
09:59 - 15/08/2016
Tín hiệu không sáng sủa từ AEC
Với việc hàng hóa ASEAN, đặc biệt là hàng Thái Lan ồ ạt đổ vào nước ta trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn và sức mua của thị trường bị suy yếu, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp nước ta càng thiếu thị trường để phát triển.

Tín hiệu không sáng sủa từ AEC. Trong hình: Mua sắm tại một hội chợ bán lẻ hàng Thái tại Hà Nội. Ảnh: TNMT
Sẽ còn khá lâu nữa mới biết được việc trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tác động như thế nào đến sự phát triển của nền kinh tế nước ta nói chung và thương mại nói riêng.
Tuy nhiên, nửa năm đầu tiên vừa qua đã cho thấy những dấu hiệu không sáng sủa.
Động lực xuất khẩu suy yếu
Các số liệu thống kê cho thấy, cho dù mức tăng trưởng 5,52% trong nửa đầu năm nay là kết quả của những nỗ lực vượt bậc, nhưng không thể phủ nhận nền kinh tế nước ta đã chững lại rất rõ ràng so với mức 6,32% của cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, điều đáng quan ngại là ngành nông nghiệp lần đầu tiên trong ba thập kỷ qua tăng trưởng âm 0,78%.
Cho dù sản lượng lúa đông xuân giảm 1,3 triệu tấn là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng nói trên như khẳng định của các nhà quản lý, nhưng xuất nhập khẩu với ASEAN không thể “vô can” trong vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Xét trên tổng thể, tuy tổng kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm nay đạt 82,1 tỷ đô la Mỹ, chỉ tăng 5,7% và bằng một phần ba so với cùng kỳ năm 2015, nhưng do nhập khẩu đã giảm nhẹ, cho nên nền kinh tế nước ta đã chuyển sang xuất siêu.
Nguyên nhân mấu chốt dẫn đến xuất khẩu tụt dốc mạnh là khu vực thị trường ASEAN giảm rất mạnh, ở mức 12,9%.
Chính vì vậy, thay vì chiếm 12% trong cùng kỳ năm 2015, tỷ trọng của thị trường ASEAN trong sáu tháng qua chỉ còn chiếm 9,9% trong “rổ hàng hóa xuất khẩu” của nước ta.
Nhìn từ góc độ khác, xuất khẩu của nền kinh tế trong sáu tháng qua tăng là nhờ các thị trường ngoài ASEAN tăng khá mạnh, đạt mức 8,3%.
Trong rổ hàng hóa xuất khẩu sang khu vực ASEAN bị “co lại” đó, xuất khẩu nông sản là đáng ngại hơn cả. Bởi trong khi xuất khẩu sang các thị trường ngoài ASEAN tăng 4,9% thì xuất khẩu sang khu vực ASEAN giảm 5,3%.
Điều này có nghĩa là xuất khẩu hàng nông sản sáu tháng đầu năm nay xoay chuyển được cục diện từ tăng trưởng âm trong cùng kỳ năm 2015 sang tăng trưởng dương 4,1% là nhờ những nỗ lực trong việc mở rộng các thị trường ngoài ASEAN.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, gia nhập “ngôi nhà chung” AEC, xuất khẩu hàng hóa của nước ta không những không phát triển, mà còn bị “co lại”.
Trong đó, sự tăng trưởng âm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng là do xuất khẩu hàng nông sản sang khu vực này giảm.
Nhập siêu từ ASEAN tăng cao
Trong khi bức tranh xuất khẩu sang thị trường ASEAN không mấy sáng sủa thì bức tranh nhập khẩu và nhập siêu càng không khả quan hơn.
Do xuất khẩu đã giảm quá mạnh nhưng nhập khẩu giảm không nhiều, cho nên nhập siêu từ khu vực thị trường ASEAN sáu tháng đầu năm nay đã tăng rất mạnh, lên hơn 40%.
Điều này cho thấy thành tựu chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu của nền kinh tế nước ta trong sáu tháng đầu năm nay là do những nỗ lực gia tăng xuất khẩu, đồng thời hạn chế nhập khẩu từ các thị trường ngoài ASEAN, bởi xuất siêu sang khu vực này đã đạt 7,2%.
Tuy nhập khẩu hàng nông sản từ thị trường ASEAN cũng đã giảm, nhưng mức giảm không mạnh bằng các thị trường ngoài ASEAN, cho nên tỷ trọng nhập siêu hàng nông sản từ ASEAN vẫn còn ở mức 35,4%, trong khi xuất siêu sang các thị trường ngoài ASEAN hết sức ấn tượng, lên 96,1%.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là chúng ta đang quá thất thế trong “ngôi nhà chung” ASEAN và thị trường này đã kéo lùi nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó nông nghiệp là tâm điểm.
Thị trường trong nước bị tấn công
Trong khi nền kinh tế đã chuyển sang xuất siêu, cho nên nhập khẩu và nhập siêu lớn từ thị trường ASEAN không gây căng thẳng đối với cán cân cung – cầu ngoại tệ ít nhất là ở thời điểm hiện tại, nhưng thực tế này vẫn rất đáng quan ngại ở góc độ thương mại trong nước đang bị hàng hóa ASEAN “xâm lấn” mạnh mẽ.
Nhìn vào nhóm hàng công nghiệp, mặt hàng gây ấn tượng mạnh nhất chính là điện gia dụng và linh kiện. Bởi tính riêng nguồn nhập khẩu từ thị trường ASEAN sáu tháng qua đã đạt 728 triệu đô la Mỹ, tăng đột biến 41%, chiếm hơn ba phần tư tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường thế giới.
Trong đó, Thái Lan chính là nhà cung cấp lớn mặt hàng này, chiếm gần 59% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Nếu nhìn vào nhóm hàng nông sản, mặt hàng gây ấn tượng mạnh nhất chính là rau quả, bởi riêng nguồn nhập khẩu từ thị trường ASEAN cũng đã đạt 162 triệu đô la Mỹ, chiếm 46% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Ở mặt hàng này, Thái Lan cũng chính là nguồn cung cấp lớn nhất với 144 triệu đô la Mỹ, chiếm gần 41% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Xét theo từng thành viên AEC, Thái Lan cũng chính là quốc gia đang chiếm lĩnh thị trường nước ta. Tổng kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan của nước ta trong sáu tháng đầu năm nay đã đạt kỷ lục gần 3,9 tỷ đô la Mỹ và nhập siêu với quốc gia này cũng đạt mức kỷ lục hơn 2,1 tỷ đô la Mỹ và gần 120%.
Đây gần như chắc chắn là bước đi tiếp theo của Thái Lan sau những nỗ lực thâu tóm kênh phân phối hàng hóa ở thị trường nước ta trong thời gian gần đây.
Rõ ràng, với việc hàng hóa ASEAN, đặc biệt là hàng Thái Lan ồ ạt đổ vào nước ta trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn và sức mua của thị trường bị suy yếu, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp nước ta càng thiếu thị trường để phát triển.
Tóm lại, từ vị thế trụ đỡ, nông nghiệp trong sáu tháng qua đã trở thành gánh nặng cho những nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân nhưng sự thất thế trong “ngôi nhà chung” AEC là một nguyên nhân quan trọng.
Nguyễn Đình Bích
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này