17:04 - 12/04/2020
Leipzig chọn văn hoá thay công nghiệp
Chính quyền thành phố từng cam kết dành 10% ngân sách đầu tư cho các hoạt động văn hoá, như một dấu chỉ chọn lựa cách thức phát triển cho Leipzig trở thành một trung tâm văn hoá, giáo dục, thay vì là trung tâm công nghiệp.
Cách Berlin khoảng 180km về phía tây nam, Leipzig, thuộc vùng Saxony, miền trung đông nước Đức. nhờ vào vị trí địa lý, Leipzig nằm giữa lưu vực các nhánh sông mang phù sa màu mỡ, được bao quanh bởi các công viên và vườn tược, nơi kết nối hệ thống giao thông với rất nhiều vùng khác tại Đức và châu Âu.
Thành phố văn hoá
Anh Tobias, một người dân tại Leipzig nói rằng trước khi bức tường Berlin sụp đổ, thành phố được xếp vào danh sách một trong các thành phố ô nhiễm nhất tại Đức. Những nhà máy công nghiệp thải hàng tấn khí và chất thải độc hại ra môi trường và các nguồn nước hàng ngày. Nhiều toà nhà bị bỏ hoang sau khi nước Đức thống nhất, khi nhiều người trẻ sang phía tây lập nghiệp, cho đến khi các tập đoàn lớn của Đức đổ tiền vào Leipzig những năm 2000. Thành phố đã xây dựng lại với mục tiêu tập trung đầu tư vào các di sản và hoạt động văn hoá nghệ thuật nhiều hơn.
30 năm sau ngày thống nhất, Leipzig thay gương mặt mới, được biết đến như trung tâm văn hoá, học thuật của Đức, với tên gọi “Berlin mới”. Tờ Spiegel của Đức từng mô tả Leipzig là “Berlin, nhưng tốt hơn”. Nơi đây cũng được chọn là một trong những nơi đáng sống nhất tại Đức, thu hút nhiều học viên, nghiên cứu sinh cũng như người trẻ đến sinh sống, làm việc. Sự giàu có của thành phố từ xa xưa đã kích thích nhiều hoạt động văn hoá phát triển, đặc biệt là hội hoạ, âm nhạc trong chiều dài lịch sử. Những hội chợ quốc tế đầu tiên đã hình thành từ thế kỷ 12, sau đó gián đoạn và đã được khôi phục hàng năm, trở thành những yếu tố thu hút du khách. Những kỳ tài âm nhạc cổ điển như Bach, Mendelssohn, Schumann và Wagner đều gọi Leipzig là quê hương.
Chính quyền thành phố từng cam kết dành 10% ngân sách đầu tư cho các hoạt động văn hoá, như một dấu chỉ chọn lựa cách thức phát triển cho Leipzig trở thành một trung tâm văn hoá, giáo dục, thay vì là trung tâm công nghiệp. Nhiều nhà máy đã được chuyển công năng thành nơi hoạt động của nghệ sĩ như các studio, gallery hay cửa hàng lưu niệm. Thậm chí, sáng kiến “Người bảo vệ nhà” còn có những hỗ trợ giúp nghệ sĩ có không gian làm việc và hoạt động miễn phí tại các toà nhà, nếu nghệ sĩ cam kết bảo trì các toà nhà bỏ trống trong thành phố.
Không chỉ nổi tiếng với các bức vẽ đường phố, hội hoạ ngoài trời, các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là các tượng đài được dựng lên hầu như ở mọi ngóc ngách, vừa tô điểm thêm cho không gian, vừa mang những hàm ý đầy tính triết học như bản chất của người Đức, nơi sản sinh ra nhiều nhà tư tưởng, triết gia của thế giới. Bức tượng Bước của thế kỷ đặt trước bảo tàng Đương đại, là một điển hình cho những tranh cãi bất tận mà thông điệp của tác phẩm mang lại về cuộc xung đột bên trong của thế kỷ trước, giữa chủ nghĩa phát xít và cộng sản. Bức tượng thể hiện “trạng thái căng thẳng chính yếu giữa sự đồng thuận và đối nghịch, giữa có và không, giữa sự kích thích và làm sắc nét cho viễn cảnh về tương lai của chúng ta”, theo như giải thích của tác giả Wolfgang Mattheuer.
Leipzig không quá lớn, không quá nhỏ, đủ để sinh sống, làm việc, học tập, sáng tạo cũng như giải trí cho bất cứ một ai muốn lập nghiệp hay du lịch tại đây – Tobias giải thích – bạn không thiếu thứ gì, từ các triển lãm, bảo tàng, thư viện, nghệ thuật, âm nhạc, họp hành, hội thảo, chợ mở, hàng quán, lễ hội. Tất cả đủ để bạn hiểu về quá khứ và cả tương lai của một nước Đức đã trải qua nhiều chế độ chính trị gây tranh cãi để có một nền dân chủ hôm nay.
J.S. Bach và nhà thờ St. Thomas
Nằm ngay trung tâm thành phố, được trùng tu và xây dựng lại theo phong cách hậu Gothic, từ nguyên thuỷ là kiến trúc Baroque, nhà thờ St. Thomas hiện là nơi yên nghỉ của Johann Sebastian Bach, một trong những nhà soạn nhạc lỗi lạc của thế giới. Nhà thờ nằm liền kề giữa một quần thể kết hợp với một công viên nhỏ, bảo tàng Bach và tượng đài của ông.
Bach chuyển đến Leipzig sau khi kết hôn với người vợ thứ hai và dành trọn cuộc đời còn lại với thành phố và nhà thờ St. Thomas. Ông từng chỉ huy dàn hợp xướng của nhà thờ trong hơn 20 năm và giảng dạy âm nhạc cho các lớp âm nhạc trong khu vực. Bach thấm nhuần kỹ năng và ảnh hưởng cảm hứng âm nhạc của những bậc thầy người Đức, người Ý, rồi người Pháp trong suốt thời gian nhỏ đến khi trưởng thành. Sau này, đó chính là những chất liệu chính đưa ông vào lĩnh vực sáng tác âm nhạc và để lại cho đời những tuyệt tác bất hủ trong lĩnh vực nhạc giao hưởng, thính phòng, hợp xướng, thánh ca.
Kỷ niệm 200 năm ngày ông mất, năm 1950 hài cốt của Bach chính thức được đưa về yên nghỉ trong gian chính của St. Thomas.
Dạo bước bên trong St. Thomas, ngoài việc tưởng nhớ một nhà soạn nhạc vĩ đại, bạn sẽ được đắm chìm trong những âm thanh từ chiếc đàn organ ống, vua của các loại nhạc cụ trên thế giới, vừa chiêm ngưỡng những kiến trúc hội hoạ, các tác phẩm nghệ thuật, nhiều phần còn sót lại từ những ngày công trình được xây dựng hồi thế kỷ 12. Người ta đã làm cây đàn mới dành riêng chơi những
bản nhạc của Bach từ 20 năm nay.
Bài và ảnh Lan Chi (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này