
09:38 - 07/06/2017
Giấc mơ ngựa hoang
Ken Parker bị kết án năm năm tù vì tội lái xe trong khi say xỉn. Ông được chuyển đến nhà tù phía bắc bang Nevada, Hoa Kỳ, nơi mà người ta gọi nó là một trung tâm “sửa chữa cho đúng lại”, nơi mà tù nhân được thực hành những liệu pháp thay đổi tâm tính. Liệu pháp nổi bật nhất là cải tạo ngựa hoang.
Ken Parker là người hiếm hoi đồng ý cho báo chí chụp ảnh, phỏng vấn và kể câu chuyện đời mình. Ông nói rằng, trong suốt mấy mươi năm, chưa bao giờ ông chạm vào bất kỳ con ngựa nào. Nhưng chọn việc thuần hoá ngựa là một giải pháp “ít tệ hại nhất”, được ra ngoài hít thở không khí tự nhiên thay cho việc ngồi nhìn bốn bức tường của “nhà đá”. Ken thừa hiểu, ngựa hoang vốn ưa chuộng những cánh đồng, những thảo nguyên bao la để dễ bề vùng vẫy, nhưng sẵn sàng tấn công những ai muốn đến gần nó. Điều mà Ken sau này xác nhận, bầy ngựa hoang đã từng bước biến đổi con người Ken, theo đúng nghĩa đen. Ken đã học những bài học về sự kiên nhẫn, thắt chặt mối dây liên hệ giữa mình với những con vật đẹp đẽ mà kiêu hãnh này.
Ken tìm cách trò chuyện với bầy ngựa theo hướng dẫn của giáo viên. Con ngựa nóng tính, ông cũng nóng tính. Nhưng những giao tiếp bằng mắt, những câu nói động viên và đặc biệt là năng lượng nhiệt thành toả ra từ người đàn ông này, hoá ra lại “đúng tần số” với những con ngựa cao to. Ken trở thành một trong những người thuần hoá ngựa nổi tiếng nhất khu vực. Năm ngoái, những con ngựa qua tay ông huấn luyện được đấu giá lên đến 15.000 đôla Mỹ mỗi con. “Chúng tôi chỉ có 120 ngày để làm việc với mỗi con ngựa, để làm quen, để thân thiết, để đặt bộ yên cương lên lưng chúng và để điều khiển chúng làm theo những mong muốn của mình. Công việc này vất vả, chứa đựng những nguy hiểm. Nhưng những gì mà bầy ngựa mang lại nhiều hơn công sức mình bỏ ra”, Ken chia sẻ.
Người đàn ông mặc áo xanh tù nhân, người vẫn còn đầy vết xăm trổ đứng nhìn những con ngựa với ánh mắt hiền từ. Anh sắp mãn hạn cải tạo. Đã có sẵn hai lời đề nghị làm chuyên viên thuần hoá ngựa từ hai trung tâm huấn luyện khác nhau. “Lũ ngựa này đã thực sự thay đổi cuộc đời tôi”, ông nói.
Vùng đất phía bắc Nevada có hai đặc điểm. Đây là vùng bảo tồn quốc gia hạng nhất nên xe động cơ không được lưu thông, chỉ có phương tiện di chuyển quan trọng nhất là ngựa. Thứ hai, vùng đất thảo nguyên này được ước tính đang có đến hàng trăm ngàn con ngựa hoang. Sáng kiến cho tù nhân làm người thuần hoá ngựa được đề ra hơn 15 năm trước. Ban đầu chỉ là hoạt động thử nghiệm, nhưng về sau được coi là công việc chính. Những chú ngựa đầu tiên được cải hoá, chỉ có lực lượng bảo vệ thiên nhiên sử dụng, nhưng vài năm trở lại đây, cư dân trong vùng đã xem ngày hội đấu giá ngựa của các bạn tù thành một ngày hội của chính họ.
Mỗi năm, có khoảng 75 con ngựa được “xuất chuồng” trong bốn kỳ hội đấu giá ngựa. Đó chính là ngày mà những người tù nhân huấn luyện ngựa cảm thấy tự hào vì đã góp phần tạo ra những sản phẩm được công chúng đón nhận. Niềm vui ấy như một bước tiến về gần hơn với cuộc sống
tự do của chính mình…
Trần Nguyên
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này