09:29 - 04/01/2016
Xíu mại ngày ấy, bây giờ
TTTG.VN – Một buổi tối phải đi ăn ngoài, vì nhà không có ai, bếp lạnh. Tôi đi dọc theo con đường Hoàng Diệu, quận 4, tìm xe bánh mì. Tìm một đỗi mới thấy xe bánh mì xíu mại. Cơ sự là ở xíu mại.
Bánh mì xíu mại nằm trong một hộc nào đó của ký ức. Hồi nhỏ, bánh mì xíu mại là một món thuộc hàng top của bữa điểm tâm. Nên vừa nhìn thấy xe bánh mì trương bảng “Bánh mì xíu mại”, nỗi nhớ ùa về.
Ổ bánh mì được phết hai lớp nước xốt hai bên má và ép dẹp hai viên xíu mại suốt chiều dài. “Bao nhiêu tiền vậy chị?” Mười ngàn. Hí ha hí hửng, tôi xách ổ bánh mì về nhà.
Để rồi diễn ra một sự thất vọng ghê gớm khi ăn. Xíu mại trong ổ bánh cứng ngắt. Lại xảm. Không chút hương vị. Thứ xíu mại ấy chẳng nâng niu ký ức về xíu mại ngày xưa chút nào.
Trôi là trôi đi mất
Ngày xưa, trước khi đến trường An Lạc ở khu ông Tạ, bà dì Đạm mua cho nửa ổ bánh mì xíu mại ăn lúc nào cũng bắt mê. Đến giờ cảm giác về nó thật mềm mại, thơm ngát, chua ngọt vẫn đọng lại, dù bụi thời gian đã phủ dày.
Bánh mì Sài Gòn đã nổi tiếng cả nước, lại thêm viên xíu mại ngon ơi là ngon. Mà đấy mới chỉ là xíu mại xe bánh mì vỉa hè. Vào các nhà hàng cao cấp, đẳng cấp của món ấy chắc còn phải cao hơn mấy bậc.
Nhớ có lần ăn dim sum – người Việt phiên ra là điểm tâm – ở Las Vegas, viên xíu mại ăn thấy được được.
Toàn cái combo điểm tâm khá là hấp dẫn. Mỗi thứ một chút, đúng theo phong cách của người Hoa. Nhưng cà phê ly xây chừng đã biến mất. Đúng là một sự què quặt được mang tên là văn minh.
Tuy chẳng thấm gì so với viên xíu mại ngày ấy, nhưng ở xứ Cờ hoa mà đạt được trình độ này, coi như OK. Quán hôm đó khách ăn điểm tâm khá là đông. Mỹ chánh hiệu ít hơn Mỹ Á Đông.
Sài Gòn bây giờ còn khá nhiều quán điểm tâm có món xíu mại. Hỏi cô bạn đồng nghiệp, quán nào bán xíu mại ngon nhất ở Chợ Lớn, cô ngập ngừng rồi giới thiệu Tân Hào Phong trên đường Trần Phú, đoạn gần chợ An Đông.
Nhưng thông tin bây giờ nhờ ông Google, tràn ngập internet. Cần kiểm tra lại trước khi tin. Nhiều người tới đây ăn về chê từa lưa hột dưa. Nào là phải trả thêm 10% phí phục vụ, 10% phí phụ thu. Nào là quán mịt mù khói thuốc lá. Nào là khói thuốc làm cho thức ăn bị át cả mùi vị. Nào là chờ món ăn muốn dài cả cổ.
Thêm cái bệnh của những quán người Hoa mà người miệt ngoải bị nhiễm: ai cũng muốn nói rổn rảng. Bệnh này đã được thừa nhận trong cuốn Người Trung Quốc xấu lậu của Bá Dương.
Thù vẫn không phục nổi
Tôi loay hoay nghĩ cách phục thù món xíu mại của xe bánh mì tối hôm bếp ở nhà lạnh. Lý thuyết là thịt phải có 20% mỡ. Phải có ít tôm xắt nhỏ. Phải có cà chua, ketchup – người Hoa phiên âm là kiếp chấp; ketchup vào loại cả trăm ngàn một hũ ở chợ Cũ mới đạt. Tiêu, đường, xíu bột năng tạo sự kết dính. Dứt khoát không chơi bột nêm.
Đến đây mới nhớ ông bạn chủ nhà hàng ở Cần Thơ. Ông nói nhà hàng của ông không bao giờ xài bột ngọt trong các món ăn. Nhưng có xài bột nêm. Tôi hỏi ông bộ bột nêm không có bột ngọt hay sao? Ông có vẻ ngượng nghịu.
Ông biết tỏng là trong bột nêm ngoài bột ngọt còn có siêu bột ngọt vốn được một số nghiên cứu cảnh báo về viễn cảnh không lấy gì làm tốt lành. Bây giờ sao lại có nhiều người tự đánh lừa chính mình.
Nhiều bà nội trợ cũng giống ông. Không xài bột ngọt, nhưng bột nêm rắc thoải mái. Thiếu nó là cảm thấy hụt hẫng. Và trong số các bà ấy nhiều bà biết tỏng là bột nêm có đầy bột ngọt.
Hôm phục thù ấy lại làm biếng, nhờ hàng thịt xay thịt. Và thịt xay là sự thất bại ghê gớm. Vì khi hấp lên vẫn không tìm lại được khí vị của viên xíu mại thời tuổi nhỏ.
Dù rằng nước xốt có mặn mà hơn nhờ kiếp chấp. Mới nghĩ bụng, thay vì xay nên chịu khó bằm thịt theo lối thủ công của những ngày xưa, có khi viên xíu mại ngon hơn. Không cứng và không quá mềm. Xay dù xay to cũng làm thịt bị dẽ dặt, khi hấp vẫn không đạt được độ mềm mại của một thời thủ công.
Đành phải chờ bày keo khác để tìm lại món xíu mại ngày ấy.
Khởi Thức
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này