09:14 - 31/03/2016
Lại một bản tin buồn: ‘Chết vì 50.000 đồng’
Bản tin buồn hẳn rồi sẽ nhanh chóng bị chìm vào quên lãng, bị vùi lấp dưới những tin tức thời sự khác, thế nhưng ai cũng biết những thảm kịch tương tự trước nay không phải là chuyện hiếm hoi ở các làng quê nghèo
Một bản tin buồn, quá buồn như rất nhiều bản tin buồn từ trước tới nay về chuyện chồng vợ, cha con, anh em giết nhau trong cơn nóng giận chỉ vì rơi vào hoàn cảnh túng quẫn không tìm thấy lối thoát.
Theo tường thuật của báo chí, chị Bùi Thị Khê (27 tuổi, quê ở TP Phan Thiết, Bình Thuận) đã qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) chiều 26/3 sau 10 ngày nhập viện điều trị bỏng.
Mười ngày trước, vào chiều 16/3, chị Khê đã bị chồng tưới dầu hỏa lên người rồi châm lửa đốt, sau khi đã đóng kín cửa nhà.
Người dân trong xóm nghèo thấy khói bốc ra từ nhà chị Khê, cùng với tiếng khóc của trẻ con nên phá cửa xông vào, dập lửa, kéo chị Khê ra thì nạn nhân đã cháy đen khắp người, ngất xỉu.
Người châm lửa đốt chị Khê chính là chồng chị, Nguyễn Đình Long (30 tuổi), cũng bị bỏng nặng. Hai vợ chồng được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Theo điều tra ban đầu của công an thì trước khi đi biển, Long đã đưa 90.000 đồng cho vợ nhờ trả nợ tiền rượu cho tiệm tạp hóa gần nhà.
Đến sáng 16/3, khi Long đi biển về thì bị chủ tiệm tạp hóa chặn lại hỏi vì sao thiếu 90.000 đồng mà chỉ trả 40.000 đồng và đòi Long phải trả thêm 50.000 đồng còn lại.
Bực tức, Long đánh vợ, sau đó bỏ đi nhậu, đến chiều trở về nhà thấy vợ đang nằm trên tấm nệm trong phòng liền đóng kín cửa nhà rồi dùng dầu hỏa tưới lên người vợ và châm lửa đốt.
Chị Khê mất đi để lại 2 con nhỏ 4 tuổi và 2 tuổi, còn người chồng bị tạm giam.
Bản tin báo chí tường thuật lạnh lùng như vậy.
Bản tin buồn hẳn rồi sẽ nhanh chóng bị chìm vào quên lãng, bị vùi lấp dưới những tin tức thời sự khác, thế nhưng ai cũng biết những thảm kịch tương tự trước nay không phải là chuyện hiếm hoi ở các làng quê nghèo, dù ở vùng cao hay dưới đồng bằng, hay ở những làng chài ven biển.
Nó nói lên một thực trạng, rằng còn rất nhiều người quá đỗi chật vật trong cuộc mưu sinh; rằng rất nhiều người, nhiều gia đình vẫn đang cảm thấy bế tắc, bất lực, tuyệt vọng trong nỗ lực vươn đến một cuộc sống sáng sủa hơn, ra người hơn; rằng những con số thống kê về tỷ lệ thoát nghèo năm này qua năm khác tuy đáng khích lệ thật đấy nhưng còn lâu mới có thể khiến chúng ta yên lòng.
Chỉ cần đi về các làng chài không quá xa xôi hay đi về vùng sâu vùng xa là cuộc sống vất vả, thiếu thốn, nghèo khó, bế tắc của người dân đập vào mắt.
Nó cũng nhắc nhở chúng ta về cái hố sâu khoảng cách thu nhập và mức sống giữa một thiểu số giàu có tập trung ở các đô thị và đa số dân cư còn nghèo khó, thậm chí nghèo cùng cực, sống chủ yếu ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng cao.
Chỉ vì 50.000 đồng người vợ dùng để mua đồ ăn cho con và cho đứa em đang cần thay vì trả nợ tiền rượu mà người chồng nhẫn tâm đốt vợ, bản tin nói lên rất nhiều điều.
Bên cạnh việc tô đậm sự bí bách trong cuộc sống, nó còn cho thấy thực trạng các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam hiện nay, khi người chồng (làm ra tiền) vẫn tự coi mình như chúa và coi vợ như tôi mọi, thậm chí sẵn sàng dùng bạo lực, có khi là bạo lực chết người, với người vợ như trường hợp của Long và chị Khê.
Còn người vợ thì thường chỉ biết chịu đựng, không dám phản kháng. Điều này chẳng phải là cái gì mới mẻ mà đã tồn tại từ lâu trong xã hội vốn vẫn nặng nề tàn tích phong kiến.
Điều đáng tiếc, đáng phàn nàn là hoạt động của những tổ chức hội đoàn, những phong trào như “xây dựng gia đình văn hóa mới” đã chỉ dừng lại ở hình thức mà không đủ sức giúp người ta thay đổi từ trong nhận thức về nhân phẩm, về mối quan hệ đúng đắn giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái (mà trường hợp người mẹ đốt con vì con không bán hết vé số xảy ra cũng ở Bình Thuận năm ngoái là một ví dụ).
Để thay đổi hiện trạng đáng buồn đã ăn sâu và lâu trong xã hội, cần không chỉ nâng cao mức sống của người dân nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo mà còn cần cả một nỗ lực giáo dục cộng đồng sâu sắc, dài hơi, bền bỉ để có thể thay đổi từ nhận thức đến lối sống, cách hành xử trong gia đình, không chỉ cho thế hệ hiện tại mà cả cho thế hệ sẽ lớn lên.
Như vậy mới có thể tránh được những thảm kịch đau lòng vẫn thường xuyên xảy ra trong các gia đình Việt Nam.
Đoàn Khắc Xuyên
Theo TBKTSG
(*) Tựa bài do Tiếp Thị Thế Giới đặt lại
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này