09:39 - 20/07/2019
Điều trị rối loạn tình dục: có ‘trọng nam khinh nữ’?
Đã có hơn 20 loại thuốc điều trị rối loạn tình dục dành cho nam giới được cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ thông qua, nhưng đến nay chỉ có hai loại thuốc dành cho nữ giới. Vì sao như thế?
Trị rối loạn tình dục nữ, chẳng biết đâu mà lường
Thật sai lầm khi cho rằng nữ giới không bị rối loạn tình dục nhiều như nam, và nếu có, nhu cầu của họ cũng không nhiều nên các công ty dược phẩm không mặn mà sản xuất thuốc. TS.BS Nguyễn Thành Như, chuyên ngành nam khoa, nhận định: “Nhìn bề nổi, ai cũng nghĩ mấy ông chồng mới hay bị trục trặc chuyện gối chăn, còn các bà vợ không mấy bận tâm vì họ còn phụ chồng, chăm con, bươn chải chuyện nhà, chuyện cơ quan. Sự thật không hẳn như thế. Cơn sóng ngầm ưu tư chuyện tình dục ở nữ giới thậm chí còn cao hơn ở nam giới”.
Thật vậy, theo thống kê của Edward Laumann, nhà tình dục học nổi tiếng thế giới, tại Mỹ có đến 43% phụ nữ gặp trục trặc trong đời sống tình dục, trong khi con số này ở nam giới chỉ 31%. Cũng ở nước này, một khảo sát đăng trên Journal of Sex Research năm 2002, cho thấy 75% phụ nữ xếp loại đời sống tình dục có ý nghĩa từ mức vừa phải đến cực kỳ quan trọng.
Nếu thế tại sao đến nay thế giới chỉ có hai loại thuốc chữa trị rối loạn tình dục nữ, Addyi (flibanserin) ra đời năm 2015 và mới nhất Vyleesi (bremelanotide) ra đời vào tháng qua? BS Như giải thích: “Điều trị rối loạn tình dục nữ vẫn còn khá mông lung. Vấn đề là ở nam giới nếu để dương vật cương mạnh người ta chỉ cần tăng lượng máu dồn tới dương vật, hay để tinh xuất chậm người ta làm chậm luồng thần kinh; thì trục trặc ở phái nữ lại dàn trải nhiều khâu, cái nọ chồng chéo cái kia, khiến các nhà khoa học chẳng biết đâu mà lường”.
Theo một định nghĩa được giới chuyên môn thống nhất, rối loạn tình dục nữ là các rối loạn kéo dài hay lặp đi lặp lại, gồm nhiều dạng: giảm hoặc mất ham muốn tình dục, giảm hoặc mất khoái cảm khi quan hệ, không đạt cực khoái và đặc biệt là đau trong hoặc sau gần gũi với bạn tình, và các rối loạn này ảnh hưởng đến tâm lý và quan hệ với bạn tình.
BS Như nói: “Trong thực tế, rối loạn tình dục nữ có thể do yếu tố tâm lý hoặc thực thể, hoặc kết hợp cả hai, nhưng nhìn chung theo các chuyên gia, thường liên quan đến tâm lý nhiều hơn. Các yếu tố thực thể cần lưu ý là viêm nhiễm âm đạo, âm hộ, phần phụ, mãn kinh, sẹo do cắt tầng sinh môn”.
Viết trên tờ Acta Biomedica năm 2018, TS Rocco Salvatore Calabrò, bác sĩ tâm thần học người Ý, nhận định rối loạn chức năng tình dục thường không được các bác sĩ quan tâm, dù đó là một vấn đề rất quan trọng đối với bệnh nhân và ảnh hưởng đến những mối quan hệ của họ trong cuộc sống. Vì tin rằng chúng không quan trọng như chấn thương hay bệnh thực thể, nên bác sĩ thường không chuyển bệnh nhân đến bác sĩ chuyên ngành để chữa trị”.
“Viagra nữ” chưa thấy màu hồng
Năm 2015 FDA cho lưu hành Addyi, loại thuốc đầu tiên chữa chứng giảm ham muốn tình dục nữ.Nhưng ít ai biết rằng trước khi thông qua quyết định này, FDA đã phải chịu nhiều áp lực từ hàng chục nhóm vận động khác nhau. Trong một thỉnh nguyện thư gửi FDA với hơn 55.000 chữ ký, nhóm Even the Score viết: “Phụ nữ phải chờ đợi quá lâu rồi. Việc thiếu thuốc điều trị rối loạn tình dục nữ đã phản ánh tình trạng phân biệt giới tính tại FDA”.
Addyi, thường được gọi là “viên thuốc màu hồng” hay “Viagra nữ”, nhưng cho đến nay số phận của nó vẫn chưa hồng như nhà sản xuất Sprout Pharmaceuticals mong muốn. Thật vậy thuốc ra đời trong khó khăn, vì hai lần bị FDA bác hồ sơ do hiệu quả tăng ham muốn không có gì rõ ràng, nhưng tác dụng phụ lại khá nhiều.Mãi đến khi đổi chiến thuật, thay vì chứng minh thuốc hiệu quả ngay sau khi uống, Sprout lại đánh giá hiệu quả của thuốc sau khi dùng bốn tuần.Bằng cách này, thuốc đúng là hiệu quả, nhưng… rất khiêm tốn.
Không chỉ ra đời trầy trật, Addyi còn phát triển nhọc nhằn.Năm 2017, cả nước Mỹ chưa có đến 12.000 đơn kê toa Addyi và doanh số cũng chỉ đạt 8 triệu USD, một con số thất vọng. Để tăng doanh số, năm qua Sprout giảm giá thuốc từ 800 USD còn 400 USD/tháng, thậm chí đối với người không có bảo hiểm y tế họ chỉ phải trả… 99 USD/tháng. Cùng với đó, nhà sản xuất thành lập hình thức chẩn đoán từ xa. Nếu sau khi được bác sĩ phỏng vấn qua điện thoại, bệnh nhân thật sự mắc bệnh, họ sẽ được kê toa. Nhưng nhiều chuyên gia nghi ngờ các giải pháp này, bởi dưới góc cạnh chi phí – hiệu quả, “Viagra nữ” thua xa “Viagra nam”, chưa kể “Viagra nữ” phải dùng hàng ngày, trong khi “Viagra nam” dùng ngay khi bệnh nhân có nhu cầu.
Liệu số phận Vyleesi có hơn gì Addyi không?Vyleesi có ưu điểm không phải dùng hàng ngày, chỉ cần tiêm thuốc từ 25 – 40 phút trước khi quan hệ và thuốc kéo dài đến tám giờ.Nhưng thuốc cũng có tác dụng phụ như buồn nôn, nhức đầu, đỏ mặt và làm tăng huyết áp nhẹ.Đáng nói nhất, hiệu quả của Vyleesi cũng chẳng hơn gì Addyi. Qua thử nghiệm lâm sàng, 25% bệnh nhân sử dụng Vyleesi cải thiện chỉ số ham muốn tình dục so với 17% người dùng giả dược (placebo). FDA đánh giá về thuốc này: “Không có khác biệt giữa các nhóm trị liệu từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc nghiên cứu về số lần hài lòng trong quan hệ”.
“Thuốc không hiệu quả nhiều nhưng tại sao FDA vẫn cho lưu hành?”, hỏi BS Như, ông trả lời: “Có lẽ vì áp lực của cộng đồng. Mặt khác, cũng như Addyi, tác dụng phụ của Vyleesi không đáng kể gì, nên FDA cứ cho ra đời và để nó… ‘tự sinh, tự diệt’”.
Bình Yên (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này