08:28 - 20/04/2017
Vì sao dân mình ngại kiện?
Đến tận hôm nay – tức sau cả tuần du khách nước ngoài được bồi thường 1.000 USD vì vướng chân vào móc sắt trên vỉa hè quận 1 và bị ngã dập mặt – dư luận vẫn chưa ngừng bàn tán.
Cụ thể, ngay sau khi xem clip do một người dân ghi lại cảnh nữ du khách bị ngã giập mặt do vướng vào móc sắt trên vỉa hè ở giao lộ Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM, UBND quận 1 đã làm việc với đơn vị thi công là công ty TNHH đầu tư – xuất nhập khẩu Viễn Đông. Kết quả, công ty này xin lỗi và bồi thường 1.000 USD cho nữ du khách.
Đền là đương nhiên nhưng dư luận bàn tán là vì không ít vụ tai nạn tương tự, thậm chí là nghiêm trọng hơn rất nhiều nhưng cuối cùng người gặp nạn chỉ nhận được “hỗ trợ” chứ không hề được “bồi thường”, vì lúc nào đơn vị thi công cũng có đủ lý do để bào chữa cho hành vi gây hoạ của mình.
Cụ thể, hẳn cư dân TPHCM chắc không thể không nhớ đến cái chết thương tâm của ông Nguyễn Văn Ngộ, sinh năm 1975, quê TP Cần Thơ, trên đường Kinh Dương Vương. Số là, cuối tháng 10/2016, trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TPHCM, ông Ngộ do đuổi theo xe buýt mà vấp vào hố ga, tử vong.
Sự việc đã khiến dư luận phẫn nộ vì ai cũng biết thời điểm ấy đường Kinh Dương Vương chẳng khác gì đại công trình gài bẫy người và xe. Thế nhưng, kết cục lỗi được kết luận do ông Ngộ sơ ý và đơn vị thi công cái hố ga đã được “tiếng thơm” khi đã hỗ trợ người gặp nạn một số tiền để lo hậu sự.
Sự việc tương tự như vậy có thể kể ra rất nhiều ở TPHCM, nhưng nạn nhân chỉ nhận được tiền hỗ trợ chứ không thể nhận được bồi thường như vị du khách trên. Vì sao vậy?
Ở đây, nếu am hiểu thì có thể trả lời ngay rằng vì quy định, biện pháp chế tài với đơn vị thi công các công trình hạ tầng thiếu an toàn còn mập mờ. Vì người dân còn “sợ” kiện các cơ quan công quyền (đa phần các công trình hạ tầng đều có chủ đầu tư là cơ quan nhà nước). Vậy tại sao dân lại sợ kiện?
Luật pháp hiện hành quy định rõ việc xử lý, bồi thường trách nhiệm nhưng nó chưa đi vào cuộc sống một phần do chúng ta thiếu cơ chế giám sát và công cụ quản lý nhà nước chưa phát huy hiệu quả. Hơn nữa, khi bị tai nạn do các công trình công cộng gây ra, rất ít người dân trình báo chính quyền hoặc khiếu kiện.
Bởi họ ngại tốn kém thời gian, thậm chí nếu khiếu kiện thì lo tốn thêm tiền đi giám định thương tật nhưng không biết có được bồi thường hay không, bồi thường bao nhiêu. Do đó, may mắn nhận được hỗ trợ là mừng lắm rồi.
Vậy đừng so sánh với du khách kể trên nữa, để bảo vệ mình và bảo vệ người khác thì khi gặp hoạ do các công trình công cộng gây ra, người dân hãy mạnh dạn khiếu nại – nhiều người đã khuyên như vậy. Thế nhưng cũng có không ít người lại ngao ngán: kiện để tiền mất, tật mạng hay sao?
Câu hỏi này đành nhường lại cho các cơ quan hành pháp, các cơ quan hỗ trợ tư pháp vậy!
Quân Minh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này