10:24 - 22/08/2023
Hoàn thuế để nuôi dưỡng nguồn thu
6 tháng đầu năm 2023, công tác hoàn thuế giá trị gia tăng ở ngành thuế TP.HCM chỉ bằng hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, Cục Thuế TP.HCM mới giải quyết hoàn thuế được cho 436 hồ sơ, với tổng số tiền hoàn là 2.417 tỷ đồng, chỉ bằng 56% về số lượng và bằng 57,8% cùng kỳ. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, ở diễn đàn nào cũng có doanh nghiệp nêu về hoàn thuế, có những ý kiến rất gay gắt. Tiếng kêu về chậm hoàn thuế không chỉ dừng ở một vài doanh nghiệp, một vài ngành nghề mà có những thời điểm, trên cả nước nhiều hiệp hội doanh nghiệp phải đồng thanh kêu cứu!
Các chính sách về thuế thời gian qua đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, qua đó nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách. Đó là Quyết định 01 của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022; Nghị định 12 của Chính phủ về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.
Trong chủ trương chung đó, hoàn thuế giá trị gia tăng phải được coi là giải pháp hữu hiệu để nuôi dưỡng nguồn thu. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tiếp cận vốn vay không dễ, thì tiền hoàn thuế là số tiền quý giá với doanh nghiệp. 7 tháng đầu năm, toàn ngành thuế mới hoàn thuế được 39% kế hoạch năm và bằng 85% so với cùng kỳ năm 2022. Giải trình về sự chậm trễ này, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, việc chậm hoàn thuế xảy ra ở nhóm “kiểm trước, hoàn sau”. Tuy nhiên, cách thức kiểm tra xác minh, theo phản ánh của doanh nghiệp là “không thể thực hiện được”, chẳng hạn như yêu cầu chứng từ thanh toán quốc tế, truy xuất nguồn gốc đến tận gốc, nếu thiếu một giai đoạn nào thì cũng không được chấp nhận…
Cần nhấn mạnh rằng bản chất của việc hoàn thuế là nhà nước trả lại số tiền mà người nộp thuế đã đóng trước đó. Đây là trách nhiệm của nhà nước chứ không phải là ân huệ hay sự ưu đãi của nhà nước. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu liên quan đến công tác hoàn thuế mới đây: Hoàn thuế là nghĩa vụ của Nhà nước. Doanh nghiệp không xin, đây là tiền của doanh nghiệp. Do đó, cơ quan nhà nước phải hướng dẫn thủ tục. Ai sai, ai vi phạm pháp luật thì xử lý, cán bộ thuế sai thì phải xử lý cán bộ thuế.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, gần đây Cục Thuế TP.HCM có tổ chức một số buổi đối thoại với các doanh nghiệp cao su. Dù vậy, cũng mới chỉ dừng ở việc ghi nhận ý kiến để tổng hợp, báo cáo lên Tổng cục Thuế, chứ thực tế doanh nghiệp kêu cứ kêu, nhưng tiền hoàn thuế vẫn chưa thấy về. Theo quy định, nếu doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nộp thuế thì lập tức sẽ phải chịu các chế tài. Từ phạt hành chính, đến cấm xuất cảnh, cưỡng chế bằng cách trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra… Ngược lại, Luật Quản lý thuế quy định việc hoàn thuế có thời hạn 40 ngày (với trường hợp kiểm trước, hoàn sau), nếu chậm trễ mà do lỗi của cơ quan thuế thì cơ quan thuế còn phải trả thêm tiền lãi 0,03% số tiền chậm hoàn. Nhưng thực tế đến nay việc hoàn thuế kéo dài tính bằng năm, còn trách nhiệm, chế tài đối với cơ quan thuế thì chưa thấy ai phải chịu.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM có 26.640 doanh nghiệp phát sinh mới, nhưng tổng số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động và bỏ địa chỉ kinh doanh lên tới 44.650 doanh nghiệp. Số liệu này cho thấy tình hình kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Cùng với công tác cải cách hành chính thuế, tạo điều kiện cho người nộp thuế, thì hoàn thuế là một trong những nội dung được doanh nghiệp trông chờ. Đó là sự công bằng cho người nộp thuế, cũng là một giải pháp quan trọng để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.
Theo Mai Hoa/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này