
17:12 - 08/11/2018
Trung Quốc toan tính gì với hội chợ quốc tế Thượng Hải?
Mỗi khi muốn thể hiện quan điểm hòa giải với các nước, Trung Quốc sẽ chuyển sang ngoại giao gấu trúc.
Do đó, linh vật của Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE) chính là một con gấu trúc đeo khăn quàng đang nhảy cùng dòng khẩu hiệu “kỷ nguyên mới, tương lai chung”.
Tổ chức ngay trước ngày bầu cử giữa kỳ Mỹ, CIIE được cho là thông điệp về sự nghiêm túc của Trung Quốc trong việc cắt giảm thặng dư thương mại lớn với Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Do đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân tới dự sự kiện, thay vì cử Thủ tướng Lý Khắc Cường, người phụ trách các vấn đề kinh tế.
Cuộc chiến thương mại đã khiến quan hệ Mỹ – Trung xấu đi. Mọi ánh mắt hiện tập trung về cách ông Tập ứng phó với các lời công kích của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Bắc Kinh.
“Trung Quốc chủ động tăng nhập khẩu không phải là lựa chọn về tính hiệu quả”, ông Tập nói. “Đó còn là bước đi hướng đến tương lai nhằm nắm lấy thế giới và thúc đẩy phát triển chung”.
Ông Tập không nhắc trực tiếp đến Trump, Mỹ hay Washington nhưng có phát thông điệp ngầm trong bài phát biểu.
“Các quốc gia cần cải thiện môi trường kinh doanh của họ bằng cách giải quyết những vấn đề của chính họ. Họ không nên chỉ tay vào bên khác để che giấu vấn đề của họ”, ông Tập nói.
Ông Tập cùng các bên tổ chức CIIE dường như luôn nghĩ đến Mỹ trong quá trình chuẩn bị hội chợ nhưng bầu không khí thực sự tại sự kiện lại trái ngược. Các quan chức cấp cao nước ngoài dự hội chợ, như Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, chủ yếu đến từ các quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai Con Đương (BRI) của Trung Quốc và không có quan chức Mỹ nào.
Sau bài phát biểu khai mạc, ông Tập hướng dẫn ông Medvedev cũng các quan chức khác qua khu vực trưng bày. Nhiều khu vực trưng bày là của các công ty Nhật Bản, cho thấy quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đang nồng ấm trở lại sau chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Shinzo Abe.
Cũng trong bài phát biểu, ông Tập biết Trung Quốc đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế nào, một số vấn đề có liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
“Tình hình trong nước và nước ngoài đã tạo ra những thách thức đáng kể cho kinh tế Trung Quốc như bất ổn gia tăng trong một số lĩnh vực, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn và rủi ro tăng trưởng với các lĩnh vực nhất định”, ông nói.
Sự thẳng thắn thừa nhận như trên rất hiếm khi xảy ra ở Trung Quốc. Nó phản ảnh những trở ngại mà ông Tập đang gặp phải.
5 ngày trước CIIE, Bộ Chính trị Trung Quốc, gồm 25 ủy viên, đã họp và bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.
“Kinh tế đã có những thay đổi với áp lực giảm tốc ngày càng tăng”, cơ quan này cho biết. “Một số công ty đang thiệt hại từ những khó khăn trong hoạt động, những rủi ro tích lũy từ lâu dần bộc lộ”.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung không được đưa tin rộng rãi ở Trung Quốc. Do thiếu thông tin, nhiều người dân Trung Quốc chưa thấy được mức độ nghiêm trọng trong căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giờ đây, đảng Cộng sản Trung Quốc khó có thể phớt lờ bởi tình hình đang ngày càng xấu.
Thủ tướng Lý Khắc Cường được cho là có vai trò quan trọng trong việc thuyết phục ông Tập thừa nhận những khó khăn hiện tại.
Ngày 24/10, ông Lý đã có đánh giá khá u ám về kinh tế Trung Quốc tại cuộc họp Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU). “Nhiều công ty gặp khó khăn, niềm tin thị trường bị ảnh hưởng trước áp lực giảm”, ông nói. Trung Quốc nên “chú ý đến những khó khăn và thách thức”.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,5% trong quý III, giảm so với mức 6,7% trong quý II. Nhiều nhà phân tích tin tình hình thực tế còn tệ hơn.
Bản chất CIIE, ban đầu nhằm tăng cường quan hệ với Mỹ, đã thay đổi sau khi chính quyền Trump cứng rắn hơn với Trung Quốc bằng việc Phó tổng thống Mike Pence chỉ trích Bắc Kinh hôm 4/10.
Điều khiến ông Trump thêm khó chịu là tuyên bố của ông Tập tại đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 hồi tháng 10/2017 rằng Trung Quốc “về cơ bản sẽ hiện đại hóa vào năm 2035”.
Thông điệp này nghĩa là Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mỹ, ít nhất là về kinh tế, trong vòng 17 năm. Bản thân ông Trump cũng hiểu rõ điều này. Trong cuộc họp báo ngày 7/11, ông đã công kích chính sách công nghiệp “Made in China 2025” của Bắc Kinh.
“Con số 25 của Trung Quốc nghĩa là năm 2025, họ sẽ thống trị thế giới về mặt kinh tế”, Trump nói. “Điều đó sẽ không xảy ra”.
Theo Người Đồng Hành
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này