiếm sự nổi tiếng bằng sa đoạ hoặc tội ác”.
Việc giáo dục con cái, nếu nhà trường không còn là nơi bọn trẻ học làm người, thì chính ngôi nhà của bạn, phải là chốn để cho trẻ lớn lên thành người. Đó mới là giải pháp tích cực và hữu hiệu nhất hiện nay, khi xã hội đang ngày càng có nhiều vấn nạn.
Một số ý kiến của các thầy cô giáo về hiện tượng trẻ tìm đến những băng, nhóm
Nguyễn Quốc Vương, cựu giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội: Hồi dạy tiếng Nhật cho học sinh lớp 6, 7, 8 tôi quan sát và thấy 100% học sinh trong lớp có facebook theo dõi một hai nhân vật teen trên mạng. Tôi vào xem thử họ là ai mà giới trẻ say mê. Quả thật là cho dù đã chuẩn bị tinh thần sẵn mà tôi vẫn xây xẩm mặt mày. Ngôn từ thô tục, hình ảnh, hoạt động đưa lên đầy tính dung tục và nhảm nhí. Có nhiều lý do để trẻ mê, nhưng có một lý do thế này: gia đình, trường học và cả xã hội đã không cho trẻ có cơ hội ăn các món ngon tinh thần và đúng cách từ nhỏ. Khi không biết và không được ăn món ngon thật sự từ bé, người ta sẽ không có khẩu vị tốt và có thể ăn ngon lành những thứ bỏ đi.
Đấy là lý do có nhiều người hoảng hốt, nhưng nhiều người vẫn tự nguyện ăn ngon lành. Sau đó là nghiện.Bất thường thành bình thường là sự bất thường kinh hãi nhất.
Nguyễn Thuý Uyên Phương, sáng lập trường Tomato Children: Hồi mấy tháng trước có vụ người đàn ông đi xe hơi tát một phụ nữ chở con nhỏ, đi đòi công lý và bắt thằng người đàn ông ấy phải xin lỗi là mấy “anh em xã hội”. Tháng rồi xảy ra vụ “cưỡng hôn thang máy”, rốt cuộc toà phạt… 200.000 đồng, trên mạng ngay lập tức xuất hiện một lời kêu gọi nhờ “các anh em” đi… thiến tên đàn ông đó được bàng dân ủng hộ nhiệt liệt. Mới nhất là vụ nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành dã man, chính thầy cô lẽ ra phải là người bảo vệ các em thì lại đi… ém nhẹm.
Các series được tuổi teen xem nhiều nhất trên YouTube là gì? Ngoài Bắc có Khá Bảnh thì trong Nam có chị Mười Ba, rồi chị Mười Bốn. Hồi trước thì có “Bạn gái tôi trùm trường”, học sinh trong phim mặc đồ đen tuyền và thụi nhau hệt như phim Hong Kong. Nhưng báo đài làm ơn đừng có đăng mấy bài phê phán giới trẻ bây giờ có lối sống lệch lạc! Tụi nó tự hư tự lệch tự lên mạng sản xuất phim chắc? Khi mà không tìm thấy công lý và sự bảo vệ ở những chốn (được cho là) “công đường” thì tụi nó sẽ kiếm ở… ngoài đường. Và những người hiểu tụi nó nhất (tiếc thay không phải ba mẹ, không phải thầy cô mà chính là… các trang mạng) biết ngay họ cần làm gì, sản xuất cái gì để đáp ứng tâm tư đó.
Thái Thảo (theo TGTT)
Có thể bạn quan tâm
Đeo vòng cho heo kiểu đối phó
Apple giúp các nhà phát triển phần mềm ‘bỏ túi’ 20 tỷ USD trong năm 2016
NNC Triết học Bùi Văn Nam Sơn: Thế hệ trẻ là nền tư văn của dân tộc
Hàng Tết giảm giá
‘Ba mẹ ơi hãy cho con chút nắng!’
Tags:bạo lực học đường
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này