
11:23 - 06/10/2018
Kinh tế Hong Kong bị mắc kẹt giữa cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung
Hong Kong từ lâu đã cửa ngõ đi vào Trung Quốc cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Mỹ.

Vitasoy, một công ty nước giải khát Hong Kong sản xuất sữa đậu nành đặc trưng, có thể buộc phải áp dụng các chiến lược mua nguyên liệu khác để giảm thiểu áp lực từ cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: SMCP.
Với một cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cửa ngõ này đang gặp vấn đề.
Các sản phẩm dành cho Trung Quốc và Hoa Kỳ đi qua Hồng Kong chiếm gần 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 500 tỷ USD vào năm ngoái của thành phố này, theo Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong. Về tổng thể, lĩnh vực xuất nhập khẩu chiếm gần một phần năm nền kinh tế trong nước, và hiện tại, tình hình ngày càng xấu hơn bên đại lục có thể ảnh hưởng đến Hong Kong theo những cách khác nhau, rõ ràng nhất là chi tiêu du lịch.
Thêm mối đe dọa từ cuộc chiến tranh thương mại vào lĩnh vực bất động sản – vốn đã lạm phát, làm cho nền kinh tế Hong Kong bắt đầu trở nên mong manh.
Hong Kong với vai trò là trung tâm trung gian kết nối thương mại cho hàng hóa toàn cầu đã phát triển theo thời gian. Khi thương mại trơn tru, Hong Kong hưởng lợi. Khi thương mại gặp trắc trở, những đơn vị trung gian như Hong Kong rơi vào tình trạng khó khăn.
“Mỹ và Trung Quốc hai quốc gia thương mại lớn nhất trên thế giới, và họ giao thương với nhau qua cửa ngõ Hong Kong”, Nicholas Kwan, Giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong (HKTDC) cho biết. “Vì vậy, khi họ đánh nhau, rất nhiều trung gian bị tổn thương, và Hong Kong là trung gian nổi bật nhất trong số đó.”
Tác động ngay lập tức có thể thấy của cuộc xung đột thương mại ngày càng tồi tệ trong năm nay đó là thông lượng container sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nếu chiến tranh thuế quan kéo dài. Bên cạnh đó, mức tăng tổng sản phẩm quốc nội cũng giảm. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội tăng 3,5% trong quý hai so với một năm trước, so với 4,6% trong quý đầu tiên, theo số liệu của chính phủ. Nhìn về phía trước, chỉ số nhà quản trị mua hàng (1) của Hong Kong (do Nikkei khảo sát và công bố) cũng đã trượt sâu trong tháng 9.
HKTDC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 của Hong Kong xuống còn 3% từ mức 6% sau khi chỉ số xuất khẩu hàng quý mới nhất của họ trong tháng 9 giảm mạnh, từ mức 54.1 trong quý 2 xuống còn 35.8 trong quý 3. Các chỉ số dưới 50 cho thấy phần lớn các nhà xuất khẩu mong đợi các lô hàng của họ được ký kết hợp đồng.
Đi sâu hơn vào chi tiết, có thể thấy sản phẩm điện tử, chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất. Theo báo cáo từ HKTDC, chỉ số xuất khẩu lĩnh vực này giảm xuống còn 35,4 so với con số 55,2 trong quý trước.
Những khó khăn thương mại đến vào một thời điểm phức tạp khi thành phố điều hướng tác động của nền kinh tế đang suy giảm ở Trung Quốc trong khi chi phí vay có khả năng tăng do những điều chỉnh từ chính sách tiền tệ.
“Chúng ta không thể dựa vào chính sách tiền tệ,” Iris Pang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng ING Bank NV ở Hong Kong cho biết. “Chúng ta phải dựa vào kích thích tài khóa, và bây giờ là thời điểm thích hợp để chính phủ Hong Kong thực hiện chính sách tài khóa của mình.”
Pang đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế 2018 của mình cho Hong Kong xuống 3,6% từ mức 4,9% trong tháng 8 do chiến tranh thương mại, và có thể cắt giảm các mục tiêu 2019 và 2020 nếu xung đột tiếp tục diễn ra. Pang hiện dự báo tăng trưởng 2,6% trong năm tới và 2,5% vào năm 2020. Ngân hàng Standard Chartered và United Overseas Bank cũng đã hạ dự báo của họ về mức tăng trưởng của Hong Kong trong năm nay.
Ngoài tác động trực tiếp lên hoạt động xuất khẩu và các ngành công nghiệp hậu cần, một cuộc chiến thương mại kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến doanh số bán lẻ và việc làm, Pang nói. Tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng năm tăng hơn 10% ở phần lớn thời gian trong năm nhờ chi tiêu của lượng khách du lịch mạnh mẽ từ đại lục.
Pang ước tính một phần ba hoạt động kinh tế ở Hong Kong có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại. Trong số đó, các doanh nghiệp Hong Kong vận hành các nhà máy ở Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ đặc biệt dễ bị tổn thương. Một nền kinh tế trong nước yếu hơn, lãi suất cao hơn, và một triển vọng mờ nhạt hơn, tất cả những yếu tố này gộp lại có thể tạo ra một bước ngoặc cho thị trường bất động sản Hong Kong, một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới.
“Giải pháp tức thời cho những khó khăn do chiến tranh thương mại gây ra có thể không có sẵn,” Edward Yau, Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Kinh tế Hong Kong nói với các phóng viên tại thành phố hôm thứ Năm, sau khi công bố hỗ trợ tín dụng mở rộng cho các công ty nhỏ.
“Cả hai như là một thực thể kinh doanh và vì lợi ích của chính mình, chúng tôi lo lắng nếu cuộc chiến kéo dài và gây thêm thiệt hại”, Yau nói. “Tôi nghĩ trong tương lai ngắn và trung hạn, chúng ta sẽ tiếp tục nhìn thấy một biển khó khăn phía trước.”
————-
(1) Chỉ số nhà quản trị mua hàng là chỉ số tổng hợp được xây dựng để cho một đánh giá khái quát về hoạt động trong ngành sản xuất và đóng vai trò như một chỉ số quan trọng cho toàn bộ nền kinh tế. Chỉ số được hình thành từ các chỉ số phổ biến riêng đo lường sự thay đổi về sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp và lưu kho hàng hóa mua. Kết quả chỉ số PMI™ dưới 50.0 cho thấy nền kinh tế sản xuất nhìn chung giảm sút; trên 50.0 có nghĩa nhìn chung là phát triển. Kết quả chỉ số 50.0 là không có sự thay đổi. Mức chênh lệch so với 50.0 càng lớn thì tốc độ thay đổi mà chỉ số báo hiệu sẽ càng lớn.
Đức Tâm (theo MTG/Bloomberg)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này