10:23 - 15/04/2023
Bánh hỏi cháo lòng Hòa Đa? Hỏi lòng mình: ngon!
Bánh hỏi được Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giải thích: “Bánh ép có sợi mà ráo rẻ, hay là ráo hỏi; mượn chữ hỏi mà đặt tên.” (1)
Như nói trên, tuy không đa dạng đồ bổi như trong Nam, bánh hỏi cháo lòng Hòa Đa bù lại ở chỗ có nhiều cách ăn phù hợp từng người, mà kiểu nào cũng ngon. Trước tiên, bánh hỏi được làm bằng gạo địa phương, tạo nên bản sắc của Phú Yên, cũng như Bình Định sát bên khá tương tợ đất đai thổ nhưỡng. Nhấn thêm bản sắc miệt này là được quét dầu phộng khử hẹ hương, còn kêu hẹ sẻ vì nhỏ xíu, dìu dịu thơm chứ không to cồ mà lạt mùi như hẹ trong Nam. Rất nhiều hẹ, nên chỉ riêng bánh hỏi ăn với nước mắm – như kiểu ăn ngày gian khó chưa xa mấy, cũng đã là ngon và chắc bụng rồi, còn nói gì tới những đồ bổi ngồn ngộn được dọn cùng.
Với nhiều người, cháo là món nhẹ bụng để lót dạ hay khi mệt mỏi, mới bệnh xong… Ở đây, cháo chỉ là chọn lựa nhỏ nếu khách kêu “full topping” – như giới trẻ giờ hay nói, là lấy đầy đủ tất cả các đồ bổi, nhưn nhị. Theo đó, phần ăn sẽ gồm dĩa bánh hỏi láng dầu hẹ, tô cháo huyết, dĩa lòng vun đầy các loại bao tử, gan, dồi… cả thịt ba chỉ. Rồi rau sống – không phải bỏ vô cháo mà để cuốn với bánh tráng mỏng cùng bánh hỏi, lòng.Có cả bánh tráng nướng và đương nhiên là mắm, ớt, tỏi… đầy đủ các thứ gia vị khác.Để phục vụ cho nhiều cách ăn.
Nếu khách khảnh ăn, có thể chỉ ăn cháo không, đã có mấy miếng huyết cũng đủ ấm dạ. Không thì ăn cháo với lòng, có thể bỏ thêm bánh hỏi vô cháo lòng cho no hơn – cách ăn hay thấy ở Long An… khi cháo lòng thay bằng bún tươi. Hay bẻ bánh tráng nướng vô cháo – như cách ăn bánh tráng với các món nước của người Trung. Bánh hỏi, ngoài việc cho vô cháo, có thể ăn với lòng trong tô, chén, hay cuốn chung với chúng, cả rau sống trong bánh tráng mỏng rồi chấm mắm… Tùy ý khách, khi chung riêng gì cũng ngon theo từng kiểu.
Cháo ngọt ngon với cách nấu miền Trung thường không rang nhưng dùng gạo mùa trước, nên không quá dẻo. Góp phần độ ngọt bởi loại gạo đặc sản Phú Yên là nước lèo của xương thịt chứ không phải từ huyết bọng, huyết đánh nhuyễn như cháo miền Tây… Tô cháo có sẵn mấy cục huyết, cho khách nào sợ cholesterol quay mặt với lòng! Lòng được nấu và chỉ vớt ra khi khách kêu món, gọi phần xong nên hôi hổi thơm ngon. Heo mổ nóng, tươi, được đặt, lựa nguồn ở quê còn kha khá người nuôi ít dùng thức ăn công nghiệp nên thịt, lòng thơm, ngon – điều mà có muốn mở quán kiểu này ở Sài Gòn khó làm được. Cái nữa cũng khó là rau thơm, với cái nắng, gió, cả cái khô cằn sỏi đá miền Trung, nên góp phần tăng độ thơm, ngon. Rồi nước mắm, vốn phần đông khách là dân bản xứ làm, ăn mắm ngàn đời khó có thể “lừa” họ, nên quán dùng mắm ngon – dù nói là mắm nhỉ như vài nguồn là hơi quá.
Điểm nhỏ, tham gia góp phần nên danh phận là ở Hòa Đa bánh tráng cũng có tiếng là ngon. Nên từ cái bánh nướng giòn rụm thơm phức bẻ bỏ vô tô cháo hay chỉ ăn không, tới cái bánh mỏng dính dẻo quẹo cuốn lòng heo với bánh hỏi, rau thơm… kiểu gì cũng ngon. Từng điểm nhỏ, phần bé cứ cộng lại, rồi gia giảm với tay nghề nấu nướng của đầu bếp, bánh hỏi cháo lòng Hòa Đa cứ vậy mà mau chóng lên hương, nổi tiếng không chỉ dân bản địa mà cả ai ngang dọc cung này. Rất dễ qua hàng dài xe tải, xe hơi, xe gắn máy quanh cái tiệm bánh hỏi cháo lòng Hòa Đa đời đầu, dù nó khá xa phố thị, cách thành phố Tuy Hòa 15km.
Quán đông khách lắm nhưng chỉ bán tới trưa. Khung giờ đó cũng khá thích hợp cho buổi sáng lót dạ, hay ngay cả bữa trưa cho hành trình thăm viếng, khám phá nhà thờ Mằng Lăng, Gành đá dĩa… không xa đó mấy, những danh lam thắng cảnh vẫn còn khá hẻo tiếng của miền đất đẹp và ngon Tuy Hòa.
Trần Hoàng Bảo (theo TGHN)
———–
(1) Sđd Q. 1, trang 35, http://hanviet.org.free.fr/dnqatv/page/a-b.html
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này