
10:49 - 17/02/2019
Cảnh báo sởi bùng phát khắp thế giới
Trong khi một số quốc gia châu Á an yên vui đón năm mới âm lịch thì nhiều quốc gia trên thế giới, từ nước đang phát triển đến nước phát triển, lại đối mặt với bùng phát sởi, đợt bùng phát nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm.
Ở Đông Nam Á, Philippines bị ảnh hưởng nặng nhất. Bản tin CNN ngày 8/2 cho biết chỉ một tuần trước đó số ca mắc sởi ở nước này đã tăng hơn 1.500 ca với 26 ca tử vong. Tại vùng Metro Manila của thủ đô, người ta ghi nhận 441 ca bệnh và năm ca tử vong. Vùng Calabarzon ở phía nam Manila còn nặng nề hơn, đã có 575 ca mắc kể từ đầu năm 2019, so với 21 ca của cả năm 2018 (tăng 2.538%), chưa kể chín ca tử vong. Theo giới chức y tế Philippines, nếu chỉ tính tháng 1.2019, số ca mắc sởi tại nước này đã tăng đến 550% với 55 ca tử vong!
Các nước phương Tây cũng lo lắng cao độ về dịch bệnh này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận trong năm 2018 số ca sởi ở châu Âu tăng cao nhất trong vòng một thập kỷ qua với hơn 82.500 ca mắc, 72 trẻ tử vong. Trong khi đó, ở Mỹ bệnh sởi cũng được ghi nhận ở 11 bang, đặc biệt tại bang Washington, chính quyền còn phải ban bố tình trạng y tế khẩn cấp, khi ghi nhận 50 ca mắc sởi và dịch có nguy cơ lan rộng khắp nơi do sự “ủng hộ” của thời tiết thuận lợi.
Tẩy chay chích ngừa là nguyên nhân chính khiến sởi bùng phát khắp thế giới.Ở các nước phát triển, nỗi sợ chích ngừa xuất phát từ mối liên hệ giữa vắc xin MMR (sởi, bạch hầu, rubella) và bệnh tự kỷ.Năm 1998, một nghiên cứu của cựu bác sĩ Andrew Wakefield người Anh công bố trên tạp chí Lancet, gợi ý về mối liên hệ này. Kết quả là tỷ lệ chích ngừa sởi giảm mạnh còn 80% vào những cuối những năm 1990 và 79% vào năm 2003.
Thế nhưng, nhiều nghiên cứu của cộng đồng khoa học sau đó xác nhận Wakefield nghiên cứu phi đạo đức, vì ông đã nguỵ tạo số liệu.Cuối cùng Lancet phải rút bài báo của Wakefield xuống, xin lỗi công chúng, còn bản thân vị bác sĩ giả dối này bị tước thẻ hành nghề.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả, sau nhiều năm trời niềm tin về vắc xin MMR vẫn bị bào mòn và không ít người vẫn tiếp tục tẩy chay chích ngừa. Theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ, từ năm 2001 – 2008, số trẻ nước này bỏ chích ngừa các bệnh truyền nhiễm tăng gấp bốn lần.
Theo các nhà nghiên cứu, việc quay lưng với vắc xin của cộng đồng đang được tiếp sức bởi vô số tin giả lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội của các hội nhóm chống chích ngừa. GS Dame Sally Davies, bác sĩ hàng đầu nước Anh, cho biết vắc xin MMR rất an toàn, nhưng tỷ lệ chích ngừa vẫn chưa đạt như mong muốn. Tại Anh, số trẻ chích ngừa sởi hai liều chỉ đạt 87%, trong khi mục tiêu phải là 95% để khống chế sởi bùng phát.
Bà Dame Sally nói: “Một số người, kể cả những ngôi sao, lại tin vào những tin đồn trên mạng. Hơn 30 năm qua, chúng ta đã chích ngừa vô số trẻ em và cứu sống hàng triệu trẻ em trên thế giới nhờ vắc xin.Nghịch lý là khi có trẻ tử vong vì không được chích ngừa, những người phát tán tin đồn lại không có mặt tại chỗ để chịu trách nhiệm vì hành động của họ”.
Nếu ở các nước phương Tây nỗi sợ bệnh tự kỷ khiến người dân quay lưng với chích ngừa, thì ở nhiều quốc gia châu Á, niềm tin cộng đồng bị lung lay do những bê bối liên quan đến vắc xin. Theo ông Eric Domingo, thứ trưởng Y tế Philippines, tỷ lệ chích ngừa thấp ở nước này do vắc xin Dengvaxia mà ra. Thật vậy, vào năm 2016 vắc xin ngừa sốt xuất huyết này được sử dụng, nhưng một năm sau nhà sản xuất Sanofi Pasteur lại cho biết vắc xin có thể gây ra những hậu quả không ngờ ở những người không bao giờ nhiễm virus gây bệnh. Đã có vài ca tử vong sau chích vắc xin, dù nhà sản xuất phản bác.
Sởi là bệnh rất dễ lây lan, theo CDC virus có thể lưu lại trong không khí trong vòng hai giờ sau khi một người nhiễm bệnh bước vào phòng và người ta có thể mắc bệnh mà không hề hay biết. Khoảng một trong 20 trẻ bị sởi sẽ có biến chứng viêm phổi và một số trường hợp bệnh nhân có thể bị cả viêm não.
Trước khi có vắc xin sởi vào năm 1963 và chủng ngừa rộng rãi, cứ 2 – 3 năm thế giới biết đến những trận dịch sởi rất lớn khiến khoảng 2,6 triệu người tử vong hàng năm. Nhưng ngay cả khi có sẵn vắc xin an toàn và giá rẻ, vào năm 2017 toàn cầu cũng có 110.000 ca tử vong vì sởi, chủ yếu là trẻ dưới năm tuổi.
Những ngày trước tết, một số địa phương của nước ta như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đã ghi nhận số bệnh nhân sởi nhập viện tăng mạnh so với năm trước. PGS.TS Phan Trọng Lân, viện trưởng viện Pasteur TP.HCM, cảnh báo dịch có thể lan ra nhiều địa phương do người mắc bệnh đi lại nhiều vào dịp tết. Ông Lân nói: “Sởi lây rất nhanh và nguy hiểm. Cộng đồng có một người bị sởi thì hơn 90% người chưa được miễn dịch sẽ có nguy cơ mắc bệnh”.
Tâm An (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này