
15:50 - 01/09/2017
Bạo lực gia đình – ‘mơ hồ’ giải pháp!?
T. Tuyết gọi điện thoại cho tôi khi đồng hồ chỉ 2h sáng, giọng hoảng loạn: “Ổng vừa mới về, chửi tao tới tấp, đánh tao bầm hết mặt rồi xách xe đi nữa rồi huhuhu”.

Trẻ em cần lớn lên trong môi trường mà không chỉ hình ảnh phụ nữ thường xuyên xuất hiện trong nhà bếp trên tivi, mà cả đàn ông nữa. Đó có lẽ là giáo dục chống bạo lực gia đình căn cơ nhất.
Những con số rùng mình
Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có khoảng 30% phụ nữ trên toàn thế giới bị chồng hành hạ, đánh đập… trong đó tỷ lệ bạo hành cao nhất trong số 81 quốc gia này là ở châu Á, với các nước Bangladesh, Đông Timor, Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. (theo WHO ngày 20/6/2013).
Nhìn ra thế giới để nhìn lại Việt Nam, những năm gần đây, không thể kể hết tất cả các trường hợp phụ nữ Việt Nam bị chồng hành hung được đăng trên báo, tivi và cả mạng xã hội. Việt Nam với dân số hơn 95 triệu người, con số thống kê vào năm 2015 từ vụ Gia đình (bộ Văn hoá – thể thao và du lịch) cho thấy, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm. Chỉ riêng trong năm 2015 có 31 phụ nữ, bảy trẻ em bị người thân giết hại.
Bên cạnh đó, theo kết quả của Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam, được Chính phủ Việt Nam và Liên hiệp quốc tại Hà Nội công bố ngày 25.11.2010, đã đưa ra con số rùng mình: “Hơn một nửa (58%) phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một trong ba hình thức bạo hành được xét (thể xác, tình dục, và tinh thần)”.
Sửa từ gốc rồi hãy nói tiếp!
Nếu việc xây dựng khung hình phạt cho vấn đề bạo lực gia đình thuộc về trách nhiệm của nhà nước, thì trách nhiệm dạy một bé trai cách cư xử đúng mực đối với một bé gái ngay từ nhỏ, đầu tiên phải kể đến vai trò của gia đình.
Đàn ông giúp đỡ phụ nữ trong những chuyện nhỏ nhặt như rửa chén bát, lau nhà, giặt giũ quần áo được xem là chuyện hết sức bình thường. Họ đã quen được sinh ra và lớn lên trong môi trường mà ở đó mọi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm chia sẻ công việc nhà và cùng nhau gánh vác tài chính, nuôi dạy con cái. Jane, 36 tuổi, bà mẹ của bốn đứa con mà trong đó chỉ có Magnus là cậu con trai duy nhất. Ngay từ bé, Jane đã dạy thằng bé cách “chơi đùa trong hoà bình” với chị và em gái. “Tôi không bao giờ ép Magnus phải nhường nhịn chị và em gái chỉ vì nó là con trai. Tôi dạy Magnus cách chia sẻ tự nguyện từ những món đồ chơi, thức ăn cho đến thời gian vợ chồng tôi dành cho tất cả các thành viên còn lại!”.
Nhớ lại tuổi thơ của mình, Kojima (người Nhật, 38 tuổi) kể lại: “Ngay từ bé tôi đã thích chọc ghẹo các bạn nữ trong lớp. Sau này khi lớn lên tôi nghiệm ra rằng, bản năng chứng tỏ mình là phái mạnh đã có sẵn trong tôi và các bạn đồng trang lứa. Chúng tôi thích thú khi thấy bọn con gái bị chọc tới phát khóc hoặc cứ thấy chúng tôi là bỏ chạy. Mẹ tôi đã phải dùng mọi biện pháp từ mềm mỏng cho tới cứng rắn để uốn nắn tôi trở thành người đàn ông theo bà là “đúng nghĩa”. Bà đọc sách cho tôi nghe, dạy tôi cách nhường nhịn và chăm sóc em gái. Mỗi lần tôi làm điều gì khiến em gái tôi vui, bà chỉ cho tôi thấy, tất cả phụ nữ cần phải được vui vẻ hạnh phúc xung quanh những người đàn ông của mình, bất kể là cha, anh trai, bạn trai hay chồng! Thật may mắn mẹ tôi đã kịp thời uốn nắn tôi, nếu không hậu quả có thể nặng nề hơn nhiều”.
Tại Hàn Quốc, do yếu tố văn hoá nên từ bé, các ông bố bà mẹ luôn phải “cẩn thận” dạy con trai không được quá ga lăng đối với phụ nữ. Nghe có vẻ lạ nhưng thực tế sự “ga lăng quá mức của các chàng trai Hàn Quốc sẽ dễ gây hiểu lầm là có ý đồ xấu đối với các cô gái. Tuy nhiên, tôi vẫn dạy con trai mình phải biết nhường nhịn em gái và những người bạn gái cùng trang lứa”, Diệu Ngọc, hiện đang sống cùng chồng tại Hàn Quốc, cho biết.
Hiện tại nhiều người nghĩ “bình đẳng giới” đơn thuần chỉ là đàn ông chia sẻ việc nhà với phụ nữ. Nhưng thật sự cần nhìn rộng hơn là làm thế nào để một xã hội phát triển bền vững, ở đó tất cả công dân dù trai hay gái đều có quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được bảo vệ cơ thể và quyền được tôn trọng ở bất kỳ vai trò nào trong gia đình.
YK Đỗ
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này