10:56 - 24/06/2018
Bánh giò đã ngon hơn hồi mới ‘di cư’
Một trong những đặc sản miền Bắc “di cư” vào Nam, dần dần hạp khẩu vị trong này, trở thành món bánh ngon. Ngon tuỳ thuộc khá nhiều vào bàn tay tinh tế của người làm bánh.
Tác giả bài viết Bánh giò xứ Bắc Hà, Sài Gòn Nguyễn Đạt khẳng định: “Bánh giò là một trong những thứ bánh trái đặc sản của miền Bắc Việt Nam, là thức điểm tâm hoặc ăn quà vặt thường xuyên của chúng tôi, những người vốn sinh trưởng và lớn lên tại miền Bắc”.
Khẳng định này càng được củng cố hơn khi trong Đại Nam quấc âm tự vị xuất bản tại Sài Gòn do ông Huình Tịnh Paulus Của biên soạn, để góp phần giúp chuẩn hoá tiếng Việt vào cuối thế kỷ 19, từ “bánh giò” không tồn tại.
Nguyễn Đạt kể ông từng mời các nhà văn miền Nam Dương Hà, Ngọc Linh, Dương Trữ La… ăn bánh giò của một bà bán dạo khu vực chợ Bến Thành vào những năm 1960. Bữa đầu ăn thử các vị ấy lịch sự nói “cũng ngon đấy”, bữa sau mời tiếp, không thấy ai hào hứng. Ông Đạt cho rằng có lẽ họ chưa quen với món Bắc. Với ông, bánh giò là món ăn nhẹ nhàng, có nhiều mùi vị trong một chiếc bánh nhỏ. Bột chỉ cần vào đến miệng là tan ngay. Trong bột thoang thoảng mùi thơm của lá chuối với hương bột gạo. Trong nhưn đủ vị cay, thơm nồng, sừn sựt, béo ngọt. Phiên bản sau này, nhiều nơi còn cho đến hai trứng cút vào nhưn, có vị béo thơm riêng của trứng. Nhưng trứng nếu kho cho thấm, có lẽ ngon hơn.
Bánh giò còn ngon hơn khi Sài Gòn về đêm, nó được “bonus” bằng tiếng rao “bánh chưn, bánh giò… chưn giò” trong những con hẻm mà tiếng xe cộ đã lùi xa, đã bị bóng tối san lấp.
Bánh giò ngon đòi hỏi sự tinh tế của người pha bột, thời gian đánh bột, thời gian hấp. Sao cho miếng bánh không bục khi chưa vào tới miệng. Giá bán bánh cũng tựa như chiếc áo không làm nên thầy tu. Tình cờ, chúng tôi có thể đối chứng: bánh giò của tiệm Hữu Nghị trên đường Lê Văn Sỹ với bề dày hơn 60 năm, giá 12.000 đồng, nhưng bột không tới, nhưn không ngon bằng bánh giò Lan Huệ trong con hẻm 402 Lê Văn Sỹ chỉ có 10.000 đồng. Nhưn bánh Hữu Nghị có lẽ theo truyền thống từ hồi bánh mới di cư, không mướt, không có hai cái trứng cút. Có chỗ như Foursquare bán đến 24.000 đồng/cái. Một khách hàng tên Karen Nguyễn đã “còm”: “Bánh giá 24k một cái so với giá bình thường ở SG là 10k mà không có gì đặc biệt hơn… bột nhiều ăn ngán, đây không phải là đặc sản mà là “chặt chém”! Mắc, chỗ ngồi dơ, phục vụ “chảnh”! (1)
Bánh giò có lẽ ra đời sau bánh chưng rất lâu. Cách nhau thời cà lúa bằng cối đến thời cối đá xay bột. Một ông bạn đi nát hết các nước Đông Nam Á, Nam Á, thấy phiên bản bánh chưng xứ nào cũng có, chỉ khác nhau chút đỉnh. Theo thuyết đa thuỷ tổ của nhân chủng học, chắc xứ nào cũng có giấc mộng bánh chưng bánh dày như Tiết Liêu – đứa con thứ 18 của vua Hùng Vương thứ 6. Xứ nào cũng có Hùng Vương. Để có thứ bánh chưng na ná nhau. Thế nhưng bánh giò anh lại không thấy nơi nào có.Coi như đó là món đặc sản Việt.
Bánh giò trải qua nhiều thế hệ, đã phát triển thành nhiều phiên bản.Lạng Sơn có loại bánh giò nấu với trái gấc. Cho một màu đỏ mà người ta hay so với sự mắc cỡ cường độ cao của những thiếu nữ chưa trải mấy sự đời. Nó làm liên tưởng tới món xôi gấc của miền Tây ăn với vịt xiêm đút lò. Một sự kết hợp trong chuỗi nhà hàng của CLB Bếp ngon Phương Nam, xôi của Ven Sông, vịt xiêm đút lò của Nhi. Mà thôi, để chủ đề này cho một dịp khác.Đáng nói là xôi không thể thiếu nước cốt dừa cũng như thứ bánh khác miệt này.Vậy bánh giò “chinh tây” chắc phải có nước cốt dừa, người miền Tây mới chịu.
Gần đây, hạt chia, (đọc kiểu Việt theo phiên âm tiếng Anh) trở nên thời thượng khi được gọi là siêu thực phẩm với nhiều dinh dưỡng hơn so với hạt mè hay hạt é. Nội chất béo omega-3 mà các nhà bán sữa bò thường lấy làm chuẩn mực cho sản phẩm, trong hạt chia đã gấp tám lần trong cá hồi. Không biết cơ thể có chịu “tiếp quản” hết hay không.Và trong bột bánh giò bây giờ đã có trộn thêm cả hạt chia.
Bánh giò còn có một biến tấu khác: gói bằng chén, bằng ly. Một số bà mẹ mắc bệnh “mau mỏi tay”, gói chừng một nửa bột đã ngán, chuyển sang gói bánh giò chén, bánh giò ly. Có bà nói: “Bánh giò ly ăn ngon không kém bánh giò gói, nhưng hấp nhanh hơn nhiều, chỉ chừng 20 phút là chín, lại đỡ tốn công ngồi gói lá. Chỉ phải tội con mình cứ “không giống bánh giò” thì nghĩ không ngon nên bánh giò gói phần riêng cho con ăn…”
Như thế, một hai thế hệ gần đây đã cảm được bánh giò.
Ngữ Yên (theo TGTT)
———————-
(1) https://foursquare.com/v/ph%E1%BB%9F-chua–b%C3%A1nh-gi%C3%B2/4d1f147a2eb1f04d0dafe5c1
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này