
10:30 - 29/10/2018
Trẻ trong vòng xoáy của bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình đã được nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy có ảnh hưởng tai hại đến đứa trẻ ở nhiều mặt. Thống kê của vụ Gia đình thuộc bộ Văn hoá, thể thao, và du lịch được công bố năm vừa qua, cho thấy trung bình tại Việt Nam mỗi năm xảy ra trung bình 32.000 vụ bạo lực gia đình, trong đó đa số nạn nhân là phụ nữ (74%) và trẻ em (11%).

Nghiên cứu của GS Emmy Werner và Ruth Smith cho thấy chỉ cần có một người hướng dẫn tinh thần làm gương mẫu cho trẻ ngoài cha mẹ, cũng là điều tích cực xây dựng khả năng vượt khó cho trẻ.
Rối loạn Căng thẳng Hậu Chấn thương
Trẻ em phải chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình, đặc biệt là việc cha doạ nạt, chửi rủa, hay đánh đập mẹ, thường mang nhiều tổn thương. Chúng thường xuyên sống trong lo âu và sợ hãi, nhưng lại cũng có những biểu hiện cảm xúc mâu thuẫn như giận dữ lẫn nhục nhã. Chúng cũng thường xuyên sống trong cô đơn khi không chia sẻ được nỗi tủi hổ của gia đình đối với ai, cũng như không được cha mẹ quan tâm đầy đủ khi cả hai còn đang bị cuốn vào vòng xoáy của bực bội và khổ đau. Nghiên cứu cho thấy trẻ trai và gái có những biểu hiện hành vi khác nhau khi là nạn nhân gián tiếp lẫn trực tiếp của bạo lực gia đình. Trong khi trẻ trai đập phá, bướng bỉnh, sa sút trong học tập, gây hấn với bạn bè; thì trẻ gái tách biệt mình với xã hội hay tự hại bằng cắt trên tay chân mình. Không chỉ sức học của trẻ đi xuống vì ký ức và sức chú tâm kém dần, thường vắng mặt vì những chứng bệnh tâm thể, chúng còn có thể bị chậm nói, chậm đi, hay chậm trí. Ở một số trẻ khác, các biểu hiện của chúng có sự tương đồng với những người gặp Rối loạn Căng thẳng Hậu Chấn thương.
Một vấn nạn thứ hai của gia đình là vấn đề cha mẹ ly hôn, mặc dù ảnh hưởng của vấn đề nay đến tâm lý của trẻ em khá phức tạp vì nhiều biến số như tuổi tác và giới tính của trẻ, thu nhập và trình độ học vấn của cha mẹ, quan hệ tình cảm và cách đối xử với nhau trước và sau khi ly dị của cha mẹ. Theo thống kê từ nhiều nguồn khác nhau thì tỷ lệ ly hôn tại Việt Nam vào khoảng 32%, và trong này đa số thuộc về giới trẻ và người chủ động ly hôn là phụ nữ chiếm đến 70%. Tuy ảnh hưởng có thể kéo dài hay ngắn, trẻ em sau ly hôn đều có những hành vi và cảm xúc tiêu cực. Ở tuổi nhỏ, trẻ có thể có những thoái hoá về mặt phát triển như nổi cơn giận dữ, rên rỉ, đeo bám, khóc mỗi tối, đái dầm ỉa đùn, và mất một số kỹ năng tự chăm sóc chính mình, dù trước kia chúng đã học được. Ở tuổi lớn, trẻ dễ trở nên bất mãn, tức giận, chống báng mọi kỷ luật và nỗ lực chăm sóc đến từ phía cha mẹ.
Khả năng tự vượt khó và tự phục hồi
Một điều may mắn cho nhân loại chính là khả năng tự vượt khó (resilience) hay tự phục hồi qua những biến cố để có sự phát triển và quân bình tâm lý. Trong tâm lý học, khái niệm vượt khó xuất hiện như một phản đề cho mô hình “khiếm khuyết” trong sự phát triển của trẻ em.Theo mô hình “khiếm khuyết”, những trẻ em phát triển không nằm trên một lộ tuyến nhất định, thì được xem như lệch chuẩn và dẫn đến những khuyết tật trong tâm thần.Thế nhưng, có những em tuy sống cùng nghịch cảnh với nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, các em vẫn có khả năng vượt lên khốn khó để thành người. Điều may mắn là, đây là một sự “mầu nhiệm bình thường” như nhà nghiên cứu chuyên về khả năng vượt khó, Ann Masten, đã cho biết. Khả năng vượt khó là một điều kiện phổ quát chứ không phải là một thiên phú của một số trẻ em may mắn hay đặc biệt.
Làm sao để trẻ hình thành được khả năng vượt khó tâm lý?Nếu môi trường cũng là nơi nghịch cảnh xuất hiện, thì đó cũng là nơi cung cấp những điều kiện để bất cứ đứa trẻ nào cũng vượt qua được nghịch cảnh.Đầu tiên là sự kỳ vọng của người lớn quanh em, qua việc chia sẻ mong ước, hướng dẫn và khuyến khích trẻ thành công. Sự khích lệ từ phía người quan tâm tới trẻ còn tạo cho chúng niềm tự tin, lạc quan, tự chủ, hy vọng vào tương lai, và thay đổi cách đánh giá tiêu cực của chúng về chính mình. Sự khích lệ của người lớn còn thể hiện qua việc yêu cầu trẻ đóng góp ý kiến hay hành động cụ thể và ý nghĩa, để xây dựng và phát triển môi trường trẻ đang sinh sống và học tập. Qua đó, chúng có niềm tin mình là một thành viên quan trọng có những đóng góp hữu ích trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và nhân loại.
Nhưng quan trọng nhất, vẫn là việc trẻ cảm thấy trong cuộc đời mình có một người luôn quan tâm và thương yêu mình, không chỉ hiểu biết và nâng đỡ với những hành vi tích cực hay sự thành công, mà còn cả những lỗi lầm và sự thất bại của trẻ. Nghiên cứu của GS Emmy Werner và Ruth Smith trong nhiều năm, cho thấy chỉ cần có một người hướng dẫn tinh thần làm gương mẫu cho trẻ ngoài cha mẹ, cũng là điều tích cực xây dựng khả năng vượt khó cho trẻ. Người này không chỉ hướng dẫn chuyện học tập cho trẻ, mà còn biết lắng nghe những tâm sự của trẻ và nêu gương tích cực để trẻ xây dựng bản sắc của riêng mình.
Mặc dầu trẻ có thể sẽ không bao giờ quên được những đổ vỡ và đau thương chúng đã chứng kiến trong gia đình, chúng vẫn có thể học được những phương cách để hoá giải những cảm xúc và đối xử với những ký ức buồn khổ của chúng một cách tích cực trong tỉnh thức. Việc giáo dục trẻ những phương cách vượt qua nghịch cảnh, hơn bao giờ hết đòi hỏi mỗi người lớn có trách nhiệm xã hội đóng vai người thầy hỗ trợ tâm lý cho những đứa trẻ gặp hoàn cảnh gia đình bất hạnh.Sự hỗ trợ đến càng sớm trong cuộc đời của trẻ, trẻ càng có cơ hội trở thành những người lớn có đời sống tinh thần lành mạnh để phẫn nộ, tham tàn, và vô minh không còn tiếp tục đổ xuống đầu trẻ thơ những thế hệ sau.
Lê Nguyên Phương (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này