
10:50 - 05/10/2019
Cẩn thận trước ‘lời có cánh’ chữa ung thư
“Vắc xin Hasumi phòng và điều trị ung thư, đối với ung thư giai đoạn 2 – 3 hoàn thiện 100%, với ung thư giai đoạn 4 tỷ lệ thành công cao 70 – 80%”.

Đã có vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung, nhưng vắc xin điều trị ung thư vẫn trông chờ ở tương lai.
Đó là thông tin hấp dẫn do một trung tâm làm đẹp và chăm sóc sức khoẻ tại TP.HCM đưa ra đang gây xôn xao dư luận.
Chỉ là lừa đảo
Thông tin trên trích từ “Phần giới thiệu” của trang web trung tâm, một cơ sở nằm ở vị trí đắc địa của thành phố và chưa đầy 1km cách sở Y tế TP.HCM, cơ quan quản lý các hoạt động chăm sóc sức khoẻ người dân trên địa bàn.
Giờ đây muốn tìm lại thông tin trên không dễ, vì đã bị xoá sau khi truyền thông và chuyên gia lật tẩy trò lừa đảo của trung tâm này. Theo tổ chức phi lợi nhuận Ruy băng tím, tập hợp một số nhà khoa học về lĩnh vực ung thư, “chưa từng có báo cáo khoa học nào về vắc xin Hasumi sử dụng thành công trên người với tỷ lệ như trên. Vắc xin cũng chưa từng được công nhận bởi các tổ chức y tế chính phủ (như FDA Mỹ), như một phương pháp điều trị chính thống cho bệnh ung thư”.
Trong một bài viết trên báo Phụ Nữ TP.HCM hồi tháng 7 năm nay, BS Nguyễn Triệu Vũ, trưởng khoa ung bướu bệnh viện quận Thủ Đức TP.HCM, cho biết thực tế có một vài vắc xin ngừa bệnh truyền nhiễm góp phần làm giảm tỷ lệ mắc ung thư, như vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B đối với ung thư gan, vắc xin ngừa virus HPV đối với ung thư cổ tử cung. Ông xác nhận y học đã dùng vắc xin ngừa bệnh lao (BCG) trong điều trị ung thư bàng quang giai đoạn sớm, nhưng các vắc xin trực tiếp ngừa và điều trị bệnh ung thư chỉ phát triển gần đây và kết quả còn khiêm tốn.
Vậy mà không chỉ đưa ra những kết quả “có cánh” về vắc xin Hasumi, trung tâm làm đẹp này còn khuyến cáo “người khoẻ mạnh cũng nên sử dụng, ngay cả khi chưa có dấu hiệu của tế bào ung thư”. Theo các chuyên gia của Ruy băng tím, đây là một điều vô lý và chưa có một loại vắc xin nào trên thế giới có thể làm được, bởi nguồn gốc của ung thư chủ yếu do đột biến gien mà ra.
Nhóm Ruy băng tím nhận định: “Cơ thể chúng ta có hàng chục ngàn gien, việc tế bào bị đột biến gien nào thành tế bào ung thư là điều không thể biết trước được. Vì thế, dù cùng mắc một loại bệnh ung thư, nhưng tế bào ung thư của những người khác nhau có đột biến gien khác nhau là chuyện bình thường, dẫn đến người này đáp ứng thuốc tốt hơn hoặc người kia có khả năng di căn cao hơn, cũng là điều dễ hình dung. Do vậy, quảng cáo vắc xin này có khả năng sử dụng để phòng ung thư ở người khoẻ mạnh là chuyện rất vô lý và không thể thực hiện được”.
Nên tham khảo thông tin đáng tin cậy
Thật ra, những lùm xùm về vắc xin Hasumi không phải mới đây, mà từ một hội thảo khoa học giới thiệu sản phẩm này do một bệnh viện tư nhân tổ chức vào tháng 3 năm nay. Theo thông tin đăng tải trên nhiều cơ quan báo chí do bệnh viện cung cấp, TS Kenichiro Hasumi (Nhật Bản), diễn giả chính của hội thảo, cũng là cha đẻ của vắc xin, “đã phát minh và chế tạo thành công hơn 30 loại vắc xin phòng ngừa và điều trị ung thư, có khả năng kéo dài sự sống cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn 4. Vắc xin này được cho đã sử dụng tại Nhật Bản trong hơn 70 năm qua.Hơn 100.000 bệnh nhân ung thư trên thế giới đã sử dụng vắc xin Hasumi”.
Chia sẻ với báo chí thời điểm đó, TS.BS Phạm Xuân Dũng, giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM, xác nhận vắc xin điều trị ung thư đã được nghiên cứu gần đây. Dù hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả, nhưng đến nay vắc xin này vẫn chỉ trong nghiên cứu. Ông nói: “Từ nghiên cứu tới thực tế còn nhiều nhầm lẫn. Đến nay chỉ có duy nhất một vắc xin điều trị ung thư dựa trên nguyên tắc huấn luyện tế bào miễn dịch được cấp phép sử dụng là sipuleucel-T, dùng trong ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn tiến xa kháng với cắt tinh hoàn”.
Ngày nay ung thư vẫn thuộc số những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), gần 40% con người sẽ mắc ung thư ở một thời điểm nào đó trong đời. Ước tính số ung thư mắc mới toàn cầu mỗi năm sẽ tăng từ 14 triệu ca hiện nay lên 23,6 triệu ca vào năm 2030. Vì lý do này, bất kỳ một giải pháp mới phòng ngừa hay điều trị ung thư nào cũng “hấp dẫn” mọi người.
Nhưng theo BS Dũng, để một loại vắc xin ra đời phải trải qua ba giai đoạn nghiên cứu lâm sàng: xác định tính an toàn và độc tính, xác định đáp ứng (bướu có giảm bớt hay không) và xác định hiệu quả (trị khỏi bệnh, kéo dài thời gian sống hay cải thiện chất lượng sống). Chỉ những vắc xin vượt qua được cả ba giai đoạn này mới được cấp phép dùng và đưa vào các phác đồ hay hướng dẫn điều trị.
Vì điều này, BS Dũng khuyến cáo: “Cần tỉnh táo, dựa trên các chứng cứ khoa học, tránh nhầm lẫn giữa phòng ngừa và điều trị, giữa đáp ứng và trị khỏi, giữa còn đang nghiên cứu hay đã có kết luận và cấp phép”. BS Triệu Vũ đưa ra giải pháp: “Hiện nay, có nhiều quảng cáo và lời đồn đại liên quan đến bệnh ung thư, với các “chuyên gia” được cho là đến từ Nhật, Mỹ, Ấn Độ… nhưng phần lớn đều là thông tin sai lầm và không khoa học. Do đó người bệnh nên tham khảo thêm các bác sĩ chuyên khoa hoặc các trang thông tin đáng tin cậy”.
1,5 tỷ đồng có thể chữa dứt ung thư giai đoạn 4!
Một trang web đã đưa ra bảng giá để phòng ngừa và điều trị ung thư bằng vắc xin Hasumi như sau: ngừa ung thư tổng hợp từ 18 – 36 triệu đồng, ngừa ung thư tái phát 180 triệu đồng, trị liệu các giai đoạn ung thư (tại Nhật) thì tuỳ theo mức độ ung thư: giai đoạn 1 – 500 triệu đồng, giai đoạn 2 – 700 triệu, giai đoạn 3 – 900 triệu và giai đoạn 4 – 1,5 tỷ đồng. Chi phí này chưa kể đi lại và ăn ở.
Dương Cầm (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này