11:49 - 22/09/2018
Hong Kong sản xuất sợi từ vải vóc, quần áo cũ
Rác thải từ quần áo cũ là vấn nạn của không chỉ thế giới, mà cả Việt Nam.
Tại Hong Kong, ngày 3/9/2018 đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đến tham dự buổi khai trương một nhà máy kéo sợi vừa mới được đưa vào sản xuất. Không chỉ là công xưởng đầu tiên được xây dựng mới suốt 50 năm qua trong khuôn viên một trung tâm sản xuất hàng may mặc nổi tiếng trước kia, đây là nhà máy dệt đầu tiên của Hong Kong sử dụng sợi được tách từ vải vóc, quần áo cũ, bỏ đi, hư hỏng.
Theo số liệu của Euromonitor, doanh số ngành dệt may toàn cầu của năm 2016 lên đến 1.223 tỷ Mỹ kim, chiếm 1,7% GDP thế giới (ở năm 2012 là 1,5% GDP). Việc tăng thêm này không chỉ vì gia tăng dân số mà còn liên quan đến thay đổi thói quen tiêu dùng. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy hàng năm mỗi cư dân vùng Bắc Mỹ mua trung bình 64 sản phẩm may mặc, tương đương 1,2 cái mới hàng tuần. Cũng theo đó, mỗi người hàng năm thải ra 31,2kg (82 pound) quần áo cũ, dư thừa. Chỉ 15% (5,4kg) trong số đó được tái sử dụng, với 7,5% được bán, cho để dùng lại và 7,5% là được tái chế (Council for Textile Recycling, 2014). Điều đó cho thấy, bên cạnh nhu cầu về sợi, vải vóc gia tăng thì song song đó khối lượng chất thải từ chúng đổ ra cũng tăng theo. Một khoảng cách khá xa khi so sánh con số 7,5% này so với có tới 71% hộp thiếc, 70% giấy báo… đã được đưa đi tái chế ở Mỹ.
Các quan ngại khác đến từ tài nguyên và môi trường. Trong ngành công nghệ dệt may có đến 63% loại sợi đến từ công nghệ hoá dầu – liên quan đến lượng khí thải trong quá trình sản xuất. 37% đến từ thực vật, chủ yếu là bông (24%) loài cây rất háo nước, tác động đến sự cạn kiệt nguồn nước và kể cả tác động độc hại của các loại thuốc trừ sâu được sử dụng. Tới giai đoạn xử lý, nhuộm, in ấn… không chỉ là nguồn phát chất thải độc hại, mà cả việc chủ yếu sử dụng nguyên liệu hoá thạch cũng góp phần thêm nữa trong việc thải ra khí cacbonic và các hạt bụi nhỏ… Do vậy, vấn đề tái chế, tái sử dụng các loại vải, sợi không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế, mà là nhu cầu bức thiết để giữ xanh môi trường, phát triển bền vững.
Nhà máy Tai Po vừa mới khánh thành hiện có sản lượng khá khiêm tốn, mỗi ngày chỉ xử lý, sản xuất được 3 tấn sợi từ quần áo cũ, so với con số trung bình 340 tấn rác từ vải vóc cư dân Hong Kong thải ra hàng ngày. Tuy nhiên, vị quản lý cho biết, dù có khả năng mở nhà máy với công suất cao gấp mười lần bên đại lục, nhưng công ty dành ưu tiên cho Hong Kong – “để giải quyết vấn đề rác thải ở thành phố quê hương, và chứng minh dù ở phạm vi thành phố, việc sản xuất bền vững vẫn là khả thi”. Đây chỉ là bước đầu, kế hoạch mở rộng, cả tới nhiều quốc gia có thế mạnh trong sản xuất sợi, vải đang được chuẩn bị.Điều rất đáng nói là không chỉ sản xuất vải sợi từ quần áo cũ, quy trình không sử dụng nước và xả ra nước thải.
Hiện nay, tuy Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng may mặc thuộc tốp đầu thế giới, phần lớn nguyên liệu được nhập khẩu là chính, dù nghề canh cửi, tơ sợi không hề xa lạ với dân tộc Việt từ ngàn đời. Bên cạnh đó, rác thải cũng là vấn đề nhức đầu với nhiều địa phương, ngay cả ở TP.HCM với vấn nạn mà hiện cư dân quận 7, cũng như nhiều vùng ven khác đang khó nhọc đương đầu. Do vậy, việc “khởi nghiệp” tạo ra nhà máy, quy trình tái chế, kéo sợi từ quần áo, vải vóc hư cũ; dù đã đi sau nước bạn, cũng rất cần được các nhà khoa học, doanh nghiệp và cả Nhà nước quan tâm, đầu tư đúng mức. Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, và cả vì một hành tinh xanh.
Hoàng Bảo (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này