14:35 - 17/03/2016
Giao thương với Trung Quốc: Tiểu ngạch là chuyện lớn
Thật ra, các doanh nghiệp Trung Quốc thích buôn bán tiểu ngạch vì họ được hưởng lợi, nhưng cách làm này lại gây nhiều thiệt hại cho phía Việt Nam.
TTXVN vừa đưa tin Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành thương lượng về hiệp định thương mại biên giới song phương.
Ngày 23 và 24/3 tới, hai nước sẽ tổ chức cuộc họp của nhóm hợp tác thương mại biên giới tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Tại cuộc họp này, hai bên sẽ đối chiếu lại văn bản của hiệp định thương mại biên giới Việt – Trung, nỗ lực phấn đấu để
ký lại hiệp định thương mại biên giới mới trong năm nay.
Thực tế thời gian qua, rất nhiều lần hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đã phải chịu thua thiệt, bị ép cấp, ép giá khi được vận chuyển dồn dập lên biên giới, phía Trung Quốc đã có những động thái gây ứ đọng hàng xuất khẩu của Việt Nam để giảm giá nhập khẩu, khiến cho hiệu quả xuất khẩu của Việt Nam không cao.
Thật ra, các doanh nghiệp Trung Quốc thích buôn bán tiểu ngạch vì họ được hưởng lợi, nhưng cách làm này lại gây nhiều thiệt hại cho phía Việt Nam.
Bên cạnh chuyện hàng hoá thường xuyên ùn ứ ở biên giới, thì cách mua hàng “dễ tính” của các doanh nghiệp Trung Quốc khiến cho việc sản xuất của Việt Nam không theo tiêu chuẩn nào cả. Nên đến khi Trung Quốc không mua thì… chẳng bán được cho ai, riết rồi lệ thuộc Trung Quốc hoàn toàn.
Một vấn nạn khác, chưa có số liệu cập nhật hơn, nhưng theo hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, tại thị trường biên mậu Việt – Trung, cuối năm 2013 ước tính kim ngạch thanh toán bằng NDT đạt khoảng 15 tỷ USD. Và đa số giao dịch thanh toán biên mậu bằng NDT nói trên được thực hiện ở Việt Nam thông qua con đường không chính ngạch. Một con số rất lớn tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam.
Việc thanh toán bằng NDT khiến doanh nghiệp Việt Nam khi cần dùng ngoại tệ để nhập hàng hoá của nước khác sẽ phải tốn phí chuyển đổi, nếu không chỉ còn cách mua lại hàng hoá Trung Quốc – một cách tốt giúp cho hàng hoá Trung Quốc ế đọng, do kinh tế trì trệ tràn vào thị trường Việt Nam nhiều hơn.
Việc thanh toán kiểu này còn góp phần làm sai lệch số liệu thống kê, ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô của đất nước. Theo thống kê của phía Trung Quốc, năm 2015, xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam đạt 66,1 tỷ USD, tăng 3,8% năm 2014, nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 29,7 tỉ USD, tăng 49,1%.
Trong khi đó, tổng cục Thống kê Việt Nam lại đưa ra con số ước tính xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ 17 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này chỉ đạt 49,3 tỷ USD.
Những bất cập trong buôn bán mậu biên với Trung Quốc là chuyện lặp đi lặp lại không được xử lý rốt ráo, dù các bộ ngành đều thấy.
Trong một hội nghị về thương mại biên giới diễn ra hồi đầu năm nay, một lần nữa thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú nêu lại vấn đề: “… Trong thời gian tới… hạn chế tình trạng thường xuyên bị thua thiệt, ép giá, ép cấp do hoạt động thương mại biên giới là hoạt động đặc thù, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại biên giới của Việt Nam luôn bị động và phụ thuộc nhiều vào điều tiết từ phía Trung Quốc…”
Nhìn lại, đề xuất của nhóm nghiên cứu do ông Trương Đình Tuyển làm trưởng nhóm công bố từ tháng 5.2012 đến nay vẫn còn nguyên giá trị và… chưa được thực hiện. Theo đề xuất này, việc đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc cần được thực hiện theo các định hướng và giải pháp sau đây:
– Tăng giá trị và khối lượng xuất khẩu hàng nông thuỷ sản. Đây là những mặt hàng Trung Quốc – đặc biệt là thị trường phía Tây Nam với 500 triệu dân – có nhu cầu lớn.
– Tổ chức lại việc buôn bán biên giới với Trung Quốc theo hướng:
+ Lựa chọn một số mặt hàng có dung lượng lớn và Trung Quốc cũng có nhu cầu lớn không cho phép buôn bán tiểu ngạch như hiện nay (ví dụ cao su, bột sắn…) Các mặt hàng này chỉ được buôn bán và thanh toán theo thông lệ quốc tế.
+ Xây dựng cơ chế điều tiết lượng hàng buôn bán qua biên giới để tránh bị ép giá (Trung Quốc làm rất tốt việc này). Vì quyền lợi lâu dài của đất nước, của nông dân và doanh nghiệp cần vượt qua sức ép từ một số đối tượng để thực hiện yêu cầu này.
– Mở rộng thoả thuận về hài hoà tiêu chuẩn và công nhận lẫn nhau đã ký giữa Việt Nam và Trung Quốc, tạo thuận lợi cho xuất khẩu.
– Tổ chức các công ty lớn chuyên xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Bộ Công thương tập hợp những công ty này và bàn về cách tổ chức buôn bán với Trung Quốc, ưu tiên sử dụng quỹ Xúc tiến thương mại để hỗ trợ các công ty này…
Thanh Trúc
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này