11:34 - 05/09/2022
Bác sĩ Damadian vô duyên với giải Nobel
Dù là cha đẻ của máy chụp cộng hưởng từ (MRI), nhưng bác sĩ Raymond Damadian lại không được Uỷ ban Nobel trao giải về đóng góp này lúc sinh thời. Ông qua đời ngày 3/8 qua ở tuổi 86 và đến nay câu chuyện đó vẫn gây nhiều tranh cãi.
Raymond Damadian sinh ngày 16/3/1936 tại Manhattan (Mỹ) trong một gia đình bình thường.Khởi đầu sự nghiệp học hành, ông chỉ quan tâm đến violon. Nhưng ngã rẽ cuộc đời đã đến khi ông được một học bổng toán học ở đại học Wisconsin. Ra trường, Damadian học tiếp y khoa tại trường y Albert Einstein và nghiên cứu sâu về vật lý sinh học ở Harvard. Từ đây ông đam mê công nghệ cộng hưởng từ hạt nhân.
Ý tưởng nhìn thấu cơ thể con người không cần phóng xạ đến với bác sĩ Dama-dian vào cuối những năm 1960 khi ông làm việc trên chuột. Ông nhận thấy khi những mô đặt trong từ trường và bị tác động bởi xung động sóng vô tuyến thì mô ung thư sẽ phân biệt rõ với mô lành.
Năm 1971, ông công bố phát hiện trong tạp chí Science và ba năm sau nhận được bằng sáng chế về “một phương pháp phát hiện ung thư trong mô”. Ông bỏ ra 18 tháng để chế tạo chiếc máy MRI đầu tiên – máy quét cộng hưởng từ hạt nhân (nuclear magnetic resonance scanner – N.M.R).
Ngày 3/7/1977, trợ lý của bác sĩ Damadian trở thành người đầu tiên được chụp MRI với những hình ảnh về tim, phổi, động mạch chủ, buồng tim và thành ngực rất sắc nét.
Trớ trêu thay, không chỉ Damadian mà vài khoa học gia khác cũng nghiên cứu MRI, trong đó có Paul C. Lauterbur, làm việc ở đại học New York (Mỹ), nghĩ cách chuyển tín hiệu vô tuyến dội từ mô thành ảnh; và Peter Mansfield, đại học Notting-ham (Anh), phát triển kỹ thuật toán học phân tích dữ liệu, giúp tiến trình trở nên thực tế hơn.
Dựa trên những thành tựu này mà công ty của bác sĩ Damadian, Fonar, đã làm ra chiếc máy MRI thương mại đầu tiên vào năm 1980. Nhưng kể từ đây Fonar lại phải đối đầu với những đại gia cũng sản xuất MRI. Năm 1988, danh hiệu người tiên phong chế tạo MRI dành cho Damadian đã được ghi nhận qua việc Tổng thống Ronald Reagan trao cho ông Huân chương Công nghệ. Ông có tên trong National Inventors Hall of Fame, nơi vinh danh những nhà phát minh hàng đầu của Mỹ.
Có được mọi thứ, nhưng bác sĩ Damadian lại hụt giải Nobel.Năm 2003, Lauterbur và Mansfield được trao giải Nobel y học những phát hiện về hình ảnh cộng hưởng từ. Bác sĩ Damadian cực kỳ tức giận. Ông viết thư cho Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association) than phiền “một vài kẻ cắp vặt khoa học vô lương tâm đang tìm cách đánh cắp toàn bộ cuộc đời tôi”.
Không dừng lại, ông bỏ ra hàng trăm ngàn đô la quảng cáo trên 6 tờ báo hàng đầu của Mỹ với tiêu đề: “Sai lầm đáng xấu hổ cần được sửa sai”, chỉ trích Uỷ ban giải Nobel phủ nhận vô lý những đóng góp của ông và đề nghị họ chia sẻ giải thưởng cho ông. TS Hans Ringertz, chủ tịch Uỷ ban giải Nobel năm đó không bình luận gì mà chỉ nói trên tờ The Times rằng, không gì có thể ngăn cản bác sĩ Damadian được vinh danh trong tương lai.
Trong những năm sau đó, bác sĩ Damadian không quan tâm về giải Nobel mà tập trung vào sáng chế. Ông tiếp tục làm ra chiếc máy MRI di động đầu tiên và máy MRI đầu tiên có thể quét toàn bộ cơ thể. Ông còn nhận được bằng sáng chế về một công nghệ đặc biệt cho phép phát triển 7 loại MRI khác nhau.
Vì sao bác sĩ Damadian không được trao giải Nobel?Câu trả lời đầy đủ chỉ có khi hồ sơ trao giải năm 2003 mở ra vào năm 2053. Nhưng có hay không có giải Nobel có lẽ cũng chẳng quan trọng, mà quan trọng chính là hàng triệu người khắp thế giới đã được hưởng lợi qua việc họ được phát hiện nhiều bệnh lý ác tính như ung thư, đột quỵ, tim mạch nhờ MRI. Ước tính mỗi năm có 60 triệu lượt chụp MRI trên thế giới và các bệnh nhân phải mang ơn chiếc máy đã chẩn đoán bệnh họ một cách chính xác.
An Nhiên (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này