10:44 - 18/02/2018
Hội nhập … đã rất vội!
Không dừng lại ở những diễn đàn, hội nghị mà những cụm từ “ưu đãi thuế quan”, “truy xuất nguồn gốc”… đã len lỏi tới tận những miền quê.
Cũng bởi vậy mà giờ đây đâu đâu người ta cũng bàn luận về hội nhập. Thắc mắc có, hồ hởi có, thậm chí cả lo lắng khi hội nhập.
Từ câu chuyện vỉa hè…
Cận kề thời điểm Tết, thú vui của tôi là thường thích ngồi cà phê vỉa hè chém gió với lũ bạn về nhân tình thế thái, nhìn lại những vui buồn của năm cũ và hi vọng một điều gì mới mẻ ở tương lai.
Cũng từ những buổi “off” ấy mà tôi hóng được không ít những chuyện bi hài trong cuộc sống thường nhật. Điều khiến tôi để ý nhất là những mẩu chuyện liên quan đến việc Việt Nam mở cửa hội nhập với thế giới khiến “từ giờ cái tăm trở đi cũng phải cạnh tranh với nước ngoài”.
Không dừng lại ở đó, câu chuyện hội nhập còn len lỏi vào từng ngõ ngách trên con phố nhỏ nơi tôi sinh sống. Họ kháo nhau rằng, năm 2018 Việt Nam sẽ mở toang cánh cửa cho người nước ngoài vào, mấy hàng ăn sẽ nhập hành lá và rau thơm ngoại thay thế cho hành ta.
Lúc ấy, không hiểu mấy bác nông dân trồng hành sẽ bán cho ai nếu không giải trình được nguồn gốc xuất xứ và những qui định khắt khe của người Tây.
Tại một diễn đàn hội nhập mới đây ở Hà Nội, tôi được các anh trong tổ đàm phán Chính phủ hóm hỉnh chia sẻ rằng: “Bọn anh thường xuyên nhận được những cú điện thoại hỏi xem lúc nào hội nhập sẽ tràn vào Việt Nam. Nhà tôi chuyên trồng rau củ vậy lúc ấy làm thế nào để cạnh tranh và tiêu thụ được vì nghe nói rau củ của Tây vừa to vừa đẹp lại được chị em rất ưa chuộng”.
Buồn vì nhận thức và tuyên truyền vẫn còn hạn chế, nhưng cũng vui vì nỗi lo hội nhập cũng đã gõ cửa đến tận những vùng quê. Đặc biệt, trong chừng mực nào đó, câu chuyện của người nông dân trồng hành cũng là câu chuyện chung của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Dù đã quan tâm hơn đến hội nhập, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng nhận thấy rõ cơ hội và thách thức mà hội nhập mang lại.
…đến chính trường nghị sự
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng với thế giới, đồng nghĩa với cơ hội và thách thức đan xen. Điều này thể hiện qua nỗi lo của doanh nghiệp khi các Hiệp định thương mại tư do (FTA) đang dần có hiệu lực.
Tuy nhiên, thay vì hoạch định ra những chiến lược cụ thể, các doanh nghiệp trong nước chỉ ngồi nghĩ làm sao để có thể chớp lấy cơ hội thành công, làm các phép tính để đối phó với những qui định khắt khe từ những thị trường khó tính.
Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế về kinh tế, Việt Nam đang ngày càng tích cực và chủ động tham gia vào hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng.
Từ chỗ hội nhập kinh tế quốc tế còn là một khái niệm khá mới mẻ trong những năm đầu thập kỷ 90 thì nay đã trở nên quen thuộc với tầng lớp nhân dân.
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng khiến nền kinh tế mỗi quốc gia trở thành một phần không thể tách rời, bị chi phối và có mối tương quan chặt chẽ với những biến động của thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực đàm phán, ký kết và tham gia các FTA song phương và khu vực.
Thống kê cho thấy, đến thời điểm này, Việt Nam đã đàm phán 16 FTA, ký kết 12 FTA và đang thực thi 10 FTA.
Việc tham gia các FTA mang lại nhiều cơ hội như thúc đẩy tăng trưởng GDP, mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mà FTA mang lại là những thách thức về tăng sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, cải cách thể chế…
Chính vì vậy, một khuyến cáo cho doanh nghiệp trong nước là thách thức không phải để sợ mà để doanh nghiệp thấy được bức tranh toàn cảnh về môi trường kinh doanh mà họ đang tham gia.
Xuất phát từ đó, doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu về hội nhập để điều chỉnh ngành nghề kinh doanh cho phù hợp để có thể tận dụng được tối đa thời cơ mang lại cho mình.
Nếu nhìn một cách xa hơn, Việt Nam cần phát triển ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên lợi thế cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh những ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp có nhiều lợi thế.
Không những thế, việc xây dựng và củng cố những thương hiệu mạnh là điều vô cùng cần thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam lúc này. Vì thế, nếu họ biết liên kết xây dựng được thương hiệu mạnh thì hoàn toàn có thể đứng vững khi hội nhập gõ cửa.
Nói như Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, “đâu phải bây giờ ta mới hội nhập, mà thực tế ta đã hội nhập được 20 năm nay rồi”.
Do đó, doanh nghiệp cần bình tĩnh nhận diện cơ hội và thách thức, chuẩn bị kỹ càng để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro từ hội nhập là tâm thế cần thiết của doanh nghiệp Việt.
Với nhiều doanh nghiệp, điều này không còn xa lạ, bởi họ đang hàng ngày “va chạm” với hội nhập. Tuy không ít doanh nghiệp đã phải dừng bước trước khó khăn, song cũng nhiều doanh nghiệp cũng tận dụng được cơ hội từ hội nhập để ngày càng trưởng thành lớn mạnh.
Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là cần đổi mới nhanh và hướng tới thực thi các cam kết một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đặc biệt, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trở thành chủ thể thực sự của hội nhập.
Việc tận dụng các FTA mà Việt Nam đã nỗ lực ký kết cũng như sớm ký kết trong thời gian tới sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu, có thêm nhiều bạn hàng, học hỏi công nghệ mới trong sản xuất, qua đó, giúp doanh nghiệp tham gia nhiều và sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Năm 2018 được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến cơ bản trong tái cơ cấu kinh tế trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm. Đây là chủ trương nhất quán và xuyên suốt.
Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng cần một bước chuyển biến mạnh mẽ và căn bản ngay cả khi đàm phán, ký kết hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chuẩn bị tâm thế cho hội nhập, đặc biệt là năng lực thực thi, hiện thực hóa FTA để Việt Nam vươn xa hơn trên trường quốc tế.
Uyên Hương
Theo Bnews/TTXVN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này