11:41 - 28/05/2022
Ghi nhanh ở Thaifex 2022: ‘Và đó là cách mà người Thái nói chuyện làm ăn’
Hội chợ Thaifex bế mạc hôm nay, sau 5 ngày. Tôi ở đây đã một tuần. Ngày nào cũng hoạt động 2 buổi: trong nhà, ngoài trời. Phòng họp căng. Thiên nhiên thoáng. Mỗi ngày vẫn cứ đều đặn hai ca như vậy.
Tôi vẫn muốn ghi nhanh lại đây cuộc gặp mới hôm qua với đoàn của lãnh đạo (Thứ trưởng) Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan.
Có những điều đáng suy nghĩ.
Đoàn của ban lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan có 9 người. Ông Prapat Pothasuthon là Thứ trưởng, cùng hai trợ lý, một cố vấn trưởng của nhóm chuyên gia cố vấn của Bộ, một vụ trưởng vụ chăn nuôi, một viên chức phụ trách tiêu chuẩn chất lượng, một đại diện Hội Nông dân, và đặc biệt có 3 công ty về logistics. Đoàn của Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao có 30 người.
Đoàn Việt Nam gửi trước 3 câu hỏi: (1) Đâu là chính sách hỗ trợ nông dân thành công; (2) Sự tương tác tích cực giữa OTOP với nhà nước và các HTX – doanh nghiệp; (3) Đâu là những khó khăn trong việc giáo dục, nâng cấp hiểu biết và kỹ năng thực hành của nông dân?
Ông Ratchasub Nishida, cố vấn trưởng của Bộ Nông nghiệp Thái Lan chọn câu thứ 3 để trả lời.
Những khó khăn khi trang bị và “nâng cấp” cho nông dân” ư? Ông nói, hùng hồn: Vấn đề chính là hãy thay đổi tư duy của họ một cách căn cơ. Nếu đem tiền bạc và các chính sách thuận lợi để khiến họ phải thay đổi thì không bền vững. Ví dụ chúng ta muốn họ cải thiện chất lượng sản phẩm thì quan trọng là thay đổi con người làm ra sản phẩm. Hiện giờ công nghệ tạo nhiều thuận lợi cho cải thiện sản phẩm như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, robot… nhưng tất cả chỉ là công cụ, cái chính là sự cảm nhận sâu sắc để thay đổi tư duy của nông dân mới là quyết đinh.
Làm sao để họ hiểu: giữ vững chất lượng là tuân thủ nghiêm tiêu chuẩn trong sản xuất mỗi ngày. Và như vậy chỉ quan tâm năng suất chất lượng thôi là không đủ. Sau Covid, người tiêu dùng thế giới càng quan tâm tiêu chuẩn chất lượng. Và chắc chắn sẽ xuất hiện thêm các tiêu chuẩn mới của giai đoạn mới. Doanh nghiệp phải quan tâm những vấn đề trực tiếp “tiếp xúc” với khách hàng hơn bao giờ hết.
Ngoài ra về marketing, làm sao nói cho người nông dân hiểu là marketing bây giờ đã thay đổi hoàn toàn. Hai từ khóa quan trọng đó là: niềm tin của khách hàng và giao hàng tốt (đúng chất lượng, đúng hạn). Tựu chung lại, tiêu chuẩn chất lượng là quyết định vì đó là cơ sở của niềm tin.
“Tôi nghĩ, mấy từ viết của marketing là M-K-T nên giải mã cho dễ hiểu là: MEET (GẶP GỠ), CRITERIA (TIÊU CHUẨN) và TREND (XU HƯỚNG). Nói tiếng tây với họ, họ sẽ thấy khó nên các chuyên gia, cán bộ ban ngành phải bám sát giúp họ, cung cấp dữ liệu thị trường, giúp họ hiểu và dần dần áp dụng công nghệ, giúp họ làm chủ công nghệ nhưng quan trọng nhất là: chất lượng sản phẩm phải luôn ổn định” – ông Ratchasub Nishida nói.
Hơi bất ngờ khi nhà cố vấn nói chuyện chiến lược thấu đáo còn ông Thứ trưởng thì nồng nhiệt trực diện chuyện làm ăn, kêu gọi hợp tác.
Ông khuyến khích: “Làm gì cụ thể đi các bạn Việt Nam. Cùng lập công ty ở Thái ngay hôm nay đi. Nói rõ muốn hợp tác lãnh vực nào, cần mua bán loại sản phẩm nào, mỗi bên kê ra và ngồi bàn liền các dịch vụ phục vụ thương mại. Chúng tôi có mang tới đây 3 công ty logistics để bàn ngay với các bạn. Đừng phí thời gian nữa. Hợp tác là gì, là cùng nhau hợp tác làm ăn và trong khi mua bán, ắt xảy ra bất đồng thì chung tay giải quyết để hai bên cùng có lợi và cùng nhau tạo thuận lơi nhiều hơn với thị trường thế giới là cách hợp tác hiệu quả nhất…”
Thực tình tôi biết các doanh nghiệp chưa chuẩn bị sẵn sàng những mặt hàng cụ thể, những khoản mục thảo luận ngay để bắt tay vào thương vụ nào đó của hợp tác kinh doanh.
Và đó là cách mà người Thái nói chuyện làm ăn.
Kim Hạnh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này