
09:07 - 18/03/2016
Tư duy thế, không nguy mới lạ
Người ngoài đã đi tới cung trăng, còn Trung tâm chống ngập hiện đang dưới mặt đất, còn TPHCM thì vẫn ngập hoàn ngập.

Người ngoài đã đi tới cung trăng, còn Trung tâm chống ngập hiện đang dưới mặt đất, còn TPHCM thì vẫn ngập hoàn ngập. Ảnh: 24h
Không riêng gì giới chuyên gia trong lĩnh vực thoát nước, hàng loạt người đã phải thốt lên sửng sốt: đơn vị đầu tàu trong công tác chống ngập đã “bí cách chống ngập!”
Họ bình luận vậy khi phải tiếp nhận thông tin trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (gọi tắt là TTCN) vừa đề xuất UBND thành phố dự án “Sử dụng xe bơm lưu động phục vụ chống ngập”, với tổng vốn lên đến 1.400 tỷ đồng.
Sửng sốt cũng phải, bởi người dân đã quá thất vọng về việc điều hành chống ngập của TTCN.
Còn nhớ vào năm 2008, khi vấn đề ngập nước ở TPHCM bắt đầu nan giải, chính quyền đã gấp rút thành lập TTCN với vai trò điều hành các dự án chống ngập, giúp thành phố giải quyết căn cơ bài toán ngập nước.
Thời điểm này, dân Sài Gòn rất kỳ vọng vào TTCN, vì cứ hễ mưa là khu trung tâm biến thành sông. Nhưng rồi TTCN cứ thế lún sâu vào ngập mà không có đường thoát, với hàng loạt các dự án tủn mủn thiếu căn cơ.
Nếu ai còn nhớ đến chuyện TTCN kỳ vọng dùng trạm, máy bơm để giảm ngập cho con đường Kinh Dương Vương và khu vực bùng binh Cây Gõ, hay cải tạo hệ thống thoát nước để chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) thì sẽ thấy hiệu quả không như mong đợi, dù tiền tỷ đã ra đi, ngập vẫn hoàn ngập, nếu không muốn nói là nặng hơn…
Đến khi bị chất vấn thì TTCN lại đổ lỗi là vì ông trời hay mưa và mưa với vũ lượng quá lớn nên máy bơm, cống thoát nước không thể chống lại.
Chuyện ông trời coi như bất khả kháng, chấp nhận đi.
Rồi đến bây giờ một dự án dùng máy bơm nữa ra đời để phục vụ chống ngập với tổng số tiền lên đến 1.400 tỷ đồng từ ngân sách thì giới hạn chịu đựng của người Sài Gòn đã hết, vì có sự mâu thuẫn chính trong cách chống ngập của TTCN với chủ trương của lãnh đạo thành phố.
Bởi để chống ngập một cách căn cơ, ít nhất là đã vài ba năm qua, chính quyền thành phố mà trong đó là nguyên chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã phải thừa nhận đã đến lúc thay đổi tư duy chống ngập, chống ngập phải lâu dài và bền vững.
Theo đó, hàng loạt các dự án lớn được triển khai. Nào là dùng đường vành đai như một đê bao bảo vệ; triển khai xây dựng hàng loạt các cống ngăn triều, hàng loạt các dự án cải tạo kênh rạch thoát nước; kể cả chuyện chấp nhận bỏ ra 3.000 tỷ đồng đào lại con kênh Hàng Bàng để chống ngập cho nội đô.
Đặc biệt, “tuyên ngôn” chống ngập của chuyên gia trong lĩnh vực này là TS Hồ Long Phi đã nêu rõ “đã đến lúc không tuyên bố bảo vệ vùng trũng để tránh hình thành đô thị, gây ngập”; và “tuyên ngôn” này đã được chính quyền thành phố đánh giá cao, tiến hành thực hiện.
Người ngoài đã đi tới cung trăng, còn TTCN hiện đang dưới mặt đất. Đúng ra với vai trò của mình TTCN phải là nơi điều hành các dự án chống ngập của các sở ngành liên quan, là nơi tập trung nghiên cứu và đề xuất để làm thế nào khi các dự án chống ngập mang tính bền vững như đã nêu khi đưa vào sử dụng phát huy tối đa hiệu quả.
Phải tham mưu cho thành phố cần phải có những giải pháp quản lý đô thị bổ sung để hỗ trợ cho những giải pháp chống ngập truyền thống.
Đằng này, TTCN lại đi vẽ ra một dự án chống ngập cục bộ tốn kém hàng ngàn tỷ đồng, mà thực tế việc này đã là sai lầm trong quá khứ; còn hiện tại thì TTCN chưa có bất kỳ một bằng chứng khoa học nào để chứng minh nó phát huy hiệu quả khi ngập.
Đặc biệt, với cách thức vận hành xe bơm như mô tả sơ lược của TTCN thì nhiều chuyên gia đã cảnh báo đây là một dự án “có cũng được, không có cũng không sao”, bởi khi trời mưa với vũ lượng lớn, tiết diện cống cấp 2 ở hầu hết các tuyến đường đều trở nên quá tải hoặc mấp mé quá tải.
Theo đó, khi xe bơm nước từ tuyến đường ngập sang các tuyến cống cấp 2 ở những tuyến đường chưa ngập thì ngập sẽ đánh chiếm tất cả các tuyến đường. Đó là tình huống xấu nên nghĩ tới.
Hải Anh
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này