10:29 - 10/04/2017
Vỉa hè biết nói
Đâu phải cái vỉa hè nào cũng là cái vỉa hè im lìm bình thường mà có những vỉa hè thực sự biết nói, biết ca hát để làm cho mọi người xung quanh vui vẻ và thưởng thức cuộc sống hơn.
Điều gì sẽ xảy ra nếu đường phố của các thành phố nổi tiếng trên thế giới như Paris, London, New York hay Sydney mà thiếu đi mấy tiệm cà phê trên vỉa hè?
Khoan nói về những lợi hại liên quan đến đường lối kinh tế, chính trị, xã hội phức tạp, trước mắt các thành phố này sẽ mất đi rất nhiều sự duyên dáng, hấp dẫn – cũng như người phụ nữ mà thiếu đi một chút trang điểm vậy. Cũng như một khách sạn đẹp đẽ, cao cấp mà thiếu đi một chút âm nhạc, bông hoa trang trí đâu đó. Cũng như ăn xong một tô phở mà thiếu đi một tách trà nóng hay một tách cà phê cho cảm thấy vừa vặn, đầy đủ hơn.
Quản trị một thành phố là cả một nghệ thuật chứ không đơn giản chỉ là luật lệ, trắng đen rạch ròi, dẹp là phải dẹp hết, đánh là phải đánh giáp lá cà thì mới gọi là thành công, chiến thắng. Và đã là nghệ thuật thì bao giờ cũng nên có chút chấm phá, ngoại lệ, bất qui tắc, thì mới đẹp và đặc biệt. Vấn đề ở chỗ là làm sao đưa tất cả những cái ngoại lệ, bất qui tắc đó vào trong khuôn khổ có luật lệ và có qui tắc. Nghệ thuật quản trị cao hay thấp nằm ở chỗ đó.
Lấy ví dụ của thành phố Sydney chẳng hạn. Tiệm ăn nào muốn đặt thêm bàn ghế ra vỉa hè thì cứ làm đơn nộp council (uỷ ban quận) xin phép, nhưng có khi được có khi không, tuỳ vào quy hoạch khu vực đó, rồi còn tuỳ vào mỹ quan và các điều kiện thực tế cụ thể của vị trí đó nữa. Nói chung luật của Sydney là chưa bao giờ cấm kinh doanh trên vỉa hè, mà tuỳ từng khu vực và từng trường hợp cụ thể mà giải quyết.
Tương tự như quy hoạch kinh doanh trên lề đường, quy hoạch nhà cửa, cây cối của từng khu vực, từng con đường cũng được nhà nước uyển chuyển cân nhắc nhiều yếu tố và cụ thể hoá bằng những hướng dẫn công khai để người dân dựa vào đó mà tuân thủ. Cho nên có khu thì không được xây nhà cao tầng, có khu thì cây xanh lại nhiều hơn và có khu thì ao hồ uống khúc. Một thành phố suy cho cùng là một bức tranh.
Bây giờ nói về mặt kinh tế. Tất cả các bàn ghế đặt ngoài vỉa hè ở Sydney một khi được cho phép đều phải đóng tiền thuê hàng tháng cho Uỷ ban Quận, không sót một đồng. Thử tượng tượng mỗi tháng thành phố này thu được bao nhiêu tiền từ vỉa hè? Có một mặt bằng cho thuê thôi là đã sống khoẻ còn đằng này nhà nước sở hữu tất cả các mặt bằng lề đường rải rác khắp thành phố thì sống quá sức khoẻ. Càng thu được nhiều tiền thì càng có điều kiện đầu tư trở lại vỉa hè, đầu tư vào việc quản trị, quy hoạch đường phố. Ai ai cũng vui, từ người dân đến du khách, nhà nước đều có phần cả.
Chỉ có điều phải làm việc cực nhọc hơn rất nhiều so với một quyết định cái gì quản không nổi thì cứ dẹp trắng. Nhớ thời các quán karaoke mọc lên như nấm, quản lý bất tiện quá nên thôi, cấm hết cho khoẻ. Kết quả là không bao giờ cấm thật sự được vì nhu cầu ca hát, giải trí là nhu cầu thiết yếu của người dân. Kinh doanh trên vỉa hè cũng vậy, cũng là nhu cầu của người dân. Chưa kể nó đã trở thành một nét văn hoá đặc biệt của Việt Nam.
Đâu phải cái vỉa hè nào cũng là cái vỉa hè im lìm bình thường mà có những vỉa hè thực sự biết nói, biết ca hát để làm cho mọi người xung quanh vui vẻ và thưởng thức cuộc sống hơn.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này