11:53 - 15/09/2016
Bầy em bắt tay xử ông anh cả
Dù không được phát hành tại cụm rạp lớn nhất – CGV Vietnam, bộ phim Tấm Cám: chuyện chưa kể của đạo diễn Ngô Thanh Vân với đầu tư 21 tỉ đồng cho đến hết ngày 10/9/2016 đã cán mốc 60 tỉ đồng.
Tuy nhiên, bộ phim đã trải qua không ít thử thách trong những ngày vừa qua, khi không đồng ý với tỷ lệ ăn chia mà CGV đưa ra cho phim Việt Nam.
Quyền lực của CGV
Trước đây, khi hệ thống rạp này còn là của Megastar, tỷ lệ phim Việt Nam trung bình vẫn là 50 – 50 cho bên rạp và nhà phát hành.
Thông lệ thế giới cũng áp dụng theo tỷ lệ này cho tuần đầu tiên, sau đó giảm dần trong những tuần sau đó.
Tuy nhiên, hai năm gần đây, khi đưa cho hệ thống CGV phát hành, tỷ lệ của phim Việt thường bị thấp hơn tỷ lệ của CGV, tuỳ từng phim.
Trong khi đó, theo phản ánh của các nhà phát hành, phim của CGV đưa cho các nhà phát hành Việt Nam vẫn “đòi” 50 – 50, chưa kể có phim còn “đòi” 55 – 45.
Vì sao các nhà sản xuất và phát hành phim Việt Nam phải chịu “lép vế” suốt một thời gian dài vừa qua như vậy?
Mấu chốt của vấn đề chính là CGV đang nắm thị phần rất lớn, chiếm 40% hệ thống rạp chiếu phim hiện nay trên toàn quốc. Lotte Cinema chiếm hơn 30%, trong khi các nhà sản xuất và phát hành của Việt Nam như BHD chỉ chiếm 8%, Galaxy chiếm 8%.
Dựa vào tỷ lệ áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp mà CGV, nhà phát hành phim lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, nên công ty này áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình.
Cụ thể, phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác tỷ lệ ăn chia là 55 – 45 (CGV hưởng 55%), còn với các phim Việt Nam do các doanh nghiệp Việt Nam phát hành tại hệ thống CGV là 45 – 55 (nghĩa là nhà phát hành đó chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần).
Các nhà phát hành trong nước liệu có thể không chịu sự áp đặt này? Không thể, vì số lượng rạp của CGV quá lớn, nếu không đồng ý tỷ lệ này thì phim sẽ không được chiếu tại hệ thống rạp CGV, khi đó phim không được chiếu trên 40% tổng số rạp, đồng nghĩa với mất 40% doanh thu.
Nhà phát hành trong nước khi nhận được tỷ lệ chia thấp như vậy thì cũng chỉ có thể đưa lại doanh thu thấp cho nhà sản xuất phim.
Sự chênh lệch giữa hai tỷ lệ này với các nhà sản xuất – phát hành phim Việt Nam là rất lớn và được cho là rất bất hợp lý.
Các tranh cãi xảy ra khi các nhà sản xuất cho rằng đó là “một tỷ lệ chưa từng xảy ra trên thế giới”, khi hệ thống rạp chiếu phim lại nhận được tỷ lệ lớn hơn nhà sản xuất – phát hành, bởi chính nhà sản xuất – phát hành mới là người phải bỏ ra chi phí rất lớn không chỉ là cho sản xuất phim mà còn bỏ cả chi phí về marketing, phát hành cho phim.
Tấm Cám kể chuyện chưa kể
Nhưng đến Tấm Cám: chuyện chưa kể thì như giọt nước tràn ly, các nhà sản xuất Việt Nam đã không thể im lặng.
Theo CGV, nếu nhà phát hành phim chấp nhận tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé như họ đặt ra, Tấm Cám: chuyện chưa kể dự tính sẽ thu được khoảng 30 tỉ đồng khi chiếu vào hệ thống 35 cụm rạp của CGV trên toàn quốc vào giờ vàng.
Nhưng nhà phát hành phim Tấm Cám và nhà sản xuất là Ngô Thanh Vân đã từ chối con số này, bởi theo họ, “đây là bộ phim lớn với số tiền đầu tư gấp đôi so với những phim trung bình khác, mất hai năm thực hiện”.
Vậy mà, khi làm CGV đưa ra tỷ lệ ăn chia quá thấp. Thấp bao nhiêu? HBD không công bố con số cụ thể, nhưng theo họ, tỷ lệ này thấp hơn cả một bộ phim trung bình do CGV phát hành.
Vậy là BHD và bảy đơn vị sản xuất và phát hành phim Việt Nam như Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, ER đã làm đơn kiến nghị đòi sự công bằng cho phim Việt.
“Tỷ lệ ăn chia của các rạp 5% hay 10% đối với nhà sản xuất Việt Nam rất quan trọng, chứng tỏ sự tôn trọng với những sản phẩm văn hoá của người Việt làm ra.
“Những tập đoàn lớn vào đây có tiền, có kinh nghiệm, phát triển kinh doanh tốt bằng thế mạnh của mình là đương nhiên. Những công ty Việt Nam cũng phải cố gắng đi lên bằng chính sức của mình, tuy nhiên phải có sân chơi công bằng”, một nhà sản xuất giấu tên nói với chúng tôi.
Theo nhà sản xuất này, nếu để tình trạng trên diễn ra thì “rất dễ tạo thế độc quyền cho CGV”, rằng “độc quyền không tốt cho ai cả”.
“Nhiều người nghĩ việc này giống bao cấp hồi xưa. Vấn đề ở đây là chính sách để tạo sự công bằng. Chúng ta không thành kiến gì với doanh nghiệp nước ngoài, chẳng hạn Lotte cũng là doanh nghiệp Hàn Quốc, nhưng họ rất tôn trọng khi làm việc với các nhà phát hành Việt Nam. CGV giống như “anh hai” trong lĩnh vực này, thì cách hành xử của họ phải xứng đáng là anh hai, tạo ra môi trường lành mạnh cùng với các nhà phát hành Việt Nam”.
Theo các chuyên gia, thị phần 90 triệu dân của Việt Nam tiềm năng còn rất lớn, trong khi phim Việt Nam còn rất ít.
Để cho ngành điện ảnh phát triển, tất cả đối tác hãy cùng ngồi lại với nhau để mở rộng miếng bánh thị trường, chứ không phải là tranh giành nhau.
Một chuyên gia cho rằng “giá như các nhà sản xuất phát hành trong và ngoài nước cùng ngồi lại với nhau để làm sao có chính sách ăn chia hợp lý cho các phim Việt Nam, thì sự việc đã không bị đẩy lên một cách ồn ào như thời gian qua”.
Hương Xuân
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này