12:00 - 06/05/2018
‘Mới biết tay’ cá bống cát sông Hậu
Những ơ cá bống cát kho tiêu mà nhiều thế hệ người Việt đã ăn và mê mẩn được chuyên gia cá bống Nhật Hoàng Akihito nhận diện vào giữa những năm 1970.
Nhưng đó không phải là con cá bống cát của Nhật Hoàng, chỉ là truyền thông nói vống, dân ta biết nó đã bao đời.
Thật tình cờ bống là mẫu số chung về đam mê của cố Trịnh nhạc sĩ và Nhật Hoàng Akihito. Trong khi người dân của ông tiếp tục ngoan cố ăn những con cá voi khổng lồ gây nhiều tai tiếng trong bảo tồn sinh học, niềm đam mê của ngài Akihito lại là những con cá bống nhỏ bé. Thần dân của ngài có thấu cho nỗi niềm của ngài chăng?
Nỗi niềm của đam mê
Còn con cá bống được thế giới đặt theo tên ngài Nhật Hoàng năm 2006 là Exyrias akihito, một loài bống biển phân bố ở tây Thái Bình Dương gồm Rạn san hô Great Barrier, Tân Guinea, Indonesia, Philippines và quần đảo Yaeyama, Nhật. Đặc điểm của con akihito là chỉ có chín tia mềm ở vây đuôi thay vì mười như bình thường.
Một bộ bách khoa về cá gồm ba cuốn do 19 tác giả biên soạn, nhưng ngồi chiếu cao nhất là Nhật Hoàng, không phải vì ông là Nhật Hoàng mà vì sự uyên bác về chuyên môn của ông. Hoàng đế Akihito tham gia biên soạn 350 trang và nhiều minh hoạ về Gobiodei, một phân bộ cá bống Nhật gồm 518 loại, trong ấn bản thứ ba “Cá Nhật với hình ảnh chính về các loài” xuất bản năm 2013, theo ibtimes.com. Cá bống, trong đó có cả loại thòi lòi, là một chuyên môn sâu của hoàng đế. Ở Việt Nam, phải chi ông Bảo Đại là chuyên gia cá da trơn, chẳng hạn, có khi đã tạo ra một lớp quan chức lấy khoa học làm nghề tay trái…
Nhưng mọi nghiên cứu của Nhật Hoàng không phải đều xuôi chèo mát mái. Cách đây hơn 50 năm, trong lúc còn là thái tử, Akihito bắt tay nghiên cứu con cá thái dương xanh (bluegill), một loài cá Mỹ. Nhiều mẫu vật bluegill là quà của thị trưởng Chicago gởi biếu cho ông và được nghiên cứu tại một cơ sở khoa học để xem giá trị của chúng có làm một nguồn thực phẩm được hay không. Nhưng cơ sở nghiên cứu nằm gần cái hồ lớn nhất Nhật Bản, hồ Biwa, và loài cá bluegill bị sổng vào hồ.Kể từ đó, chúng trở thành những con cá xâm lấn, dẫn đến loài cá chép hoàng gia Nhật bị tuyệt diệt và đe doạ đến các loài bản địa khác. Năm 2007, Nhật Hoàng phát biểu trong một nhận xét tại một hội nghị về nuôi cá và bảo tồn rằng ông đã đau khổ vì những hậu quả không mong muốn của thí nghiệm, theo BBC.
Bống nào cũng ngon, nên dễ mê
Không đợi Nhật Hoàng nghiên cứu một cách hệ thống về con cá bống cát dài chừng 12cm, sống cả ba miền “thuỷ thuật” ngọt, lợ và mặn, có tên khoa học (không phải tên tiếng Anh như nhiều báo viết) là Glossogobius sparsipapillus, người dân sông Mekong đã khám phá ra cái ngon của con cá từ bao đời. Họ có thể câu, cắm câu, lưới. Người dân cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Cần Thơ cho biết có thể bắt bống cát quanh năm. Cá bống bắt được phải để trong cái rọng đương bằng tre cặp ngoài be xuồng, bởi không như cá bống trứng, chúng mau chết khi xa nước mẹ. Cá thật tươi đem lên ướp liền.Người xưa sống chậm, ướp cả một đêm, qua hôm sau mới đem kho chừng 15 phút trong ơ đất. Thịt con cá cứng ngắt, vị ngọt pha lẫn trong cái mặn của gia vị ướp.
Có lần mua mớ cá bống cát ở Sài Gòn, về ướp rồi kho hoài, thịt cứ mềm nhũn, không cứng như cá kho trong cái ơ của cù lao Tân Lộc, được kho sẵn, xách về tận Cần Thơ. Mới hay lửa không làm nên việc trong trường hợp con bống cát.
Không có dịp hỏi Nhật Hoàng về lý do mê bống, cũng không phải là nhà bống học tầm cỡ thế giới như ông, tôi chỉ có nhận thấy một điều, những loại bống nào mà tôi biết được đều ngon, có lẽ vì chúng sống ở tầng đáy, thịt chắc. Từ bống cát đến bống trứng, bống kèo, bống bớp, bống cơm, bống tượng, thậm chí cả thòi lòi cũng là đồ lấy chớ không phải đồ bỏ.Loại nào kho cũng ngon. Chuyên nghiên cứu về bống như một nguồn lương thực, phải chăng ngài Akihito cũng nhận ra thịt cá bống vốn ngon?
Không biết hôm sang Việt Nam trong chuyến gần đây nhất, ông có biết ngoài thịt ngon, xương bống còn từng cho cô Tấm đủ thứ quần áo thời trang để đi phó hội cung đình. Biết, chắc ông còn say mê bống hơn.
Khởi Thức (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này