16:07 - 06/08/2018
Mao ếch đã ngon đỉnh lại còn biết ca
Mùa gió nam thuận cho tàu đi đánh cá nhưng chợ ở cái bến cá Vạn Giã buổi sáng hôm 26/7 cá ít xịu. Cô bán cá có mớ mao ếch, tôi chọn hai con lớn giá 40.000 đồng.
Vừa đánh vẩy cá giúp, cô vừa nói: “Trời sáng trăng cá ít lắm!” Nói lớn là so với các con còn lại, chớ cá mỗi con hai lạng ăn thua gì với cá ngày trước ở Cần Giờ.
Cá mao ếch ở ngoài này có vẻ hiếm, nên một ông bạn và một ông em dân địa phương đều không biết trên đời có thứ cá đó. Họ ngạc nhiên khi thấy thịt con cá vừa dai như nàng công chúa ngủ rừng (vì ngủ tới cả trăm năm) vừa trắng như da nàng Bạch Tuyết. Và cá chỉ đủ ngọt thật ngọt tô canh chua nấu theo kiểu miền Trung, nêm toàn muối ớt đâm với chút xíu bột ngọt. Nhưng nhà quê toàn nước chấm Nam Ngư. Đành phải vác chén đi xin miếng nước mắm hòn bên ông em hàng xóm. Cá mao ếch nấu chua, thịt chấm mắm ớt tỏi, vừa ngọt vừa mặn, vừa thơm, ngon không có thịt gì qua được. Nó làm cho mớ mực ống xào măng rừng dọn kề bên phải lấy làm hổ thẹn vì không sánh được. Đây cũng là lần đầu tiên tôi gặp được cá mao ếch ở quê nhà. Sài Gòn hiện nay, muốn ăn cá này cho chắc cú phải xuống Cần Giờ. Mao ếch xát muối ớt cục rồi đem nướng barbecue lại càng hớp hồn những cái lưỡi mê đồ nướng. Rồi dễ gì dân miền Tây không đưa nó vào danh sách kho tương, một khi hạnh ngộ con cá không thể trông mặt mà bắt hình dong.Cái đầu thiệt lớn, cái đuôi có chút xíu. Dân Kiên Giang, nơi có nhiều cá mao ếch như Cần Giờ và Vũng Tàu, chắc chắn không thiếu món kho tương này trong thực đơn đặc sản.
Khi con cá mao ếch đực tìm tình yêu là nó hát. Muốn hát gọi tình, con mao ếch đực rung chấn cái bong bóng bơi của nó để “cất lên tiếng ca gởi người em nơi phương xa”. Bài ca của chúng chỉ có nhị cung: boop và rên. “Đôi khi chúng rên một rên rồi boop ba cái, đôi khi hai rên hai boop”, bà Staaterman kể. Tờ New Scientist lại cho rằng ở dưới đáy não, nơi phía sau cần cổ nối với đầu của chúng ta có thể ẩn náu các tiếng của con cá đã có lịch sử 400 triệu năm. Đó có thể là nguồn gốc tiếng nói của loài người.
Những bản tình ca thường được cất lên vào ban đêm, lúc mà mọi tiếng động đã giảm. Bạn muốn nghe những bản tình ca “tự giới thiệu ‘như anh đây là Phan An, là Tống Ngọc…’” của cá mao ếch, hãy vào nationalgeographic.com (1). Mỗi con cá có giọng điệu ca làm nên căn cước của nó. Bình luận của tạp chí này là con cá xấu xí ở tầng đáy kia sẽ không bao giờ chiến thắng ở một cuộc thi hoa hậu nào, nhưng chắc chắn là nó biết hát. Gần đây, nhiều nhà khoa học chú ý đến tiếng ca của con cá “mô đen quằn quại” đó. Nhưng nếu đi thi hoa hậu về “thịt ngon nhất” dễ gì con mao ếch kia không giành được chiến thắng! Có kẻ còn nói vì nó xấu đến độ chỉ có mẹ nó mới yêu nó nổi. Có kẻ còn bảo nó giống bà má vợ của mình, nên con cá mao ếch ở Mỹ còn có biệt danh “mother-in-law”. Cái miệng bự với cặp hàm khoẻ đến độ nó cắn nứt con hàu. Khi bị bắt trong vùng nước tối, màu da của con cá thường xanh lá đậm.Tuy nhiên, khi bắt nó ngoài khơi
da nó lại giống như màu sét gỉ.
“Cá mao ếch là loại cá không bơi lung tung. Chúng chỉ núp bên dưới các tảng san hô”, Erica Staaterman, một nhà sinh hưởng học cục Quản lý năng lượng đại dương, Mỹ, nói. Ngư dân Cần Giờ cũng cho biết cá chỉ núp trong các hốc đá ban ngày, và săn mồi ban đêm. Nên họ thường lặn bắt cá.Là loại cá có độc, nhiều người ngại động vào con cá. Cô bán cá chợ bến cá Vạn Giã xác định: “Làm không quen gai nó đâm vào tay nhức lắm”.
Một chuyến về quê với tô canh chua cá mao ếch, làm cho tiếng gọi từ Cần Giờ rộn rã hơn lúc nào hết. Tiếng gọi vì nỗi thèm những con cá biển tươi ngon tuy xấu xí.
bài, ảnh Ngữ Yên (theo TGTT)
———————
(1) https://news.nationalgeographic.com/2018/05/toadfish-fish-animals-communication-oceans/
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này